Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ ba, 08/04/2014 09:08
Cội nguồn và sức mạnh của sự hòa hợp
Ngày giỗ Tổ Hùng Vương còn gọi là "Lễ hội Đền Hùng” là ngày con dân nước Việt hướng về cội nguồn; là cây một gốc là con một nhà. Từ trong tâm thức mọi người Việt Nam đều coi Lạc Long Quân và Âu Cơ là thủy tổ, là cha mẹ của các Vua Hùng. Thời kỳ Hùng Vương là một giai đoạn đặc biệt trong lịch sử dân tộc, đặt nền tảng cho dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam, văn hóa Việt Nam. Từ cội nguồn vững chãi đó đã sản sinh tình tương thân tương ái, nghĩa đồng bào, hòa hợp dân tộc để kết đoàn bảo vệ và dựng xây đất nước.

Phục dựng cảnh gói bánh dâng Vua Hùng tại Lễ hội Đền Hùng năm 2008
 
Uống nước nhớ nguồn, biết ơn tiền nhân tiên tổ, ngày giỗ Tổ Hùng Vương đã được công nhận là quốc lễ. Tục truyền, sau khi Lạc Long Quân (giống Rồng) và Âu Cơ (giống Tiên) chia đôi đàn con, năm mươi người lên rừng, năm mươi người xuống biển, thì Lạc Long Quân phong cho con trưởng làm Hùng Vương, lên ngôi Vua, đặt quốc hiệu là Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu (Bạch Hạc, Phú Thọ), đồng thời chia nước ra làm 15 bộ. Để tổ chức bộ máy quản lý đất nước, Vua Hùng đặt tướng văn gọi là "Lạc hầu”, tướng võ gọi là "Lạc tướng”, con trai của vua thì gọi là "Quan lang”, con gái vua gọi là "Mị nương”, các quan nhỏ gọi là "Bồ chính”. 

Chiến tranh loạn lạc liên miên, lại hạn chế bởi văn tự nên sự xác định các đời vua Hùng rất khó khăn nhưng  truyền thuyết Hùng Vương đã được ghi lại từ cuối thế kỷ thứ 14. Sử quan Ngô Sĩ Liên (1442) biên soạn Ðại Việt Sử ký toàn thư, chính thức vinh danh các đời vua Hùng Vương trong Quốc sử, ghi nhận các đời Vua Hùng Vương có công dựng nước. Dù vẫn có ý kiến về điểm này điểm nọ nhưng không ai dám phủ nhận 18 đời vua Hùng và công lao dựng nước của các bậc tiên hiền. Vì thế, đền thờ Hùng Vương ở Lâm Thao (tỉnh Phú Thọ) đã được xây dựng từ 250 năm trước công nguyên, thời Thục An Dương Vương để tưởng nhớ công đức của các thế hệ dựng xây nhà nước Văn Lang. Theo thời gian, Đền tu sửa, chỉnh trang nhiều lần, mở rộng, phong quang và đẹp đẽ.

Tư tưởng mở mang bờ cõi, khai sơn phá thạch từ thời các Vua Hùng được các thế hệ con cháu đời đời gìn giữ. Xét theo truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ chia đôi đàn con, dân tộc ta đã có cách nhìn xa trông rộng, hướng về biển. Ngay từ những ngày đầu sơ khai lập nước, tổ tiên ta đã hướng ra biển. Nhiều ngàn năm trôi qua, Biển Đông đã trở thành không gian sinh tồn của người Việt. Hôm nay, ngóng trông về Hoàng Sa, Trường Sa vời vợi con nước Biển Đông, càng nhận thấy tầm vóc vĩ đại của tư tưởng hướng ra biển từ thời Lạc Long Quân- Âu Cơ. Kể từ đó, hàng ngàn đời con cháu người Việt đã vượt sóng gió ra khơi, khai thác tài nguyên biển về làm giàu cho đất nước. Họ cũng chính là những người cho dẫu thân xác đã tan trong nước Biển Đông thì cũng đã làm tròn nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc. Hôm nay, những chiếc thuyền nan mỏng manh của tiên tổ đã được con cháu thay thế bằng những chiến hạm tối tân, đủ sức bảo vệ vùng biển của tổ tiên để lại.

