Dường như lòng kính trọng cùng sự xúc động của Chủ tịch Quốc hội
Việt Nam có sức truyền cảm, khơi dậy ngọn nguồn tình cảm đặc biệt của
Đức Giáo hoàng đối với đất nước và dân tộc ta, Ngài nói tiếp: "Từ lúc
còn trẻ tuổi, sống tại Bu-ê-nốt- Ai-rét, Ác-hen-ti-na, tôi đã luôn theo
dõi tình hình Việt Nam. Tôi thấy Việt Nam là một dân tộc dũng cảm,
kiên cường trong đấu tranh giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước.
Tôi rất ngưỡng mộ Việt Nam, đây là một dân tộc vĩ đại, đáng để thế giới
ngưỡng mộ...
Tôi biết Ngài Chủ tịch chuẩn bị kết thúc chuyến thăm và về nước,
nhưng bên cạnh tôi vẫn có một người Việt Nam tốt" - Đức Giáo hoàng chỉ
vào Đức ông Cao Minh Dung, phụ trách Vụ Đông - Nam Á, Bộ Ngoại giao
Va-ti-căng và cũng là người trực tiếp hướng dẫn Đoàn cấp cao nước ta
thăm Tòa thánh trong chuyến công tác này.
Linh mục Cao Minh Dung tràn ngập niềm vui và hạnh phúc khi được phục
vụ và chứng kiến một sự kiện hiếm có như vậy. Ông tưởng rằng đã đến lúc
chuẩn bị kết thúc như thường lệ nhưng cuộc hội kiến giữa Chủ tịch QH
Việt Nam và Đức Giáo hoàng vẫn tiếp tục nồng nhiệt và trở thành một
cuộc nói chuyện hết sức chân thành, cởi mở... Khi biết rằng còn sáu
thành viên khác trong đoàn Việt Nam đang ở phòng ngoài (chờ để sau cuộc
này sẽ cùng Chủ tịch Quốc hội nước ta hội kiến Đức Hồng y Pi-e-trô
Pa-rô-lin, Thủ tướng Va-ti-căng), Đức Giáo hoàng bèn nhấn chuông gọi lễ
tân ra mời các thành viên đó vào. Ngài đến bắt tay từng người trong
đoàn Việt Nam, điều mà ông Cao Minh Dung cho biết là chưa từng có đối
với các Giáo hoàng.
Một lần nữa, Đức ông Cao Minh Dung lại tưởng rằng cuộc hội kiến đã
quá dài và muốn kết thúc, nhưng hai bàn tay nồng ấm của Chủ tịch QH
Việt Nam và Đức Giáo hoàng vẫn siết chặt. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng
khẳng định chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn tôn
trọng các tôn giáo, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và không tín
ngưỡng của công dân, trong đó có việc bảo vệ, hỗ trợ và động viên đồng
bào Công giáo "Sống phúc âm giữa lòng dân tộc", đồng bào các tôn giáo
là bộ phận không thể tách rời trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Hiến pháp (sửa đổi) có hiệu lực từ 1-1-2014 cũng đã hiến định rất rõ
ràng về lĩnh vực này. Với sự đồng cảm sâu sắc, Đức Giáo hoàng đã nói
lên những điều tâm niệm và những lời nhắn nhủ có ý nghĩa quan trọng.
Tôi cầu chúc hòa bình, thịnh vượng cho Việt Nam.
Người Công giáo Việt Nam phải là công dân tốt, phải đồng hành cùng
dân tộc xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Giáo hội không phải là một
đế quốc, không xâm lược ai cả, chỉ mong ước và cống hiến cho thế giới
hòa bình, hạnh phúc và tiến bộ.
Tình hữu nghị càng thêm nồng ấm khi Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đáp
từ: Đó cũng chính là những mong muốn và mục tiêu của nhân dân Việt Nam,
theo di huấn mà lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng
tôi đã nói: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao
cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng
bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành".
Điểm lại những năm gần đây, sự hiểu biết nhau và quan hệ giữa Việt
Nam với Va-ti-căng ngày càng tiến triển tích cực trên tinh thần đối
thoại thiện chí, xây dựng, tôn trọng các nguyên tắc trong quan hệ song
phương. Từ khóa trước đến khóa này đã có bốn lần các nhà lãnh đạo cao
nhất của nước ta trên các cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ
tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội đến thăm chính thức Va-ti-căng.
Triển khai kết quả các chuyến thăm đó, Nhóm công tác hỗn hợp Việt Nam
- Va-ti-căng được thành lập và hoạt động tích cực. Tòa thánh cũng đã
bổ nhiệm Đức Tổng Giám mục Lê-ô-pôn-đô Gi-ren-li làm Đại diện không
thường trú tại Việt Nam. Thành công của các cuộc gặp cấp cao nhất,
trong đó có cuộc hội kiến vừa diễn ra nêu trên và kết quả hoạt động của
các quan chức hai bên đã tạo điều kiện và khuôn khổ thuận lợi cho hơn
5.000 linh mục và cộng đồng giáo dân phát huy tinh thần kính Chúa, yêu
nước, sống phúc âm giữa lòng dân tộc.