Thứ hai, 31/03/2014 08:39
Hệ thống quy tắc ứng xử cho người Hà Nội: Phải đi vào “gốc rễ” của vấn đề
Sau hơn 2 năm xây dựng tiêu chí khung của đề án "Xây dựng hệ thống quy tắc ứng xử (QTƯX) trong cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư TP Hà Nội" (Đề án), Sở VH,TT&DL Hà Nội đã đưa ra lấy ý kiến góp ý vào ngày 28-3.
Ý kiến của các đại biểu tại hội nghị này và những cuộc hội thảo, tọa đàm
về văn hóa, con người Hà Nội diễn ra gần đây cho thấy, việc ban hành đề
án là đòi hỏi tất yếu, song các tiêu chí khung về văn hóa ứng xử (VHƯX)
với từng nhóm đối tượng vẫn còn nhiều điểm cần được làm rõ.
Đòi hỏi tất yếu
TS Mai Anh, Giám đốc Trung tâm ISCSC, Khoa Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà
Nội) - đơn vị xây dựng đề án cho biết, việc xây dựng và áp dụng bộ QTƯX
tại các đơn vị, tổ chức, cộng đồng được nhiều nước trên thế giới quan
tâm. Đối với một thành phố, các QTƯX sẽ góp phần xây dựng môi trường văn
hóa, văn minh, từ đó duy trì và phát triển những giá trị sống tốt đẹp
nhất cho xã hội và con người; đồng thời là một trong những công cụ quản
lý xã hội. "Với vị thế là trung tâm văn hóa, xã hội của cả nước, việc
xây dựng hệ thống QTƯX trong cơ quan, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư là
cần thiết nhằm mục đích triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính
sách của Đảng, Nhà nước, của TP Hà Nội; góp phần giữ gìn và phát huy
truyền thống lịch sử, văn hóa của mảnh đất Thăng Long - Hà Nội nghìn năm
văn hiến", TS Mai Anh khẳng định.
 |
Chiến
sĩ Cảnh sát giao thông Đội 7 (Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an
TP Hà Nội) hướng dẫn đường cho người dân. Ảnh: Lê Tuấn |
Trong những cuộc hội thảo về văn hóa, con người Hà Nội thời gian gần
đây, các nhà quản lý, nghiên cứu văn hóa cho rằng, VHƯX của một bộ phận
không nhỏ người Hà Nội đang có biểu hiện lệch lạc, xuống cấp. PGS Nguyễn
Chí Mỳ, Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long cho biết: "Phải thẳng thắn
thừa nhận, hiện nay, nền tảng văn hóa, đời sống tinh thần của người Thủ
đô có những mặt đã bị xuống cấp, nhiều đức tính tốt đẹp được hun đúc
trong lịch sử và trong kháng chiến bị xói mòn, nhiều tật xấu nổi lên.
Thái độ cục cằn, biểu thị ý thức không biết tôn trọng mình, không biết
ngượng đang có chiều hướng gia tăng, nhất là lớp trẻ…".
Cùng chung quan điểm này, TS Nguyễn Đình Dương, Viện trưởng Viện nghiên
cứu và phát triển KT-XH Hà Nội cho rằng, việc chưa hình thành được hệ
giá trị nhân cách với các chuẩn mực rõ ràng về đạo đức, lối sống của
người Hà Nội trong thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế là một trong
những nguyên nhân khiến văn hóa và con người Hà Nội thời kỳ mới chưa
tương xứng với nền tảng truyền thống, chưa đáp ứng được nhu cầu phát
triển.
