Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ bảy, 19/04/2014 10:29
Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến - giai đoạn II: Nghiệm thu Đề cương chi tiết đề tài “Dòng văn Phan Huy - Tuyển tập tác phẩm”
Chiều ngày 17/4/2014, Ban Quản lý Dự án “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” giai đoạn II - Nhà xuất bản Hà Nội tổ chức họp nghiệm thu đề cương chi tiết đề tài “Dòng văn Phan Huy - Tuyển tập tác phẩm” do PGS.TS Trần Thị Băng Thanh chủ biên. Đây là đề tài thuộc mảng sách Văn học nghệ thuật nằm trong tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II.

Thành viên Hội đồng là các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu văn học trung đại, văn bản Hán Nôm, thành viên Ban Quản lý Dự án, các biên tập viên Nhà xuất bản Hà Nội dưới sự chủ trì của GS.TS. Trần Ngọc Vương - Chủ tịch hội đồng. 


GS.TS. Trần Ngọc Vương - Chủ tịch hội đồng chủ trì buổi họp. Ảnh: V. Chiến.

Với “Tuyển tập Ngô gia văn phái” thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn I, PGS.TS. Trần Thị Băng Thanh đã có những thành công đáng ghi nhận trong biên soạn và được độc giả, các nhà khoa học đánh giá cao. Trong Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II, Ban Tư vấn chuyên môn Văn học nghệ thuật, Hội đồng Tư vấn Khoa học và Nhà xuất bản tin tưởng lựa chọn PGS.TS. Trần Thị Băng Thanh chủ biên công trình “Dòng văn Phan Huy - Tuyển tập tác phẩm”.

Văn học trung đại thế kỷ XVII - XVIII có một đặc trưng rõ nét là vai trò và sự đóng góp về thành tựu trước tác của các dòng họ văn hóa rất lớn: Ngô gia văn phái, dòng họ Nguyễn Tiên Điền, dòng văn Phan Huy… Mỗi dòng văn đều tạo được những nét đặc thù mang tính cách dòng họ vào trong văn chương của mình. PGS.TS. Trần Thị Băng Thanh là người có rất nhiều năm kinh nghiệm trong hướng nghiên cứu này.


PGS.TS. Trần Thị Băng Thanh chủ biên đề tài. Ảnh: V. Chiến.

 Đề tài “Dòng văn Phan Huy – Tuyển tập tác phẩm” với bố cục gồm phần tổng luận, nghiên cứu và dịch thuật, trong đó phần khảo sát văn bản Hán Nôm và dịch thuật chiếm vị trí quan trọng. Việc biên dịch văn bản và nghiên cứu tổng thể dòng văn Phan Huy góp phần minh định gia tộc văn chương Nguyễn Huy của Thăng Long – Hà Nội bên cạnh các dòng văn nhà Trần, nhà Lê, Ngô gia, Trịnh tộc, Cao tộc… Công trình được chia thành 2 tập dày và bề thế với tổng số trang hơn 1.300 trang. Tập I với phần Mở đầu gồm 2 bài khái quát về Dòng văn Phan Huy với những đóng góp cho lịch sử văn hóa và văn học dân tộcTình hình văn bản của Dòng văn. Đây là những bài viết cần thiết, mang tính khoa học, không thể thiếu trong một công trình khoa học tầm cỡ. Bộ sách sẽ giới thiệu một cách đầy đủ các tác giả của dòng họ Phan Huy, những tác gia qua trọng của nền văn học Việt Nam trung đại. Ngoài ra với bảng tra cứu, danh mục sách, tài liệu tham khảo và ảnh thể hiện sự công phu của nhóm tác giả đối với công trình.

