“Sách nói” - đôi mắt tinh thần của người mù
8h
sáng 12.3, phòng tiếp khách của Quỹ từ thiện sách nói cho người mù
(quỹ), một người đàn bà nhờ chị Nguyễn Hướng Dương đọc, thu âm hộ một
chồng sách về đạo Phật. Hướng Dương nhận lời đọc 3 quyển. Như vậy, ngoài
trang:sachnoionline.com, mấy năm nay gần đây, là một phật tử, Hướng
Dương lập thêm trang: sachnoiphatphap.com. “Sách nhà Phật cũng tuỳ sách
mới đọc.
Để
đọc được một số cuốn, tôi phải lên chùa, học cách phát âm chữ Pali cho
đúng”, Hướng Dương mỉm cười. Sắp xếp thêm mấy công việc hành chính mỗi
ngày của quỹ, đúng 9h30’, chị vào phòng thu âm số 1 tiếp tục đọc hồi thứ
67 - cuốn 2 “Tây du ký”. “Mấy em bảo, họ “coi” phim trên tivi những
đoạn Tôn Ngộ Không đánh yêu quái, chỉ nghe chát chát, hự hự, khi tôi đọc
những đoạn miêu tả trong sách, họ mới hình dung ra được…
Chúng
tôi không bao giờ đọc truyện tranh, vì ngôn ngữ truyện tranh hiện nay
rất nhiều từ cộc lốc kiểu hự, chát, bùm, không ích gì cho việc phát
triển, làm giàu vốn tiếng Việt và cả trí tưởng tượng của người nghe”,
chị nói. Một mình sắm mấy vai, từ thầy trò Đường Tăng đến lũ yêu ma quái
quỷ, Hướng Dương chỉnh giọng mình liên tiếp khác nhau theo tâm trạng
nhân vật trong truyện. Và đọc một lèo tới nửa tiếng mới nhấp giọng bằng
ngụm nước. “Thường mỗi ca của mình, tôi đọc liền mạch 2 tiếng đồng hồ.
Để có sức bền, hơi dài đọc sách, tôi vận nội công đấy - Dương mỉm cười -
thực ra là tập thở bằng bụng nhiều năm nay”.
Trong
phòng thu âm có một giá gỗ để hàng trăm CD nhạc không lời Hướng Dương
sưu tầm dùng để lồng vào truyện. Người mù rất mẫn cảm với âm nhạc. Nhạc
lồng trong truyện nhấn mạnh tính cách nhân vật trong các bối cảnh, nâng
cảm xúc người nghe. Ví như đọc “Cuốn theo chiều gió”, Hướng Dương tìm
lựa bản nào hợp với tính cách cô Scarlette. Chị nghe nhiều bản nhạc,
thẩm định, phân loại, ghi chú vào đĩa để khi đọc cuốn nào, chọn nhạc phù
hợp cuốn đó. Mỗi ngày, nếu cộng cả thời gian nghe, chọn nhạc, Hướng
Dương làm việc từ 12-14 tiếng đồng hồ. Bận mà vui. Bận tới mức quên cả
dành thời gian để nghĩ tới việc lo cho hạnh phúc của riêng mình…
Quỹ
từ thiện sách nói cho người mù thành lập năm 2010, Thư viện sách nói
dành cho người mù mà Hướng Dương là người đầu tiên đặt những viên gạch
lập nên vào ngày 19.5.1998, có 6 chương trình hoạt động. Tới nay, thư
viện đã đọc thu âm được gần 1.400 tựa sách in, phục vụ miễn phí hơn 270
ngàn băng cassette, CD - MP3 cho 90 trường, hội người mù các tỉnh thành
cả nước. Chương trình sách nói có sách giáo khoa, sách văn học, sách về
các danh nhân, sách kiến thức…
“Với
tôi, sách nói vừa là bạn, vừa là thầy, là cả ân nhân của tôi nữa”, em
Bích Thu (Hội người mù tỉnh Bình Định) viết vậy trong bài viết “Hạnh
phúc đời tôi” - đoạt giải ba cuộc thi “Sách nói- bạn đường của tôi” tổ
chức năm 2013, nhân 15 năm thành lập thư viện. “Có một điều tế nhị của
việc chọn đọc mảng sách về kỹ năng sống, tôi thường trao đổi với các
thầy cô giáo các trường mù - vấn đề chọn đọc những cuốn về sinh lý cho
những em ở tuổi dậy thì. Chúng tôi phải tìm chọn những cuốn thích hợp
với người mù…” - Hương Dương chia sẻ.
