Đến Cuba để thấy “trở về nhà”....
Những tuyến phố bổ ô bàn cờ, rộng rãi và sạch đẹp tại La Habana.
Chuyên cơ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đáp
xuống sân bay Jose Marti vào lúc trời vẫn còn mờ tối, trong khi kim
đồng hồ đang nhẩn nha chạy đến con số 7 giờ sáng. Mắt tôi cay sè vì
chuyến bay dài và sự lệch múi giờ đến nửa ngày. Cuba khác hẳn những gì
tôi hình dung trước đó về một đất nước gian khó vì lệnh cấm vận của Mỹ.
Những tuyến phố bổ ô bàn cờ, chỉ có thể mô tả bằng chuỗi tính từ đẹp
đẽ: Rộng rãi, ngăn nắp, trật tự và xanh mướt với những hàng cây chạy dài
thẳng tắp. Những ngôi biệt thự xinh xắn nép mình sau những hàng rào
hoa. Đường phố không có rác thải. Có lẽ, ô nhiễm môi trường từ việc xả
rác, dường như, cũng bị “cấm vận” vào Cuba.
Những người bạn thân thiết
Sự đón tiếp mà Cuba dành cho đoàn Việt Nam thật ấm áp. Lễ đón chính
thức và cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Cuba
Raul Castro Ruz diễn ra trang trọng tại Cung Cách mạng ở thủ đô La
Habana. Tình cảm đồng chí, tình cảm anh em thân thiết được thể hiện rõ
nét, khi Chủ tịch Cuba Raul nắm chặt tay Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sau
lễ trao Huân chương Jose Marti cao quý nhất của Cuba cho người đứng đầu
Chính phủ Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam luôn
sát cánh bên các bạn Cuba và bày tỏ tình cảm ấm cúng “như được trở về
nhà” khi đến thăm chính thức Cuba.
Vụ Báo chí Bộ Ngoại giao Cuba cử 2 cán bộ để hướng dẫn và trợ giúp
đoàn báo chí Việt Nam tháp tùng Thủ tướng: Igor Hevia có vóc người đậm,
mái tóc bạc và mới “26 tuổi, đọc ngược”. Và Rafael Lesca, 67 tuổi. Igor
hay đùa tếu, dễ gần, và đặc biệt luôn chuẩn xác thời gian. Ông sẵn sàng
bỏ lại phóng viên nào trễ giờ lên ôtô đến các sự kiện của đoàn, dù là 5
phút. Igor lấy làm tiếc chưa được đến thăm Việt Nam - đất nước bạn bè
“thân thiết nhất” của Cuba - theo lời ông. Igor kể tôi nghe, ông từng
nhiều đêm không ngủ, vì lo lắng theo dõi thông tin về cuộc kháng chiến
chống Mỹ tại Việt Nam. Ông đã khóc, khi biết tin Chủ tịch Hồ Chí Minh
qua đời.
Igor rất tự hào về những thành tựu xã hội mà Cuba đã đạt được.
“Chính phủ bảo đảm cuộc sống cho mọi người dân, từ lương thực, nhà ở,
giáo dục, y tế đều miễn phí. Vì vậy, dù mức lương bình quân đầu người
chỉ khoảng 25-30USD/tháng, song mọi người đều hài lòng”. Tuổi nghỉ hưu
tại Cuba cũng cao hơn Việt Nam, 60 tuổi với nữ và 65 tuổi với nam. Song
ông Igor cho biết, đó chỉ là độ tuổi quy định để “được quyền nghỉ hưu”.
Còn những người vẫn muốn tiếp tục làm việc, thì hoàn toàn có thể “ở lại
biên chế và tiếp tục cống hiến cho đất nước” - ông nói. Đơn cử, ông
Lesca đã 67 tuổi, nhưng sức khỏe vẫn hoàn toàn đảm bảo, nên không có ý
định phải về hưu.
1 cốc bia = 1/10 lương tháng
Ý tưởng đến thăm xưởng bia được ông Igor Hevia - cán bộ Vụ Báo chí Bộ
Ngoại giao Cuba - đưa ra, khi đoàn báo chí Việt Nam đang được dẫn đi
tham quan thành phố. Theo lời Igor, xưởng bia này là “nét đặc biệt của
thủ đô Habana”. Dù mới khai trương được 10 ngày, nhưng quán rất đông
khách. Xưởng bia tươi nằm ngay trên khu vực cầu cảng La Habana, nhìn ra
biển Caribean xanh biếc. Một nữ phóng viên ảnh chuyên trách của Hội đồng
Nhà nước Cuba tỏ ra rất tự hào, vì bà đã đến đây chụp ảnh ngay từ khi
xưởng mới bắt đầu xây dựng. Bà cho biết, xưởng bia được xây trong 1 năm
và toàn bộ dây chuyền nhập từ Áo. Đây là quán bia đầu tiên thuộc mô hình
này được mở ra ở La Habana - bà khẳng định.
|
 |
|
Quán bia tươi đầu tiên tại La Habana thu hút rất đông khách. |
Theo người quản lý xưởng, quán thường thu hút khoảng 1.000 khách
mỗi ngày, và vào những thời gian cao điểm có thể đón 200 khách cùng lúc.
Giá của một cốc bia khoảng tầm 2CUC (đồng peso chuyển đổi, dành cho
người nước ngoài tại Cuba, tương đương 2,5USD). Bà Bekis - chuyên viên
tại xưởng bia - cho hay, sản lượng bia ra lò mỗi ngày là khoảng 1.000
lít, và có thể trữ để bán được trong 21 ngày. Song do lượng khách tiêu
thụ đông, nên cứ làm ra bao nhiêu là hết bấy nhiêu.
