Tôi có đọc một số ý kiến của vài nhà phê bình gần đây, hoắng mắt
vì một số thông tin có được sau thời mở cửa và hội nhập, quay lại than
thở và trách cứ quá khứ, đến mức muốn ném toàn bộ thơ ca thời kỳ chống
Mỹ, cứu nước vào một rọ, coi là thứ thơ chỉ tuyên truyền bề nổi, ít
thấy nội tâm, ít xúc cảm nghệ thuật, hoặc là thứ thơ ít học, quê mùa,
chỉ được làm theo đơn đặt hàng của nhu cầu chính trị.
Sự đóng góp của văn nghệ vào thắng lợi chung của dân tộc, vào việc
xây dựng lòng yêu nước và khẳng định những tình cảm cao thượng của con
người trong hai cuộc kháng chiến vừa qua là một điều rõ ràng. Việc hình
thành đội ngũ một lớp nghệ sĩ - chiến sĩ vừa mang tính đặc thù của
chiến tranh, vừa cũng đồng thời là quy luật nội tại có ý nghĩa thật sự
thúc đẩy sức sáng tạo trong văn nghệ.
Tinh thần tự giác cao cả của người nghệ sĩ với trách nhiệm công dân
như một nhu cầu tự thân, trùng khớp đẹp đẽ với lý tưởng sống và lý
tưởng nghệ thuật thời kỳ chống Mỹ, cứu nước là điều không thể phủ nhận.
Hôm nay, đứng ngoài cuộc, dù nhân danh bất cứ cái gì để miệt thị thái
độ sống đó, chỉ là mù quáng, thậm chí là tráo trở.
Trở lại thơ ca thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, ta đủ căn cứ để thấy đó
là một thế hệ có tài, có bản lĩnh, có sức sáng tạo, giàu tính nhân bản.
Ý thức trách nhiệm nghiêm cẩn vì tương lai dân tộc, cùng tinh thần lạc
quan đầy chất phôn-clo dân gian. Nền thơ còn có đủ nỗi trăn trở con
người, tâm trạng riêng tư, không hề bị giản lược và hời hợt.
Từ mọi ngả tình cảm khác nhau, từ những cá tính sáng tạo khác nhau,
ta vẫn thấy nổi bật nhất là khát vọng cháy bỏng, mong cho đất nước
thống nhất, quê hương được toàn vẹn với vẻ đẹp như nó vốn có, như trong
mọi kỷ niệm tuổi thơ và trải nghiệm bình dị của đời mình. Có thể đọc
lại "Bài thơ của một người yêu nước mình" của Trần Vàng Sao, bài thơ từ
khi ra đời đã được độc giả yêu mến vì giọng điệu rất thi sĩ, lại chân
thật đến tận gan ruột: "Tôi yêu đất nước này cay đắng/ những năm dài
thắp đuốc đi đêm/... Tôi yêu mẹ tôi áo rách/ chẳng khi nào nhớ tuổi
mình bao nhiêu/... Căn nhà dột phên không ngăn nổi gió/ vẫn yêu nhau
trong từng hơi thở/... Tôi yêu đất nước này như thế/ như yêu cây cỏ
trong vườn/... Đất nước này còn chua xót/ nên trông ngày thống nhất/
cho người bên kia không gọi người bên này là người miền Nam/ cho người
bên này không gọi bên kia là người miền Bắc"... Và nhà thơ Ca Lê Hiến,
khi ở miền bắc đã nổi tiếng với bài "Nhớ mưa quê hương", sau này vào
nam, đã hy sinh ngay trong cuộc Tổng tiến công nổi dậy năm 1968 với bút
danh Lê Anh Xuân. Anh cũng có những câu thơ thật da diết với quê hương
gắn bó từ tuổi ấu thơ: "Đêm nay ta nằm nghe mưa rơi/ Nghe tiếng trời
gầm xa lắc/ Cớ sao lòng lại xót đau/Ta muốn về quê nội/ Ta muốn trở lại
tuổi thơ/ Ta muốn nằm trên mảnh đất ông cha/ Nghe mưa đập cành tre,
nghe mưa rơi tàu lá...". Ước vọng chỉ đơn giản và chân thật thế thôi,
nào có chút hơi hướng "tuyên truyền" gì, nhưng nó quả thật là khát vọng
dài dặc, đau đáu của một thế hệ suốt 21 năm ròng! Ở trên tôi có nói
"số phận đặc thù" trong một hoàn cảnh cũng đặc thù của lớp nhà thơ thời
kỳ chống Mỹ, cứu nước. Đây có lẽ là điểm đặc thù duy nhất mà có lẽ từ
nay về sau, khó có lớp trẻ nào kế tiếp còn phải gánh chịu giống như
thời ấy nữa! Có lẽ cũng vì thế mà các nhà thơ thời chống Mỹ, cứu nước
cũng có cả cảm nhận ngậm ngùi với sự nghiệt ngã của thời mình.