Từ trong truyền thống, nếu nhìn rộng ra sẽ thấy nền công nghiệp vĩ đại của đất nước đều bắt nguồn từ sự đoàn kết toàn dân tộc. Mà muốn có được sức mạnh của sự đoàn kết vĩ đại đó thì tinh thần yêu thương, đùm bọc của những người cùng sinh ra trong một bọc trứng có ý nghĩa quyết định. Lịch sử đất nước không khỏi có những khúc quanh, những mâu thuẫn, kể cả xung đột - nhưng cuối cùng, sự hòa hợp dân tộc đã vượt lên tất cả. Đều là người Việt Nam, đều có chung một tiên tổ và cùng hướng về các Vua Hùng- lịch sử đã cho thấy khi mà tinh thần hòa hợp dân tộc được chú trọng thì sự đoàn kết của dân tộc sẽ rất mạnh mẽ, tạo nên sức mạnh vô địch mà không một kẻ thù nào dù bạo tàn đến đâu có thể khuất phục.

Hiện có gần 5 triệu người Việt Nam sống ở nước ngoài. Họ xa nước vì nhiều lý do khác nhau, kể cả những người ra đi trong sự thù hận. Nhưng, thời gian là phương thuốc diệu kỳ xoa dịu mọi nỗi đau. Bà con xa nước nghĩ về tổ tiên, nghĩ về cội nguồn một mặt hòa nhập vào nơi mình đang sống, mặt khác vẫn dốc lòng hướng về Tổ quốc. Trong những lần đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia với Hoàng Sa, Trường Sa, tình yêu nước, trách nhiệm và nghĩa vụ của bà con đối với đất nước lại càng rõ ràng. Những lần trong nước bị thiên tai, bà con lại dành dụm gửi gắm về quê nhà với mong muốn nhanh chóng khắc phục hậu quả, chia sẻ sự mất mát với đồng bào của mình. Thời gian qua, nhiều doanh nhân, trí thức Việt kiều đã trở lại quê hương, bỏ công của, đem trí tuệ của mình ra cùng dựng xây đất nước. Đó là điều vô cùng quý giá, không thể đo đếm được. Nghĩ về các Vua Hùng khai thiên lập địa, nghĩ về nghĩa đồng bào, về sự cường thịnh của đất nước, gần trăm triệu người Việt trong nước và nước ngoài thân ái đứng bên nhau. Có thể nói, chính từ sự hòa hợp, sự Đại đoàn kết toàn dân ấy mà thế nước chưa bao giờ mạnh như ngày nay.

Hôm nay, tất cả con dân nước Việt lại hướng về Đền Hùng. Ai ai cũng cùng chung mong muốn được dâng một nén hương thơm lên tiên tổ. Từ trong sự mông lung, huyền ảo của quá khứ, bức màn huyền thoại được vén lên, lịch sử dân tộc dần rõ nét. Đó là lịch sử dựng nước và giữ nước, đồng lòng dựng xây đất nước. Nghĩ về tổ tiên, nghĩ về bọc trăm trứng, chúng ta sống nhân ái hơn trên tinh thần hòa hợp của những con người cùng chung một cội nguồn.

Thành kính dâng một nén tâm nhang lên tiên tổ cũng là để nghĩ về  sự hòa hợp dân tộc, tinh thần Đại đoàn kết toàn dân tộc. Hôm nay, tới mảnh đất phát tích của các Vua Hùng, lại như văng vẳng đâu đây tiếng thơ:

Đi qua xóm núi Thậm Thình
Bâng khuâng nhớ nước non mình nghìn năm
Vua Hùng một sáng đi săn
Trưa tròn bóng nắng nghỉ chân chốn này
Dân dâng một quả xôi đầy
Báng chưng mấy cặp, bánh dầy mấy đôi
...Trăm cô gái tựa tiên sa
Múa chày đôi với chày ba rập rình
Đêm đêm tiếng thậm... tiếng thình...
Cối thơm thơm cả nghĩa tình nước non...


(Theo daidoanket.vn)
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)