Nghiệm thu đề cương chi tiết đề tài “Khâm Định An Nam kỷ lược” thuộc Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến
Tham dự cuộc họp có các nhà khoa học là các chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử, văn bản Hán Nôm do PGS.TS Nguyễn Công Việt - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm làm chủ tịch hội đồng, các thành viên Ban Quản lý Dự án, các biên tập viên Nhà xuất bản Hà Nội.
PGS.TS. Nguyễn Công Việt, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu, điều khiển phiên họp.
Ảnh: Văn Chiến
Khâm Định An Nam kỷ lược là bộ sách lớn gồm 30 quyển chủ yếu là các văn bản hành chính như chỉ, dụ, sắc, chế, sớ, tấu… trong đó có các văn kiện bang giao với An Nam thời Thanh - Càn Long. Đây là bộ tư liệu lịch sử có giá trị nhiều mặt từng được giới nghiên cứu biết đến tuy nhiên việc khai thác tư liệu khá khó khăn và chưa được giới nghiên cứu trong nước tiếp cận rộng rãi. Chính vì vậy, việc đưa đề tài vào cơ cấu Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II được Hội đồng TVKH của Tủ sách thông qua và các nhà khoa học đồng thuận cao.

Ông Nguyễn Bá Dũng, Chủ trì nhóm biên soạn, trình bày nội dung đề tài trước Hội đồng nghiệm thu. Ảnh: VC
Tại buổi nghiệm thu, các thành viên Hội đồng đều thống nhất ý kiến đánh giá: việc sưu tầm, dịch thuật và giới thiệu bộ “Khâm Định An Nam kỷ lược” là việc làm rất quý và hứa hẹn nhiều giá trị học thuật. Công trình chắc chắn sẽ giúp ích rất nhiều cho các nhà nghiên cứu Việt Nam sử dụng khi nghiên cứu về lịch sử thời kỳ Tây Sơn mà trước tới nay mới chỉ biết chứ chưa có điều kiện sử dụng trực tiếp. Công trình cũng mang tính khả thi cao do nhóm thực hiện từng có kinh nghiệm trong việc làm các sách tương tự, các tác giả đã nắm chắc và tìm hiểu sâu về nội dung.
Nhà báo Nguyễn Kim Sơn, Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Hà Nội, Trưởng ban Quản lý Dự án phát biểu, đánh giá cao nỗ lực của nhóm thực hiện đề tài. Ảnh: VC

PGS.TS. Đào Tố Uyên, Ủy viên Hội đồng phát biểu ý kiến đóng góp. Ảnh: VC
Các thành viên của hội đồng gồm PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, PGS.TS Trần Thị Vinh, PGS.TS Đào Tố Uyên, PGS.TS Tạ Ngọc Liễn, PGS.TS Phạm Xuân Hằng cũng đã đóng góp nhiều ý kiến giúp nhóm thực hiện hoàn thiện đề cương để đảm bảo chất lượng công trình. Hội đồng lưu ý nhóm thực hiện phần dịch cố gắng dịch sát nghĩa, trung thành với nguyên tác, phần chú thích cố gắng làm kỹ để tăng giá trị cho bản dịch. Hội đồng cũng giới thiệu các nguồn tư liệu sử để nhóm thực hiện đối chiếu, tham khảo trong quá trình thực hiện như: Đại Nam quốc thư tập, Tây Sơn Bang giao tập, An Nam chí lược… Chủ đầu lư lưu ý nhóm biên soạn cần chú giải, hiệu đính cụ thể, chính xác để bạn đọc không hiểu nhầm nội dung tư liệu vì đây là các nguyên bản “Khâm Định”. Thay mặt nhóm thực hiện Ông Nguyễn Bá Dũng đã tiếp thu các ý kiến đóng góp đồng thời khẳng định sẽ đầu tư thích đáng cho bài tổng quan nghiên cứu của công trình để đảm bảo chất lượng cũng như quan điểm biên soạn... Đề cương đã được các thành viên Hội đồng nghiệm thu nhất trí để biên tập xuất bản theo yêu cầu của Tủ sách.
Nhà xuất bản Hà Nội