Cội nguồn văn hóa
Phú
Thọ là một tỉnh trung du miền núi, cách thủ đô Hà Nội 80km về phía bắc,
được coi là vùng đất tổ cội nguồn của dân tộc Việt Nam. Nơi đây các Vua
Hùng đã dựng nước Văn Lang - quốc gia đầu tiên của Việt Nam, thủ đô là
Phong Châu. Phú Thọ có nền văn hoá rực rỡ từ lâu đời, những di chỉ khảo
cổ văn hoá Sơn Vi, Đồng Đậu, Làng Cả và nhiều đình, chùa, lăng, tẩm còn
lại quanh vùng núi Nghĩa Lĩnh cho thấy đất Phong Châu là một trung tâm
văn hoá của dân tộc.
Gói bánh chưng để dâng lên Vua Hùng trong ngày Giỗ Tổ.
Với
địa hình của tỉnh chủ yếu là đồi núi, Phú Thọ nằm trong vùng khí hậu
nhiệt đới gió mùa, có một mùa đông lạnh. Những vận động biến đổi địa
chất từ thời xa xưa đã dành cho vùng đất Tổ rất nhiều những thắng cảnh
kỳ thú. Có thể kể đến Ao Giời - Suối Tiên nằm trên núi Nả thuộc xã Quân
Khê, huyện Hạ Hoà, cách thành phố Việt Trì 80km về phía tây bắc, cách Ao
Châu 15km. Suối Tiên bắt nguồn từ trên núi Nả, chảy qua các khe đá,
hình thành dải lụa trắng bạc, vắt ngang sườn núi, nổi bật giữa màu xanh
mượt mà của núi rừng, lẫn vào màu xanh của mây trời, làm cho cảnh trí
càng sinh động, kỳ ảo, cảnh tượng vừa gần gũi, vừa sâu thẳm, vừa rõ
ràng, vừa huyền bí thơ mộng làm xao xuyến lòng người.
Đến Phú Thọ
không thể không đến thăm Hang Lạng ăn sâu trong lòng núi Ten, cửa vào
hang nhìn thẳng ra cánh đồng Mường Lạng. Hang Lạng là hang lớn nhất, dài
nhất trong số hang động thạch nhũ ở Xuân Sơn. Và một địa danh khác cũng
rất kỳ thú là đầm Ao Châu, trông xa như một viên ngọc minh châu xanh
biếc, lấp lánh. Hồ sâu gần 4m, rộng hơn 2km2, nằm trên địa phận 3 xã Ấm
Thượng, Ấm Hạ, Y Sơn của huyện Hạ Hoà, mặt đầm trải rộng mênh mông phẳng
lặng, nước trong xanh. Vào những đêm trăng sáng, rừng cọ, đồi chè, đồi
vải, đồi mơ soi bóng dưới mặt hồ như chốn tiên cảnh.
Tìm lại dấu xưa
Với
du khách, điểm dừng chân đáng kể nhất trong chuyến đi đến vùng đất Tổ
chắc chắn phải là Đền Hùng - khu di tích lịch sử văn hoá đặc biệt quan
trọng của quốc gia, được xây dựng trên núi Hùng - thuộc đất Phong Châu -
vốn là đất kế đô của Nhà nước Văn Lang 4.000 năm trước đây. Toàn bộ khu
di tích có 4 đền, 1 chùa và 1 lăng hài hoà trong cảnh thiên nhiên, có
địa thế cao rất ngoạn mục, hùng vĩ, đất đầy khí thiêng của sơn thuỷ hội
tụ.
Với tiềm năng là một vùng đất có chiều sâu văn hóa, gần đây ngành
du lịch đất Tổ đã chú trọng khai thác khách ở những sản phẩm mới như
tham quan Bảo tàng Hùng Vương, Khu di tích Đền Hùng, Đình Hùng Lô, xem
nghi lễ thờ cúng Hùng Vương, tổ chức các canh hát xoan…
|
Sau khi dâng hương ở Đền Hùng, khách thường ghé lên Đền Mẫu Âu Cơ- một
ngôi đền có 5 gian hình chữ nhất, cột gỗ lom, mái lợp ngói vẩy. Cây đa
cổ thụ sau đền cành lá xum xuê gần như bao phủ kín ngôi đền bé nhỏ. Pho
tượng Quốc Mẫu Âu Cơ cao 0,93m đặt trên ngai vị, hai tay đặt trên đầu
gối, chân đi hài cong, đầu đội mũ lấp lánh kim cương, dáng hình hiền hậu
và thanh tú.
Bác Đỗ Tất Long - một du khách đến từ An Giang cho
biết: “Chúng tôi lặn lội từ hàng ngàn cây số ra đây, cốt yếu là được
thắp một cây nhang ở Đền Hùng, kính báo với các vị vua tiên tổ rằng mình
đã có mặt ở mảnh đất thiêng liêng này. Cảm giác xúc động và thiêng
liêng không nơi nào sánh được”.
Đến với đất Tổ không chỉ có mỗi
lễ hội Đền Hùng, bạn còn có thể tham dự nhiều lễ hội khác để thỏa mãn
nhu cầu du lịch tâm linh của mình như hội Bạch Hạc (Việt Trì), hội Chu
Hóa (Lâm Thao), mội mở cửa rừng hay hội đánh cá của đồng bào Mường thuộc
xã Thạch Kiệt (Thanh Sơn).
(Theo danviet.vn)