Rõ dần các tiêu chí
Sau cuộc hội thảo khoa học với nội dung: "Góp ý xây dựng hệ thống QTƯX
nhằm xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh" vào ngày 8-2-2012, Ban
soạn thảo đề án đã tiến hành điều tra xã hội học, thăm dò ý kiến của
nhiều nhóm đối tượng và bước đầu hình thành bộ khung hệ thống QTƯX trong
cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư TP Hà Nội. Theo đó, khung QTƯX trong
cơ quan hành chính được xác định bởi các tiêu chí: Trách nhiệm, tận tâm
với công việc; lịch sự, hòa nhã, nhiệt tình, tiết kiệm, kỷ luật. Trong
bệnh viện, cán bộ y tế cần tận tình, chu đáo trong việc khám, chữa bệnh;
giải thích và cung cấp đầy đủ thông tin cho bệnh nhân và người nhà bệnh
nhân; luôn học hỏi, trau dồi kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn, chịu
trách nhiệm trong công việc… Trong doanh nghiệp, các chuẩn mực ứng xử
tối thiểu là công bằng, coi trọng chữ tín, chia sẻ lợi ích, tôn trọng
khách hàng, ghi nhận sự đóng góp của các cá nhân, tập thể và có trách
nhiệm với xã hội.
Khung hệ thống QTƯX ở khu dân cư đề cao sự tôn trọng, sẻ chia, trách
nhiệm giữa con người với con người và giữa con người với môi trường xung
quanh. Trong đó, người tham gia công tác chính quyền phải hoàn thành
tốt nhiệm vụ, không sách nhiễu người dân, không thành kiến với các hộ
gia đình, không tham nhũng…; còn người dân phải sống và làm việc theo
pháp luật, thực hiện tốt quy chế của khu dân cư, lời nói đúng mực, thái
độ thân thiện, trang phục gọn gàng… Ở nơi công cộng, mọi người cùng chấp
hành nội quy, quy định, giữ gìn vệ sinh môi trường, không hút thuốc lá,
không gây ồn ào, mất trật tự, xếp hàng khi tham gia các dịch vụ, có ý
thức phê phán những hành vi phản cảm…
Đóng góp cho khung hệ thống QTƯX, TS Nguyễn Quang Hòa, Hiệu trưởng
Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm cho rằng: Các tiêu chí khung này tương đối sát
với thực tế, nhưng chưa đi vào "gốc rễ" của vấn đề. Theo TS Nguyễn Quang
Hòa, QTƯX là khuôn mẫu để chúng ta đối chiếu chứ không phải là cơ sở
điều chỉnh thái độ, hành vi, cho nên quy tắc đầu tiên cần có phải là sự
yêu thương, rồi mới đến yếu tố thân thiện, trung thực, lắng nghe, chia
sẻ… Chỉ rõ một số tiêu chí na ná nhau, chưa rõ "chất" Hà Nội, ông Lưu
Xuân Bình, Ban An toàn giao thông TP Hà Nội kiến nghị, các tiêu chí về
VHƯX nên dựa trên những phẩm chất nổi bật của người Hà Nội, nhưng có sự
điều chỉnh cho phù hợp với cuộc sống hôm nay; nên rõ ràng hơn với từng
đối tượng, chứ không chung chung như dự thảo, rất khó hiểu, khó nhớ.
Tiếp thu các ý kiến đóng góp trên đây, ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc
Sở VH-TT&DL Hà Nội cho biết, hội nghị lấy ý kiến góp ý về tiêu chí
khung mới là bước "khởi động" trên lộ trình xây dựng, hoàn thiện. Thời
gian tới, Sở VH,TT&DL Hà Nội phối phợp với Khoa Quốc tế (Đại học
Quốc gia Hà Nội) tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân qua
các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời đưa về các ngành, các địa
phương để lấy ý kiến trực tiếp. Chẳng hạn, ngành GD-ĐT sẽ góp ý cho
QTƯX trong trường học; ngành y tế góp ý cho QTƯX trong bệnh viện; các
cuộc họp khu dân cư, tổ dân phố sẽ bàn về QTƯX trong khu dân cư. Sau khi
hoàn thiện bộ khung, các cơ quan, đơn vị, trường học, cộng đồng dân cư…
sẽ căn cứ vào những tiêu chí chung này để xây dựng hệ thống QTƯX cho
đơn vị mình. Dự kiến, từ quý III năm 2014, hệ thống QTƯX sẽ được triển
khai thực hiện thí điểm ở một số ngành, địa phương, sau đó rút kinh
nghiệm, điều chỉnh và nhân rộng.
(Theo hanoimoi.com.vn)
|