Ngậm ngùi nhưng không hề bi lụy.
Xuân Quỳnh đã có những câu thơ khái quát trên cái nền rất cụ thể của
một vùng đất khắc khổ về số phận của mình và thế hệ mình. Đó là bài
"Gió Lào cát trắng": "Ngọn gió Lào, cát trắng của đời tôi/ Tôi của cát,
của gió Lào khắc nghiệt...".Nhưng có lẽ, đến bài thơ "Cơn mưa không
phải của mình" viết về các chiến sĩ trên hòn đảo khát khô, tự đào giếng
tạo ra "cơn mưa từ lòng đất" của Xuân Quỳnh, mới nói được hết ý chí
xuyên suốt của cả một thế hệ: "Đằng xa kia, sấm chớp khắp chân trời/
Cơn mưa đến gió xanh mặt biển/ Cơn mưa đến, nào cần chi biết/ Cơn mưa
kia không phải của mình!". Câu thơ cuối vang lên như một âm hưởng dứt
khoát, rằng thế hệ chống Mỹ, cứu nước không hề được ưu ái và nương nhẹ
gì trong mọi gian lao thử thách, họ phải gồng mình lớn lên trước tuổi,
để chịu đương đầu với mọi thiếu thốn, hiểm nguy. Phạm Tiến Duật cũng có
một câu thơ tự sự làm ta buốt lòng: "Cây cúc đắng quên lòng mình đang
đắng/ Trổ hoa vàng dọc suối để ong bay".
Lưu Quang Vũ có một đoạn tâm sự bùi ngùi với bạn: "Vườn cũ cây tàn
chim chết cả/ Người chơi đàn nguyệt có còn không?/... Chúng mình không
có bom nguyên tử/ Chỉ có thuốc lào hút với nhau?/Thương nhà thương nước
thương cho bạn/ Không khóc mà sao cổ nghẹn ngào...". Nhiều câu thơ như
dạng này phải đến thời Đổi Mới mới in. Vì lợi ích chung của cuộc chiến
đấu, mà nhiều tâm sự riêng trong thơ được các nhà thơ thời kỳ chống
Mỹ, cứu nước tự nguyện cất đi. Mọi nỗi đau buồn, u uẩn riêng tư, cũng
như những tâm sự vân vi phức tạp của mỗi con người đơn lẻ lúc ấy, so
ra, phỏng có ý nghĩa gì giữa những cơn giông bão giằng giật, như trận
hồng thủy từ trời cao trải xuống tận đáy sâu của đời? Phải nén lại
thôi! Có nhiều câu thơ khắc khoải, nhưng phải hết thời kỳ chống Mỹ, cứu
nước mới in ra, đó là điều dễ hiểu. Tiếng cuốc kêu trong thơ Hữu
Thỉnh, một chiến sĩ xe tăng can trường trong chiến tranh, chính là một
trong những tiếng lòng khắc khoải đến tận cùng ấy: "Một đời người mà
chiến chinh nhiều quá/ Em níu giường níu chiếu đợi anh/...
Trưa nay có điều gì mà cuốc kêu như xé/... Tôi mất hai người anh/ Cả
hai đều rất trẻ/... Tôi ngồi buồn như lá sen rách/ Cuốc kêu gì mà khắc
khoải trưa nay/ Tôi ngồi buồn tôi đếm ngón tay/ Có mười ngón tay đếm
đi đếm lại/ Đếm đi đếm lại trời ngả sang chiều/ Chúng ta bị cái chết
gạt về một phía/ Bị hư danh gạt về một phía/ Phải vượt mấy trùng khơi
mới bắt gặp nụ cười/ Vừa bắt gặp nụ cười/ Thì lại nghe tiếng cuốc!".