Dù làm ở đây, nhưng gia đình bà Bekis chưa bao giờ đến xưởng uống
bia. “Gia đình tôi chỉ là cán bộ bình thường, nên không có điều kiện” -
bà Bekis cho biết. Tuy nhiên, do đây là một dạng cơ sở kinh tế mới tại
Habana, nên ngoài khoản tiền lương trung bình trả cho các nhân viên bằng
peso nội địa (chừng 10USD), các nhân viên tại xưởng còn được nhận thêm
trợ cấp 10CUC (12USD). Sắp tới, theo chính sách mới của chính phủ, những
cơ sở kinh doanh như xưởng bia tươi tại La Habana có thể sẽ được chia
thêm phần trăm lợi nhuận cho nhân viên. “Chúng tôi đang mong đợi chính
sách này sớm được đưa vào thực hiện” - bà Bekis cười giòn.
Tiếng trống Caribean bên bờ biển Habana
Trong khoảng thời gian rỗi rãi hiếm hoi, tôi để mặc chân bước lang
thang trên phố phường La Habana. Và tôi tình cờ gặp Ali - một người Anh
gốc Iran, ông chủ của một chuỗi cửa hàng nội thất tại Canada. Ali là
điển hình của công dân toàn cầu, khi thường xuyên di chuyển giữa Anh,
các cơ sở kinh doanh ở Montreal (Canada) và nhà máy sản xuất tại
Indonesia. Suốt 10 năm nay, năm nào, Ali cũng có kỳ nghỉ ít nhất 1 tháng
tại Cuba, bởi sức hấp dẫn khó cưỡng từ hòn đảo ngọc này, mà theo mô tả
của anh là “thanh bình, yên tĩnh, thân thiện”.
Ali cho biết, mỗi khi đến Habana, anh thường thuê căn hộ ở cùng chủ
nhà người Cuba, chứ không thích ở khách sạn. Vì với anh, điều đó giống
như “bỏ tiền mua một cái hộp để nhốt mình”. “An ninh ở Cuba cực kỳ an
toàn” - Ali nói - bởi anh “chưa từng bị trấn lột, trộm cắp, dù thường
xuyên ra ngoài khám phá cuộc sống về đêm”. Theo lời Ali, La Habana hiện
đã mở ra nhiều những quán bar mới, nơi không chỉ có du khách nước ngoài
mà cả giới trẻ Cuba thường xuyên lui tới để giải trí. Lại thêm một ngạc
nhiên khác, bởi những gì tôi biết trước đó là Cuba không có hoạt động về
đêm. Khi kể chuyện này với Igor, ông cười và bảo Lasca cũng có một cậu
con trai đang làm ở quán bar. Hai cha con họ rất ít khi gặp nhau, bởi
cậu con trai thường đi làm từ 17h đến 5h sáng, khi ông Lasca đã chuẩn bị
đi làm. Quả là “đi một ngày đàng, được sàng... thông tin”.
Những khởi sắc của nền kinh tế Cuba, nhờ chính sách mở cửa, được
thể hiện rõ nét nhất qua các quầy hàng nhỏ đang xuất hiện rải rác khắp
thành phố. Những người kinh doanh này hiện chính là “thành phần có tiền”
trong nền kinh tế - như lời bà Bekis. Ali đưa tôi đến một dãy hàng tư
nhân nhỏ, nơi người dân địa phương có thể đến mua thịt, rau quả và đồ
uống giải khát. Các quầy hàng đều gọn gàng, hết sức sạch sẽ, dù không
nhiều hàng hóa. Giá cả ở đây được mặc định bằng đồng tiền địa phương
peso, với giá trị nhỏ hơn nhiều tiền CUC mà Chính phủ Cuba yêu cầu người
nước ngoài phải sử dụng ở Cuba.
Song điều Ali mê nhất ở Cuba là “sức mê hoặc từ cuộc sống cộng
đồng”. “Cứ đến chiều, người dân tại một số khu phố sẽ mang trống và một
số nhạc cụ âm nhạc khác và đồ uống, để thư dãn. Họ hát, nhảy theo tiếng
trống và điệu nhạc sôi động đặc trưng của vùng Caribean. Điều đó thật
tuyệt vời”.
Rủng rỉnh nhờ kiều hối
Theo một người Việt sống lâu năm tại Cuba, rất nhiều người dân Cuba
rủng rỉnh nhờ vào nguồn kiều hối. Cuba chỉ có dân số 11 triệu người,
nhưng có đến 2 triệu kiều dân sống tại Mỹ. Riêng khoản kiều hối được
chuyển về Cuba trong năm 2012 đạt 2,6 tỉ USD và tăng 13% so với năm
trước đó. Một nghiên cứu do Nhóm Tư vấn Havana đưa ra hồi năm 2012 cho
thấy, nguồn kiều hối đang trở thành động lực chính để hỗ trợ đến 90% thị
trường bán lẻ ở Cuba, và cho phép tuyển dụng hàng chục nghìn người.
Ngoài ra, những người Cuba sống tại nước ngoài còn chuyển hàng hóa về
cho người thân, như thiết bị điện, quần áo, các mặt hàng tiêu dùng, với
tổng giá trị là 2,5 tỉ USD. Như vậy, nếu tính cả tiền kiều hối lẫn tiền
hàng hóa gửi về Cuba, sự trợ giúp của thân nhân ở nước ngoài về cho
người dân Cuba trong nước đã lên tới 5,1 tỉ USD.
(Theo laodong.com.vn)