Họp nghiệm thu đề cương chi tiết đề tài “Tản văn xứ Đoài trong lòng Hà Nội”.

NNC. Lại Nguyên Ân
chủ trì cuộc họp nghiệm thu.
Ảnh: V. Chiến.
“Tản văn xứ Đoài trong lòng Hà Nội” là một đề tài thuộc mảng
sách Văn học - Nghệ thuật trong Dự án Tủ sách giai đoạn II. Đề tài nhằm tuyển
chọn những tác phẩm tản văn xuất sắc, tiêu biểu từ thời cổ trung đại đến nay
của vùng văn hóa xứ Đoài bao gồm Hà Đông, Sơn Tây và các vùng giáp ranh vốn
thuộc vùng đất văn hóa xứ Đoài xưa nay đã được sáp nhập vào Thủ đô Hà Nội. Qua
những tác phẩm được tuyển chọn, tập thể biên soạn mong muốn cuốn sách sẽ chuyển
tải đến người đọc không chỉ những giá trị văn chương đặc sắc của vùng văn hóa
xứ Đoài mà còn nhằm làm rõ những giá trị văn hóa, tinh thần, lối sống, phong
tục, tập quán, và hơn thế nữa là những giá trị về cốt cách, bản sắc văn hóa
cũng như những nét đặc trưng về tôn giáo, đời sống văn hóa tâm linh của vùng
đất xứ Đoài qua các giai đoạn lịch sử của dân tộc.

Nhà thơ Bằng Việt -
Chủ biên đề tài trình bày về đề cương trước Hội đồng nghiệm thu. Ảnh: V. Chiến.
Các ý kiến tại buổi họp đều đánh giá cao ý
nghĩa và sự cần thiết của đề tài. Bởi lẽ Thủ đô Hà Nội đã mở rộng địa giới hành
chính, Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến tất yếu không thể thiếu những công
trình tìm tòi, khai thác, khám phá những giá trị văn hóa của vùng đất mới. “Tản văn xứ Đoài trong lòng Hà Nội” được
đánh giá sẽ là một sự bổ sung hoàn chỉnh, cùng với công trình “Tuyển ký -
tản văn Thăng Long - Hà Nội” trong giai đoạn I tạo ra một diện mạo tổng
thể, toàn diện cho văn học Thăng Long - Hà Nội từ xưa đến nay ở phương diện thể
loại tản văn.
Các thành viên Hội
đồng trao đổi, thảo luận về đề cương chi tiết. Ảnh: V. Chiến.
Tại buổi họp, các ý kiến của Hội đồng nhấn mạnh yêu cầu nhóm biên soạn
cần làm rõ vấn đề tiêu chí thể loại gắn liền với việc cân nhắc tên gọi của công
trình. Theo gợi ý của các thành viên Hội đồng, thể loại “tản văn” chưa bao hàm
được hết các thể loại tác phẩm dự kiến tuyển chọn, nên chăng mở rộng phạm vi
thể loại của đề tài là “văn xuôi”, theo đó tên gọi của đề tài nên đổi là “Văn
xứ Đoài” hoặc “Hợp tuyển văn xứ Đoài”. Với tư cách là thành viên Hội
đồng nghiệm thu, đồng thời đứng từ góc độ Chủ đầu tư, ông Nguyễn Kim Sơn - Tổng
giám đốc, Tổng biên tập NXB Hà Nội cho rằng với thời gian và kinh phí biên soạn
hiện nay thì việc xây dựng một công trình đồ sộ và toàn diện về văn xuôi xứ Đoài
là không khả thi. Theo ông Nguyễn Kim Sơn, công trình nên bám sát mục tiêu, yêu
cầu của Dự án giai đoạn II, tiếp tục tuyển chọn theo tiêu chí thể loại ký - tản
văn đã được Hội đồng Tư vấn khoa học phê duyệt. Ông cũng nhấn mạnh dung lượng
cuốn sách và số lượng tác phẩm là không hạn chế tuy nhiên cần phải tập trung
tuyển chọn những tác phẩm thực sự có giá trị để tương xứng với văn hiến Thăng
Long - Hà Nội. Sau sự trao đổi, thảo luận sôi nổi giữa Hội đồng nghiệm thu, tập
thể biên soạn và Chủ đầu tư NXB Hà Nội, Hội đồng thống nhất cuốn sách sẽ tập
trung vào thể loại tản văn (bao gồm những tác phẩm tản văn, tạp văn, tùy bút,
ký, phóng sự…) và công trình sẽ lấy tên gọi chính thức là “Tản văn xứ Đoài”.