Trời ơi! Tiếng cuốc kêu gì mà đầy day dứt, ám ảnh! Thời còn trẻ, tôi đã
bị ám ảnh mãi bởi "bốn tiếng gõ của số phận đến đập cửa" trong bản
Giao hưởng số 5 nổi tiếng của Bét-tô-ven: "Bốn cái tát trong cuộc đời
gián gậm/ Bốn thanh âm dựng đứng tâm hồn lên"... Nhưng đến tuổi trưởng
thành rồi, qua cả thời chống Mỹ, cứu nước, tiếng cuốc kêu trong bài thơ
Hữu Thỉnh lại làm tôi thêm một lần nữa thật sự bàng hoàng! Tuy nhiên,
nói như vậy, không phải chất thơ trong những năm ấy đăm chiêu quá, nặng
suy tư và trách nhiệm quá, mà bị mất đi sự dí dỏm, hồn nhiên. Cô thanh
niên xung phong ở tuổi 19-20 vẫn đùa vô tư với Phạm Tiến Duật khi anh
hỏi thăm quê cô: "Em ở Thạch Kim, sao lại lừa anh nói là "Thạch Nhọn"/
Đêm ranh mãnh ngăn cái nhìn đưa đón/ Em đóng cọc dài quanh quanh hố
bom/ Cái miệng em ngoa cho bạn cười giòn!". Và nhà thơ trẻ Hoàng Nhuận
Cầm khi vào mặt trận cũng chỉ mới 19-20 tuổi, đã không thể nào cưỡng
được thú vui của tuổi học trò khi say sưa nhắc lại từng kỷ niệm và thậm
chí còn đem theo bên mình cả các trò chơi tuổi nhỏ trong hành trang
của người lính chiến: "Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu/ Dẫu hòn bi lăn
hết vòng tuổi nhỏ/ Trong những ba lô kia ai dám bảo là không có/Một
hai ba giọng hát chú ve kim!".
★ Một ý kiến nữa cho rằng các nhà thơ thời kỳ chống Mỹ, cứu nước ít
được học hành tử tế, không biết ngoại ngữ như các cây bút ở hải ngoại
hoặc ở các đô thị miền nam thời bị tạm chiếm.
Thật ra, các nhà thơ miền bắc thời kỳ chống Mỹ, cứu nước đều rất chịu
đọc, chịu học, nhiều nhà thơ đều đã tốt nghiệp đại học trước khi ra
chiến trường, từng học vài năm tiếng Nga, tiếng Trung, tiếng Pháp... và
vẫn tự học thêm khi ra trường. Ngay cả một nhà thơ rất trẻ, đi bộ đội
từ khi chưa vào đại học như Lưu Quang Vũ, vẫn thể hiện mình là một
người chịu đọc nhiều và có cách nói gần với văn chương hiện đại. Tiểu
thuyết "Một chút mặt trời trong nước lạnh" của Phrăng-xoa Xagăng xuất
bản ở Pháp năm 1969 vẫn còn kịp in một dấu ấn trong thơ Vũ: "Đêm chiến
tranh thành phố không đèn/ Má em dựa vào tay anh gầy guộc... / Đứng
giữa hai ta là những người đã chết/ Ích gì đâu hoa tím của ngày xưa/...
Người ta ngủ dưới những manh vải nhựa/ Những nỗi buồn không quần áo
chở che/ Mưa rơi vào cốc bia/ Chẳng có chút mặt trời nào trong nước
lạnh!".
Lại có những suy tưởng rất lạ trong thơ Việt thời đó cùng nằm trong
một bình diện suy tưởng của thơ nước ngoài, mà tuyệt nhiên không thể
bảo rằng ai ảnh hưởng từ ai, chỉ có thể nói rằng đó là sự gặp nhau của
những ý nghĩ cùng thời đại. Tôi có được đọc một vài bài của một nhà thơ
được coi như một hiện tượng của thơ Ru-ma-ni những năm 60-80 thế kỷ 20
là Ni-chi-ta Xta-nexcu. Đây là suy nghĩ của N.Xta-ne-xcu trong bài thơ
"Thử nghĩ về một phép toán khác": "Ai cũng biết: Năm trừ một là bốn/
Nhưng năm lớp sa mù trừ đi một con tàu/ Thì không ai tính ra hậu
quả/... Ai cũng biết: Một cộng một thành hai / Nhưng một người đàn ông
cộng với một người đàn bà/ Thì ai đoán nổi, mọi điều gì sẽ đến?".Thật
ngạc nhiên khi đọc thấy trong thơ Việt lối suy nghĩ tương tự như vậy
trong bài thơ "Một cộng một bằng không" của Nguyễn Đức Mậu, mà tôi chắc
chắn là anh chưa bao giờ biết đến nhà thơ Ru-ma-ni đồng lứa kia! Một
sự trùng hợp và "tương kiến" thú vị trong thơ: "Một cộng một bằng không
hay bằng mấy/Men say cộng men say/ Nỗi buồn cộng nỗi buồn/ Liệu có thể
thành tình yêu không đấy!/ Một cộng một bằng không/ Một cộng một bằng
đôi/ Có thể thành lửa nồng/ Có thể chỉ tro tàn quá khứ"...
