Thứ năm, 17/04/2014 08:12
Một thời “chiến sĩ tay ngai xe thồ”
Qua lời giới thiệu của những chiến sĩ Điện Biên năm xưa, chúng tôi tìm đến ngôi nhà số 89 đường Quan Hoa, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy thăm ông Nguyễn Văn Tiệp, cán bộ ngành thương mại nghỉ hưu. Năm nay 84 tuổi, tay đã run run do tuổi tác, nhưng nhắc đến những ngày đi dân công phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ 60 năm trước, giọng ông vẫn hồ hởi: "Gian khổ lắm, nhưng vui, lạc quan lắm".
Giữa năm 1952, do địch khủng bố càn quét dữ, một số cơ sở cách mạng vùng
An Hòa, Cầu Giấy vỡ, ông Nguyễn Văn Tiệp, lúc ấy 22 tuổi cùng người vợ
mới cưới là bà Nguyễn Thị Nhật, một đảng viên trẻ của Chi bộ An Hòa, từ
vùng tề tìm đường ra vùng tự do. Từ nhà người thân ở Thúy Ái (nay thuộc
phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng), ông bà đi xe khách lên Phủ Lỗ, lội
ruộng tắt cánh đồng sang làng Dâm Dỗ. Đêm hôm sau, hai vợ chồng theo du
kích địa phương dẫn hai tù binh Tây, bọc quần áo vào nylon làm phao,
vượt sông sang vùng kháng chiến Thái Nguyên. Từ đó, ông bà lên Tuyên
Quang rồi về xã Dũng Tiến, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Sau Tháng Hữu
nghị Việt - Trung - Xô, khoảng cuối tháng 1-1954, ông Tiệp được huy
động đi dân công phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Vì là người Hà Nội
tản cư đến, lại hăng hái đi phục vụ chiến dịch nên ông được dân làng quý
mến, noi gương.
 |
Dân công vận tải bằng xe thồ phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.Ảnh tư liệu |
Vào những năm 1950, với người dân, xe đạp là cả một tài sản, phương tiện
mưu sinh. Ông Tiệp mang cái xe nhãn hiệu Super Globe của Pháp gia cố
thêm hai đoạn tre già từ ghi-đông xuống "tai hồng" đầu trục moay-ơ để
tăng thêm độ cứng, sức chịu tải cho xe, cắm cái cọc tre vào sau yên làm
chỗ tì đẩy, lắp đoạn "tay ngang" nối dài tay lái để dễ điều khiển xe
trên mọi địa hình. Sau khi gia cố, cái Super Globe của ông chở được
250kg. Rồi ông nhập vào "đoàn quân ngựa sắt thần kỳ" lên đường, để lại
người vợ trẻ nơi hậu phương.
Đơn vị dân công của ông thuộc Mặt trận Cung cấp Liên khu III, được biên
chế thành đại đội, trung đội, tiểu đội. Đã 60 năm, ông vẫn nhớ mình
thuộc Đại đội 5, còn Trung đội trưởng là anh Thu. Đơn vị ông thường thồ
gạo, muối từ Hòa Bình lên ngã ba Cò Nòi, Sơn La.
Gian khổ vô cùng
Mỗi dân công xe thồ được phát khoảng 5, 6 cân gạo, cho vào bao "ruột
tượng" vắt trên cọc xe thồ. Gạo xấu, nhiều khi đã mục, đem vo chỉ dám
chiêu nhẹ cho sạch trấu, sạch sâu mọt rồi nấu. Mỗi người có một lọ mắm
kem "to hơn lọ mực Cửu Long", đến bữa khều ra một tí mút mát cho mặn
miệng, đưa cơm, thỉnh thoảng mới được cấp vài con cá khô. Ông Tiệp kể: 6
tháng đi chiến dịch, đơn vị được ăn một bữa có ruốc bò, được coi là
"đại tiệc". Rau thì đến bữa lại đi hái, nhặt dọc đường.
Mỗi dân công xe thồ tự trang bị một hộp dụng cụ gồm cờ lê, bộ móc lốp,
hộp nhựa và vài miếng cao su vá săm, cái bơm tay… để sửa chữa vặt. Dọc
đường thỉnh thoảng có trạm sửa chữa của Mặt trận, có đủ máy hàn hơi, bễ
lò rèn để nắn khung, càng, hàn cổ phuốc, là những hỏng hóc mà tự mình
không sửa nổi.
