Điện Biên - Bản hùng ca vang mãi muôn đời
Cuốn sách là
tập hợp những bài ký mà tác giả đã thực hiện trong suốt 10 năm qua.
Những bài ký này được khai thác từ những nhân chứng sống, những người
trực tiếp chiến đấu trên chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa. Qua cuốn
sách, bạn đọc có thể biết thêm nhiều chi tiết độc đáo, nhiều câu chuyện
thú vị ở chiến trường lịch sử năm xưa mà từ trước đến nay ít được nhắc
đến như đám cưới ngay giữa bom đạn ác liệt, kỷ niệm của những người lính
từng tham gia kéo pháo tại Điện Biên, những người con Nam bộ và ba anh
em trai đất Hà thành đến với chiến dịch Điện Biên Phủ, nét độc đáo trong
việc đào hầm cho Sở Chỉ huy chiến dịch…
Một trong những điểm độc
đáo của tác phẩm là các bài viết đều được lấy thông tin, chi tiết từ
chính các nhân chứng lịch sử nên có độ chính xác cao, rõ ràng, giúp bạn
đọc hiểu rõ hơn các chi tiết của lịch sử. Như trường hợp anh hùng liệt
sĩ Tô Vĩnh Diện, rất nhiều bài viết, tác phẩm văn học nghệ thuật từ
trước đến nay đều miêu tả cảnh anh hùng Tô Vĩnh Diện tham gia kéo pháo
lớn (105 ly) và lăn xả vào bánh xe pháo để chặn lại.
Thực tế, theo lời kể của thiếu
tướng Phạm Đăng Tỵ, anh Diện là tiểu đội trưởng pháo cao xạ 37 ly thuộc
Đại đội 827. Đêm 1-2-1954, khi kéo pháo ra tại đồi Chuối, một dốc
nghiêng 600 thì bị đứt dây tời, khẩu pháo nặng 2,4 tấn bị trượt xuống
dốc hất văng các chiến sĩ, có người bị hất xuống vực. Khi đó, anh Diện
đã hô anh em: “Thà hy sinh quyết bảo vệ pháo” rồi dùng hết sức mình đẩy
mạnh càng pháo vào vách núi để hãm nhưng khẩu pháo lao nhanh đã hất anh
cuốn vào bánh pháo, pháo khựng lại, đè lên người anh. Khi đồng đội đẩy
khẩu pháo ngược lên để đưa anh ra, trước khi hy sinh, câu đầu tiên anh
hỏi là: “Pháo có việc gì không?”.
Cuốn sách được chia làm 2 phần, nếu phần đầu có tên gọi Ký ức Điện Biên gồm những câu chuyện về một thời khói lửa thì phần 2 Điện Biên ngày mới lại tập trung miêu tả những thay đổi ở mảnh đất Điện Biên yên bình hôm nay.
(Theo sggp.org.vn)