Đề xuất "Dạ cổ hoài lang" là di sản văn hóa phi vật thể
 |
Nhạc cụ của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu. |
Bà Lê Thị Ái Nam, Giám đốc Sở VHTTDL Bạc Liêu cho biết, Sở đã gửi báo cáo về Bộ VHTTDL để xem xét công nhận bản Dạ cổ hoài lang và Nói thơ Bạc Liêu là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Kể từ ngày ra đời đến nay, bản Dạ cổ hoài lang đã có những thay đổi về nhịp điệu và có nhiều dị bản khác nhau. Từ bản Dạ cổ hoài lang
nhịp 2 với 20 câu mở dần lên nhịp 4, nhịp 8, nhịp 16, nhịp 32 với 4 câu
và đã trở thành bài ca vua của sân khấu cải lương Nam bộ.
GS.TS Trần Văn Khê cho rằng: "Bản Dạ cổ hoài lang
được công nhận là kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể là niềm mơ ước
canh cánh trong lòng tôi hơn 20 năm qua. Tuy nhiên sau khi nghiên cứu
nhiều dị bản, tôi nhận thấy bản phổ biến hiện tại chưa phù hợp về mặt
ngữ âm học. Vì vậy chúng ta phải định lại cho rõ ràng nét nhạc, lời ca
đầu
tiên
của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu để khi phổ biến ra thế giới, cần phải dịch
bản ca cho đúng với bản ca gốc chứ không phải là lời lẽ của dị bản".
Trong cuộc hội thảo 90 năm bản Dạ cổ hoài lang do Sở VHTTDL Bạc Liêu phối hợp với Hội Sân khấu TP.HCM tổ chức ngày 29/7/2009 tại TP.HCM, Dạ cổ hoài lang được các nhà khoa học, nghệ nhân, nghệ sĩ khẳng định những đóng góp quan trọng của nó trong nền nghệ thuật cải lương Nam Bộ.
Hội
thảo là một trong những hoạt động nhằm bổ sung nguồn tư liệu và hiện
vật liên quan đến tác giả của bài ca vua để trưng bày trong khu lưu
niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu tại Bạc Liêu. Khu tưởng niệm rộng 2.800m2,
kinh phí 6,3 tỷ đồng được khởi công tháng 8/2008 gồm nhà trưng bày hiện
vật của nhạc sĩ, cụm mộ vợ chồng nhạc sĩ cùng thân sinh, khu sân khấu...
Một chương trình lễ hội mang tên Dạ cổ hoài lang
sẽ được địa phương này tổ chức từ ngày 29/9 đến 03/10/2009 tại thị xã
Bạc Liêu. Lễ hội có nhiều hoạt động như trình diễn sân khấu hóa quá
trình ra đời và phát triển bản Dạ cổ hoài lang, phục dựng lễ giỗ tổ cổ nhạc, khánh thành khu di tưởng niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu...
Theo Hà Nội Mới