Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ ba, 08/04/2014 09:02
Tản mạn bên lề Hội nghị văn học sông Mê Kông
Gọi là hội nghị (diễn ra từ ngày 30-3 đến 3-4-2014 tại Vương quốc Campuchia), nhưng phần lớn thời gian các nhà văn gặp gỡ, giao lưu trong những chuyến tham quan Ăng Ko Thom, Ăng Ko Vát, khu di tích Bà Rài, phum văn hóa Khmer... Các nhà văn mạn đàm, trao đổi về sáng tác của riêng mình và nền văn học, văn hóa của mỗi nước. Có thể nói hình thức này rất thích hợp, bổ ích trong việc cung cấp vốn sống và tạo nên cảm hứng sáng tác cho nhà văn.
Trong buổi tham quan đền Ăng Ko Thom, nhà văn Thái Lan Prabhassom Sevitkul, người từng đến Campuchia và Việt Nam nhiều lần, hỏi tôi (tác giả bài viết này):

- Hễ gặp người dân cũng như lãnh đạo từ trung ương đến địa phương Campuchia, khi nói tới lịch sử họ không quên kể đến thời diệt chủng Pôn Pốt và đều dành tình cảm rất biết ơn, ngưỡng mộ, lòng quí trọng cho Quân tình nguyện Việt Nam. Theo anh, tại sao bộ đội Việt Nam thành thần tượng trong lòng người dân Campuchia như thế?

Tôi trả lời nhà văn đến từ đất nước chùa vàng, có khuôn mặt rất bác học này:

- Trong lời thề danh dự của Quân đội Nhân dân Việt Nam, có điều thứ 10 là không được làm tổn hại đến quốc thể nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Quân tình nguyện Việt Nam đã giữ trọn lời thề ấy và hơn thế luôn ý thức góp phần xây dựng quốc thể.


Phó thủ tướng CPC Men Som On (thứ ba từ trái qua)
trao giải cho các nhà văn Việt Nam

Gương mặt nhà văn Prabhassom Sevitkul bừng lên xúc động:

- Vâng. Quốc thể, quốc thể chính là văn hóa. Mỗi người cần phải làm đẹp cho quốc thể.

Anh Prabhassom Sevitkul sinh ra và lớn lên ở Bangkok. Thời trẻ từng dạy học, kinh doanh, nhưng khi đứng tuổi, anh thấy mê viết văn, làm thơ và cho ra mắt mấy tập sách, từng nhận Giải thưởng văn học sông Mê Kông, anh cũng đã tới Việt Nam nhiều lần. “Tôi tìm thấy ở đất nước các bạn sự bình yên, người dân luôn mỉm cười với khách. Tuy nhiên phương tiện giao thông chưa tốt. Mà nói cho cùng ở đâu chẳng thế...”.

Trong bài phát biểu tại hội nghị lần này, bà Men Som On, Phó thủ tướng Campuchia, cũng đã nói: “Nhà văn thực sự đóng vai trò, có uy tín to lớn trong giáo dục và đào tạo ý thức cho công dân biết hành động tốt, yêu chính nghĩa và có đạo đức trong sáng. Tác phẩm của nhà văn thể hiện sâu sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình và thời đại. Ngược lại, nhà văn cũng có thể thành kẻ nguy hiểm hướng con người đi theo con đường sai trái hoặc sống trụy lạc. Một số nhà văn do muốn thực hiện tham vọng hoặc phục vụ lợi ích chính trị hoặc lợi ích cá nhân đã không ngại viết bịa đặt, vu cáo. Trong thời đại toàn cầu hóa, có sự xâm nhập văn hóa nước ngoài từ nhiều nguồn và có sự cạnh tranh giữa các loại hình văn hóa giải trí làm cho nhà văn khó bán tác phẩm để nâng cao đời sống. Trong khi đó, thế giới có sự tiến bộ vượt bậc về công nghệ thông tin, sách điện tử, băng đĩa hình nghiêng về giải trí đơn thuần, có thể mua với giá rẻ, làm cho nhà văn khó lôi kéo được người đọc sách, đặc biệt trong tầng lớp thanh niên. Đây chính là vấn đề đối đầu rất lớn đối với nghề nghiệp của nhà văn. Mặc dầu vậy, ta không thể thất vọng  trong đấu tranh cho tương lai. Việc đối đầu với toàn cầu hóa sẽ giúp ta học tập kinh nghiệm tốt của người khác để sáng tạo thành tiêu chuẩn của ta, làm cho tác phẩm phong phú và hiện đại”.

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, người khởi xướng thành lập Giải thưởng văn học sông Mê Kông, cho rằng: Trong văn chương không có hình ảnh nào đẹp, phong phú hơn dòng sông. Hội nghị văn học sông Mê Kông là sự bồi đắp tình hữu nghị của các dân tộc, các quốc gia, tỉnh thành phát triển bên dòng Mê Kông.

Từ hạt nhân ban đầu gồm ba nước là Việt Nam - Lào - Campuchia, đến nay có thêm Thái Lan, Myanmar và tỉnh Vân Nam, Trung Quốc với tư cách là quan sát viên.  Theo lịch trình, tháng 8 năm nay có hội nghị chủ tịch hội nhà văn các nước sẽ thống nhất chương trình hành động, qui chế giải thưởng.

Giải thưởng văn học sông Mê Kông lần thứ 5, Việt Nam có 5 nhà văn được nhận là Ngân Vịnh, Nguyễn Trọng Tân, Đỗ Kim Cuông, Dương Duy Ngữ và Hà Khánh Linh.

Phnôm Pênh, 3-4-2014



(Theo congan.com.vn
)

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)