PGS.TS. Nguyễn Hữu
Sơn - Ủy viên Hội đồng nghiệm thu phát biểu ý kiến. Ảnh: V. Chiến.
Để đảm bảo tính logic của đề
tài, cũng như phù hợp với “khuôn khổ” của cuốn sách, công trình biên soạn sẽ
tuyển chọn những tác phẩm tiêu biểu, đặc sắc, có giá trị của những tác giả vốn
quê gốc ở xứ Đoài hoặc đã từng sống và gắn bó nhiều năm với vùng đất này. Đối với công
trình này thì việc nhấn mạnh tiêu chuẩn “địa phương” là cần thiết, việc lựa
chọn những tác giả là người con của xứ Đoài hay những người gắn bó, dành nhiều
tình cảm cho xứ Đoài sẽ tạo ra gương mặt riêng, đời sống tinh thần riêng, thể
hiện được nét văn hóa đặc trưng của vùng đất. Nhưng bên cạnh đó Hội đồng cũng
nhấn mạnh tác phẩm tuyển chọn của những tác giả này phải là những tác phẩm hay,
tiêu biểu, xứng đáng có tính chất đại diện. Xác định được hai tiêu chí này thì
công trình biên soạn không chỉ đạt được độ dày dặn, bề thế về dung lượng mà còn
là một cuốn sách có chất lượng, có giá trị, có “tầm”. Các nhận xét của NNC. Lại
Nguyên Ân, PGS.TS. Vũ Thanh, PGS.TS. Nguyễn Bá Thành… đều đưa ra những gợi ý cho nhóm biên soạn
trong việc lựa chọn các tác giả và tác phẩm tiêu biểu để đưa vào sách.
Bên cạnh đó, cuộc họp cũng thống nhất một số vấn đề về
quy cách biên soạn như: phần tuyển chọn tác giả, tác phẩm sẽ được phân chia
thành hai giai đoạn: giai đoạn trước năm 1900 (trung đại) và giai đoạn từ 1900
đến nay (hiện đại); trong mỗi phần sẽ được sắp xếp theo niên đại năm sinh, năm
mất của tác giả.
Ông Nguyễn Kim Sơn - Tổng giám đốc, Tổng biên tập NXB Hà Nội phát biểu
tại cuộc họp. Ảnh: V. Chiến.
Thay mặt Chủ đầu tư NXB Hà Nội ông Nguyễn Kim Sơn đánh
giá cao những ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng thẩm định cũng như
ghi nhận sự trăn trở, tâm huyết của tập thể nhóm biên soạn do Nhà thơ Bằng Việt
chủ biên trong việc biên soạn công trình. Trên cơ sở những ý kiến của Hội đồng
nghiệm thu, ông Nguyễn Kim Sơn đề nghị nhóm biên soạn cần tiếp thu và chỉnh
sửa, hoàn thiện đề cương chi tiết trước khi bắt tay vào biên soạn sách.
Kể từ khi Hà Nội mở rộng địa giới, xứ Đoài đã hòa nhập
vào Hà Nội và trở thành một phần không thể thiếu của Thủ đô đất nước. Khai phá
những giá trị văn hóa của vùng đất này không chỉ là trân trọng những giá trị
rất riêng của một vùng đất truyền thống lâu đời mà còn làm phong phú thêm kho
tàng văn hiến ngàn đời của Thăng Long - Hà Nội. Đó cũng là đích đến của công
trình “Tản văn xứ Đoài” cũng như rất
nhiều công trình khác trong “Tủ sách
Thăng Long ngàn năm văn hiến” giai đoạn II của NXB Hà Nội.
Nhà xuất bản Hà Nội