 Trước Hội đồng nghiệm thu, Chủ biên và nhóm biên soạn đã trình bày những khảo sát, nghiên cứu sơ bộ của nhóm sẽ triển khai trong đề tài. Theo chủ biên, dòng văn Phan Huy mang đậm phong cách khảo cứu, phong cách khoa học, bách khoa, nối tiếp con đường của “nhà bác học” Lê Quý Đôn. Các tác phẩm thơ chữ Hán, chữ Nôm, ký có sự đan xen giữa ký sự và trữ tình nhưng vẫn nặng tính khảo cứu. Ngoài ra, các sáng tác của dòng văn Phan Huy có đối tượng, phạm vi trước tác rộng, tiến tới không gian mở ra ngoài phạm vi Đông Á, là một đặc thù mạnh so với các dòng văn khác. Tuy nhiên, việc nghiên cứu, biên soạn giới thiệu dòng văn Phan Huy là một việc không dễ bởi khối lượng tác phẩm lớn, nhiều vấn đề về văn bản cần khảo cứu, các tranh luận xung quanh nhiều tác gia nổi tiếng của Phan Huy Chú hay Phan Huy Ích vẫn chưa đi đến hồi kết.


Hội đồng nghiệm thu. Ảnh: V. Chiến.

Hội đồng nghiệm thu đã đóng góp nhiều ý kiến có giá trị về bố cục, nội dung, hướng nghiên cứu giúp chủ biên và nhóm biên soạn hoàn thiện đề cương chi tiết. Đối với kết cấu của đề tài, về cơ bản sẽ triển khai theo cấu trúc như Tuyển tập Ngô gia văn phái gồm các nội dung: Phần tổng quan nghiên cứu về dòng văn Phan Huy, Phần khảo cứu văn bản và phần tuyển các tác phẩm sắp xếp theo thế thứ niên đại và Phụ lục các bảng tra cứu. Về bản quyền, Hội đồng lưu ý nhóm biên soạn trong việc sử dụng lại những tác phẩm đã dịch, xuất bản. Với năng lực, kinh nghiệm, tâm huyết của chủ biên thể hiện rõ trong bài nghiên cứu tổng quan giúp độc giả nhìn ra diện mạo dòng họ, những điểm nhấn, đóng góp của dòng văn. Phần tuyển dịch tác phẩm cần xây dựng tiêu chí tuyển chọn rõ ràng, khảo cứu văn bản kỹ lưỡng, giới thuyết về những vấn đề tồn nghi, lựa chọn những tác phẩm có giá trị cao. Với khuôn khổ của đề tài, Lịch triều hiến chương loại chí - một công trình “tư sử” được chọn thành “quốc sử”, có đóng góp lớn trong lịch sử văn học nhưng dung lượng lớn, không thể tuyển hết có thể tuyển dịch một số nội dung tiêu biểu như: Văn tịch chí… Những tác phẩm tồn nghi có thể rút ngắn hoặc không đưa vào. Theo Hội đồng, để công trình có giá trị hơn, nhóm biên soạn và Nhà xuất bản nên nghiên cứu, tăng dung lượng số trang, đồng thời in ấn ảnh các bản gốc để độc giả tiện so sánh, đối chiếu. Phần Phụ lục có thể đưa thêm các đánh giá của các nhà nghiên cứu, của các công trình đã xuất bản về dòng văn Phan Huy để bạn đọc tham khảo. Nhóm biên soạn tiếp thu đề xuất và góp ý của Hội đồng để điều chỉnh, sắp xếp bố cục, nội dung và hoàn thiện đầy đủ đề cương sớm biên soạn được một công trình đảm bảo tính khoa học nghiên cứu và đáp ứng các yêu cầu của cơ cấu Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II.

Hội đồng nghiệm thu thông qua đề cương chi tiết đề tài “Dòng văn Phan Huy – Tuyển tập tác phẩm” và kỳ vọng công trình sẽ được hoàn thiện có chất lượng là bộ sách có giá trị trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, với kinh nghiệm, tâm huyết của nhóm biên soạn, công trình sẽ hoàn thành đúng thời hạn và đạt chất lượng cao.

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)