 |
Việc kiện toàn, sắp xếp hệ thống chính trị trên địa bàn sẽ giúp công tác quản lý khu dân cư hiệu quả hơn. |
Còn tâm lý ngại thay đổi
Năm 2006, quận Hai Bà Trưng xây dựng Chuyên đề số 07 về "Mối quan hệ
giữa chi ủy, chi bộ với các tổ chức chính trị trên địa bàn dân cư". Thực
hiện chuyên đề này, phường Quỳnh Lôi đã kiện toàn mô hình tổ chức hệ
thống chính trị theo địa bàn khu dân cư (KDC). Sau hai lần điều chỉnh,
đến nay, phường Quỳnh Lôi rút xuống còn 10 KDC, tương ứng với mỗi KDC có
1 chi bộ, 1 ban công tác Mặt trận và các chi hội đoàn thể. Số tổ dân
phố cũng rút từ 66 xuống còn 51 tổ. Tuy nhiên, quy mô trung bình mỗi tổ
dân phố vẫn còn nhỏ, chỉ có 10 tổ dân phố có trên 100 hộ dân, còn lại
đều dưới 70 hộ/1 tổ dân phố. Mặc dù vậy, Đảng ủy phường Quỳnh Lôi đề
nghị giữ nguyên cơ cấu tổ chức hệ thống chính trị KDC như hiện nay. Điều
này có lẽ xuất phát từ tâm lý ngại thay đổi của cơ sở. Bí thư Chi bộ
Lâm nghiệp - Điện - Than (Đảng bộ phường Quỳnh Lôi) Đặng Quốc Bình cho
biết: "Vì tuổi cao, sức yếu nên khi đặt vấn đề đổi mới, nhiều đồng chí e
ngại".
Tại phường Khương Đình (quận Thanh Xuân), các bí thư chi bộ, tổ trưởng
tổ dân phố lo ngại rằng, việc thực hiện Đề án 06 khiến cho công việc của
họ vốn đã vất vả lại càng vất vả hơn. Tổ trưởng Tổ dân phố số 34 Vũ
Việt Cường cho biết: "Sáp nhập quy mô lớn hơn thì tổ trưởng tổ dân phố
rất vất vả vì công việc gì cũng đến tay.
Ở cấp phường còn có nhiều ban, ngành nhưng ở tổ dân phố chỉ có mỗi ông
tổ trưởng". Ông Cường đề nghị cần tăng mức phụ cấp cho bí thư, tổ trưởng
tổ dân phố. Một số cán bộ tổ dân phố ở phường Khương Đình còn băn khoăn
việc sáp nhập các tổ dân phố thì chi bộ và tổ dân phố sẽ đông dẫn đến
gặp khó khăn khi hội họp. Đây cũng là những "rào cản tâm lý" của cán bộ,
đảng viên tại phường Trung Liệt (quận Đống Đa). Đảng ủy phường Trung
Liệt đã kiến nghị thành phố nên tính phụ cấp cho bí thư chi bộ, tổ
trưởng tổ dân phố theo số nhân khẩu. Trong khi đó, tại phường Dịch Vọng
(quận Cầu Giấy), những vướng mắc do chưa hiểu sâu sắc ý nghĩa, tác dụng
của Đề án 06 là nguyên nhân khiến 5/35 tổ dân phố không muốn sáp nhập tổ
dân phố. Những rào cản trên đang làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Đề
án 06 tại chính các phường này.
Tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ
Đề cập đến "rào cản tâm lý" nói trên, Phó Bí thư Thành ủy Tưởng Phi
Chiến cho rằng, tâm lý của con người nói chung là thích sự ổn định. Đây
là điều hết sức bình thường. Vấn đề ở đây là cấp ủy phải xác định rõ ý
nghĩa, tác dụng của Đề án 06 để quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện
bảo đảm tiến độ và chất lượng. Phó Bí thư Thành ủy nêu rõ, không nên duy
trì mô hình tổ dân phố quy mô nhỏ. Đảng ủy các phường cần chủ động
tuyên truyền, vận động để đi đến sáp nhập theo quy định và hướng dẫn của
thành phố. Trường hợp đặc biệt khó khăn phải báo cáo cấp trên để có
biện pháp hỗ trợ. Các cấp ủy Đảng cần tập trung làm tốt hơn công tác
tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân để tạo đồng thuận
trong thực hiện Đề án 06. Song song với đó, cần phân công nhiệm vụ cho
đảng viên, xây dựng đội ngũ cán bộ nguồn cho các chức danh của hệ thống
chính trị ở địa bàn dân cư.
Mặc dù còn có những rào cản nhất định, nhưng chính từ thực tế tại những
phường nói trên cho thấy, việc ban hành Đề án 06 của Thành ủy Hà Nội là
hoàn toàn đúng đắn. Trước khi có Đề án 06, đòi hỏi thực tiễn đã thôi
thúc các địa phương như quận Hai Bà Trưng, quận Thanh Xuân chỉ đạo kiện
toàn, tổ chức sắp xếp lại mô hình tổ chức hệ thống chính trị ở địa bàn
dân cư. Trong đó, quận Hai Bà Trưng còn thực hiện với quy mô toàn quận
từ năm 2006 đến nay. Đảng ủy phường Trung Liệt (quận Đống Đa) đã có quá
trình thực hiện những giải pháp tương tự như trong Đề án 06 đem lại
những kết quả tích cực. Tại đây, có những chi bộ trước mất đoàn kết, nay
đã vươn lên đạt trong sạch vững mạnh. Tại phường Quỳnh Lôi, dù mới chỉ
là bước đầu thực hiện, nhưng theo Bí thư Chi bộ B1 - Bưu điện Trịnh Hồng
Nhật, sau khi sáp nhập, hoạt động của chi bộ chuyển biến mạnh hơn. Quy
mô tổ dân phố lớn khiến "nguồn lực" thực hiện các hoạt động tốt hơn.
Trong khi đó, mặc dù lo tổ dân phố sẽ vất vả, nhưng Tổ trưởng Tổ dân phố
số 34 phường Khương Đình (quận Thanh Xuân) Vũ Việt Cường vẫn khẳng định
việc kiện toàn, sáp nhập là hợp lý. Một số ý kiến cũng chỉ ra rằng,
việc thu gọn số lượng tổ dân phố sẽ là điều kiện để giải quyết vướng mắc
về chế độ phụ cấp hiện nay. Ngoài ra, tại một số huyện như Mê Linh đã
triển khai thực hiện rất tốt Đề án 06.
Rõ ràng, kết quả triển khai tại các địa phương đã khẳng định sự cần
thiết của Đề án 06. Vì vậy, việc các cấp ủy cần làm hiện nay là tập
trung chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án này.
Đề án 06
của Thành ủy Hà Nội được xây dựng dựa trên nhu cầu thực tiễn. Mục tiêu
của đề án nhằm sắp xếp, kiện toàn các tổ chức trong hệ thống chính trị ở
địa bàn dân cư thuộc xã, phường, thị trấn theo hướng ổn định - đồng bộ -
thống nhất. Đề án hướng đến mô hình: Dưới đảng bộ phường, thị trấn là
chi bộ tổ dân phố lãnh đạo 1 tổ dân phố (hoặc một số tổ dân phố), 1 ban
công tác Mặt trận, các chi hội đoàn thể trên địa bàn. Dưới đảng bộ xã là
chi bộ thôn lãnh đạo 1 thôn, 1 ban công tác Mặt trận, các chi hội đoàn
thể trên địa bàn. Trong đó, quy mô tổ dân phố và thôn được thực hiện
theo quy định của UBND thành phố. Quy định hiện hành là đối với tổ dân
phố dưới 70 hộ dân phải sáp nhập để thành lập tổ dân phố tối thiểu là
250 hộ. |