Những năm đó tôi cũng thường nhớ bài thơ nổi tiếng "Đe-xđi-xa-đa"
của Pa-blô Nê-ru-đa với cái điệp khúc nghẹt thở về sự chờ đợi của người
phụ nữ trong tình yêu. Điểm lại chủ đề và cách nói này trong thơ thời
kỳ chống đế quốc Mỹ, quả thực tôi lại bất ngờ với bài thơ "Đợi" của Vũ
Quần Phương, cũng với cái điệp khúc của nỗi đợi chờ xoáy sâu như một
nốt luyến láy day dứt, bất chấp thời gian, bỏ qua tuổi tác nhưng ở
khung cảnh Việt Nam: "Anh đứng trên cầu đợi em/ Dưới chân cầu nước chảy
ngày đêm/ Ngày xưa đã chảy, sau còn chảy/ Nước chảy bên lòng anh đợi
em"...
Thơ ca thời kỳ chống đế quốc Mỹ cũng kế tục được cái tinh tế và
nhuần nhụy trong nghệ thuật thơ tiền chiến. Lấy thí dụ bài "Hoa cỏ may"
của Xuân Quỳnh, tôi dám chắc nếu đem đặt cạnh những bài thơ có nhịp
điệu thơ bảy chữ vào loại hay nhất trước Cách mạng Tháng Tám như "Con
đường nhỏ nhỏ gió xiêu xiêu/ Lả lả cành hoang nắng trở chiều..."của
Xuân Diệu, hay "Người ở bên trời ta ở đây/ Chờ mong phương nọ ngóng
phương này..."của Huy Cận, thì thơ tình của Xuân Quỳnh chắc cũng xứng
đáng đứng ngang hàng, và còn thêm được cách nghĩ, cách cảm hiện đại,
không có nét hoài cổ như trong các bài thơ tiền chiến: "Cát vắng, sông
đầy, cây ngẩn ngơ/ Không gian xao xuyến chuyển sang mùa/ Tên mình ai
gọi sau vòm lá/ Lối cũ em về nay đã thu/ Mây trắng bay đi cùng với gió/
Lòng như trời biếc lúc nguyên sơ/ Đắng cay gửi lại bao mùa cũ/ Thơ
viết đôi dòng theo gió xa/ Khắp nẻo dâng đầy hoa cỏ may/ Áo em sơ ý cỏ
găm dày/ Lời yêu mỏng mảnh như màu khói/ Ai biết lòng anh có đổi thay".
Hoặc một bài thơ khác của Xuân Quỳnh "Thơ tình cuối mùa thu", bất cứ
khi nào nghe bài thơ ấy được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc, là tôi
lại thấy bùi ngùi, vì chất thơ thanh khiết, xa xót và chân thành quá!
Nhưng nói như thế không có nghĩa là lứa thơ thời kỳ chống đế quốc Mỹ đã
đạt đến độ hoàn chỉnh về nghệ thuật và biết tiếp thu, thừa kế hết mọi
cái hay cái đẹp của vườn thơ Việt trước đó, cũng như tinh hoa của nền
thơ thế giới.