Xin đừng bao giờ im lặng
Mỗi
năm, thư viện cần tới 35.000 băng cassette và CD. Quy trình làm ra một
cuốn sách nói gồm mấy bước đơn giản: Đọc, mix nhạc, làm băng đĩa master,
in sang băng, đĩa, mỗi lần in gần 100 bản, gửi qua đường bưu điện tới
cơ sở người mù các địa phương. Hiển nhiên, cái làm nên “hồn cốt” sách
nói là giọng người đọc. Cùng với Hướng Dương, thư viện hiện có 23 giọng
đọc - những tình nguyện viên làm nhiều ngành nghề. Để được đọc sách nói,
tình nguyện viên phải thi tuyển đàng hoàng, giám khảo là Hướng Dương và
một người mù.
“Tại
sao nhất thiết phải có người mù lựa giọng?”, chúng tôi hỏi. Chị Hướng
Dương cho biết: “Sách nói là món quà từ tấm lòng người bình thường,
nhưng để sách được người mù “đọc”, phải có sự thẩm định âm trước của
người mù. Người mù rất mẫn cảm với thanh âm. Tặng người mù món quà -
sách nói mà tai họ nghe không lọt - họ không xài được món quà đó bởi
giọng đọc - thanh âm làm tai họ khó chịu - tức là sách nói không lọt tai
họ, thì với họ quả là… tra tấn. Vì thế, rất nhiều tình nguyện viên, khi
biết tới thư viện chúng tôi, sẵn lòng giúp giọng, nhưng không được
chọn, chúng tôi đành an ủi họ: Đừng buồn. Từ thiện giọng nói cho người
mù, phải lựa giọng kỹ càng để tạo sự hứng thú cho tai nghe người mù.
Giọng
đọc cho thư viện chỉ có hai giọng là Bắc chuẩn và Nam chuẩn. Không có
giọng đọc kiểu lơ lớ nửa Nam nửa Bắc. Chọn giọng đọc theo thể loại sách:
Thanh, trong - sách cho trẻ em, trầm có kịch tính - tác phẩm văn học
kinh điển, ví dụ như giọng anh Bá Trung - tình nguyện viên nhiểu năm
nay. Anh vừa đọc xong tiểu thuyết “Tội ác và trừng phạt” của nhà văn Nga
Dostoevski. Dành cho nhiều những tác phẩm văn học Nga, chúng tôi có hai
giọng đọc là những người học từ Nga về - Bá Trung, Quang Điền. Việc đọc
cũng chia theo phong cách viết, gốc gác tác giả, giọng Bắc - những tác
phẩm của các nhà văn miền Bắc - Nam Cao, Tô Hoài, Nguyễn Tuân; giọng Nam
- những tác giả người Nam - Đoàn Giỏi, Sơn Nam, Dạ Ngân, Nguyễn Ngọc
Tư… Nhưng thơ thì đặc biệt chỉ có giọng Bắc đọc, độ diễn cảm mới cao”.
Cô
sinh viên mù Đỗ Thị Bốn thì chia sẻ. “Cuộc sống này sẽ mãi mãi tươi đẹp
hơn nếu Thư viện sách nói dành cho người mù tồn tại theo năm tháng. Hỡi
giọng ai đang cất lên, xin đừng bao giờ im lặng, hãy cứ vang lên để cho
những con người trong đêm đen cảm nhận được cuộc sống muôn màu…”.
Đầu
năm 2014, một tin thật tốt lành đã đến với thư viện: Lãnh đạo TPHCM cấp
cho họ địa điểm làm chỗ ở ổn định ở 18 Đinh Tiên Hoàng (Q I). Một nhà
hảo tâm - một doanh nghiệp - vào tháng 4 tới sẽ đầu tư cho việc xây dựng
cơ sở vật chất có chất lượng. Và như vậy, cuộc sống của những người mù
sẽ càng thêm bừng sáng với những trang sách nói…