Dân công, xe thồ thường lên đường từ chiều muộn, đi suốt đêm để tránh
máy bay địch. Mặt đường toàn đất đá, không có đường nhựa phẳng phiu như
bây giờ, nhiều khi xuyên rừng mà đi. Vắt nhiều như trấu, thấy hơi người
chúng nhảy rào rào, búng tanh tách phóng đến. Ông chìa bắp tay phải, cho
tôi xem cái sẹo lõm nhỉnh hơn đầu tăm, bảo: "Đây là chỗ con vắt xanh
cắm đầu, chui sâu vào thịt, tôi phải lôi mãi nó mới ra, thành sẹo đến
bây giờ". Có lần buồn ngủ quá, cả xe và người lăn xuống hố bom, cái cọc
xe chẹn ngang cổ, anh em phải xúm lại cứu. Có hôm mệt quá lăn ra ngủ,
đến khi lao xao tiếng người mới hé mắt nhìn, ông được mấy người dân địa
phương chỉ cho nấm đất bên cạnh, bảo đó là mồ chôn những phần còn lại
của một người bị hổ ăn thịt. Ông Tiệp bảo: "Ngày ấy hăng hái lắm, vất vả
thì vất vả nhưng không sợ tí nào". Một buổi chiều hành quân sớm hơn
thường lệ để bảo đảm cung - chặng, đơn vị ông bị 4 chiếc máy bay Hen-cát
của Pháp đuổi theo, nhìn rõ cả những quả bom đen trùi trũi dưới cánh
máy bay. Anh em bỏ xe, nằm rạp xuống đường. Anh chỉ huy rút súng ngắn
hét: "Nằm yên, anh nào ngọ nguậy tôi bắn chết". Hôm ấy máy bay không thả
bom, nhưng bắn nhiều loạt đạn vào đội hình xe thồ làm một người chết.
Đồng đội phải chặt bương, chẻ ra làm thành tấm chiếu bó xác, đem chôn.
Bây giờ nhớ lại, ông Tiệp nói: "Sau 6 tháng đi dân công về, ngồi trong
nhà lúc trời mưa mà không bị ướt, cảm thấy hạnh phúc vô cùng", vì trên
suốt đường đi, hễ có mưa là lo che cho gạo khỏi ướt, còn người che chắn
sau. Dân công dầm mình trong mưa lạnh là chuyện thường.
Đường ra trận vui như trảy hội
Dân công phục vụ chiến dịch phần lớn là nông dân vùng tự do, vừa được
hưởng thành quả của cải cách ruộng đất, nhiều nhà được chia ruộng nên
rất hăng hái, tin tưởng ở thắng lợi. Theo hồi ức của ông Tiệp, cứ đến
đêm là mặt đường lại nhộn nhịp người gánh gồng, xe đạp thồ đi hàng đoàn,
nhiều lúc gặp cả đoàn xe ô tô Mô-lô-tô-va kéo pháo, chở bộ đội và khí
tài ra trận. Gặp lúc trời mưa, đường trơn, bộ đội phải cuốn xích vào lốp
ô tô mới lên dốc được. Mỗi khi gặp đoàn nữ dân công gánh gồng, cánh xe
thồ lại thích thú nghe chị em véo von: "Ở đời em chẳng yêu ai. Yêu anh
chiến sĩ tay ngai xe thồ". Tôi tò mò hỏi ông: "Đường lên chiến dịch toàn
thanh niên, có chuyện trai gái yêu đương không?", ông bảo yêu đương
đứng đắn, yêu thầm nhớ vụng thì có, chứ tuyệt nhiên không có chuyện
"chim chuột" lén lút, anh em thường đùa nghịch, trêu chọc nhau cho quên
vất vả.
Trong những ngày chiến dịch, công tác tuyên truyền, động viên của cấp
trên rất hiệu quả. Mỗi khi gian khổ, anh em thường cất cao câu hò: "Đèo
cao thì mặc đèo cao. Tinh thần phục vụ còn cao hơn đèo". Dân công thỉnh
thoảng được xem phim nhựa, xem văn công xung kích phục vụ tại chỗ. Có
buổi chiếu phim, người được phân công gác máy bay mải xem, quên đánh
kẻng báo động để tắt đèn. Máy bay Bê-vanh-nớp (B-29) cổ ngỗng của địch
ập tới ném bom, ông Tiệp ngồi trên cây xem để tránh vắt, bị hơi bom xô
ngã. Máy bay đi, quân ta lại tiếp tục xem phim.
Vui nhất là sau khi chiến dịch hoàn toàn thắng lợi, Tây đen, Tây trắng
ra hàng nhiều vô kể. Có anh tù binh Tây bị thương được bộ đội cho cưỡi
bò, vừa đi vừa hát nghêu ngao, mấy chú tù binh ngụy chửi: "Không biết
nhục à mà còn hát?".
Hết 6 tháng phục vụ chiến dịch, ông về hậu phương. Sau ngày giải phóng
Thủ đô, vợ chồng ông về làng Quan Hoa quê hương. Ông đi làm cán bộ Tổng
Công ty Bách hóa rồi về hưu năm 1992. Chiếc xe đạp Super Globe theo ông
đi chiến dịch nay không còn nữa.
Trước khi tôi ra về, ông Tiệp cho tôi xem tấm giấy khen của Tổng Công ty
Bách hóa, Bộ Nội thương tặng ông vì "có thành tích phục vụ chiến dịch
"Điện Biên Phủ trên không" đánh thắng đợt tập kích bằng máy bay chiến
lược B-52 của Mỹ tháng 12-1972". Thì ra người đảng viên hơn 50 năm tuổi
Đảng đã tham gia phục vụ cả hai chiến dịch Điện Biên Phủ lẫy lừng lịch
sử.
(Theo hanoimoi.com.vn)
|