Dù sao, với những ai thường có định kiến miệt thị rằng thơ của lớp
nhà thơ chống đế quốc Mỹ hãy còn đầy chất quê mùa, đầy chất tỉnh lẻ,
chứ không sang trọng, kiêu sa, để có thể sánh ngang với những tuyệt
phẩm của các nhà thơ "nhung lụa" và "học thức đầy mình" khác, thì chúng
tôi cũng hoàn toàn có thể trả lời sòng phẳng, bằng một bài thơ tự sự
của một nhà thơ Nga cũng rất bình thường, đã lăn lóc trong bùn đất, đó
là nhà thơ Xê-mi-ôn Gut-den-kô, một người lính thực thụ trong hàng ngũ
những nhà thơ đã đi suốt bốn năm trong chiến hào chống phát-xít và chết
vào năm 31 tuổi vì thương tật đầy mình sau chiến tranh. Với sự trải
nghiệm đáng nể đó ở tuổi đời còn rất trẻ, ông đã có cách lý giải đủ
thấu tình đạt lý, mà cũng rất độc đáo, trong bài thơ "Tỉnh lẻ", gây cho
tôi ấn tượng khá bất ngờ: "Mỗi nhà thơ có một tỉnh lẻ trong mình/
Những yếu đuối lỗi lầm, những băn khoăn bé nhỏ/ Nhưng mọi khờ dại, ngẩn
ngơ sẽ được dễ dàng tha thứ/ Nếu anh viết những câu thơ trung thực tận
cùng.../ Số phận thế hệ tôi, khắc khổ và cay cực/ Cũng mang theo một
tỉnh lẻ trong mình/ Tỉnh lẻ không tên trên bản đồ địa lý/ Tỉnh lẻ đã xa
vời - là cả cuộc chiến tranh"! Có lẽ, nói như Gutden-kô cũng đã là hết
nhẽ và công bằng: Nếu đã coi cả cuộc chiến chống phát-xít lớn lao kia
cũng chỉ là một tỉnh lẻ, thì mọi khuyết tật và hạn chế để lại dấu ấn
trên các nhà thơ đã trải qua thời kỳ chiến tranh chống đế quốc Mỹ như
lứa chúng tôi, hẳn cũng là điều tất yếu! Một điều cuối tôi muốn đề
cập, là thơ thời chống đế quốc Mỹ vẫn là chất thơ tràn đầy sự phấn
khích và say mê lý tưởng.
Nhà thơ Pháp Pôn Ê-luy-a, khi tự chuyển hóa từ một nhà thơ siêu thực
thành một nhà thơ cộng sản, đã tâm đắc với lý tưởng của mình là đã "từ
chân trời của một người đến với chân trời của tất cả". Ngày hôm nay,
lại có người nói với tôi: "Ê-luy-a cũ rồi! Bây giờ, lẽ ra chúng ta phải
nói ngược lại, là từ chân trời của tất cả hãy trở lại chân trời của
một người, thơ như thế mới thể hiện hết cái Tôi độc đáo, thiêng liêng,
mới có thể thăng hoa, thơ chính là của tầng lớp tinh hoa, không thể chỉ
phản ánh lý tưởng tầm thường của số đông hỗn tạp"! Nói như vậy chỉ có
lý một phần. Xã hội chúng ta không thể chịu được thói ngạo mạn đến mức
ích kỷ cực đoan, và còn đang phải vất vả đánh vật với từng "nhóm lợi
ích" vị kỷ đang chia rẽ và làm băng hoại đất nước, nên không thể tôn
thờ chủ nghĩa cá nhân hoặc chủ nghĩa duy tâm chủ quan, được huyễn hoặc
đến mức thần bí, cao đạo. Và nếu không còn tôn trọng lý tưởng, thì ngay
cuộc sống cũng trở thành vật vờ vô nghĩa, huống chi là thơ! Chẳng lẽ
sang thế kỷ mới, chúng ta lại xúm vào công kênh những người làm thơ chỉ
thích rỗi rãi xáo trộn ngôn từ để mà chơi, mê làm xiếc với ngôn từ
bằng các mê cung của chữ nghĩa, tự huyễn hoặc mình là "thiên tài" bằng
cách lên đồng với những hình tượng thơ có lúc lập dị, có lúc ngập vào
khám phá bí ẩn của bản năng tính dục, với mọi kiểu cách gắn kết câu chữ
phi lý, phi ngữ pháp đến mức thủ tiêu mọi ý nghĩa, xóa hết mọi nội hàm
của thơ ca? Vì vậy, tôi vẫn muốn một lần nữa đề cao chất lý tưởng
trong thơ của lứa nhà thơ chống đế quốc Mỹ, nó vẫn nằm trong dòng chảy
lớncủa nền văn học thấm nhuần chủ nghĩa nhân văn, tôn trọng tinh thần
dân chủ, bác ái, công bằng của nhân loại.