Khi Chính phủ nhìn bằng con mắt của dân!
 |
|
Ảnh minh họa |
|
Ngày 15/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trực tiếp đến kiểm tra công tác
điều trị bệnh nhi sởi tại Bệnh viện Nhi Trung ương, đang trong tình
trạng quá tải nghiêm trọng nhiều ngày. Tại đây, Phó Thủ tướng cho biết
ông phải cảm ơn một bác sĩ ở BV này đã đưa lên Facebook về tình trạng
quá nhiều trẻ tử vong do sởi. Và Phó Thủ tướng đã chỉ đạo ngay: Chưa
công bố dịch thì cũng ứng phó như đối với dịch!
Ngay hôm sau, Thủ tướng Chính phủ ra Công điện yêu cầu các bộ, ngành,
địa phương tập trung phòng, chống dịch, hạn chế đến mức thấp nhất số
người mắc bệnh và chết do bệnh sởi. Ngày tiếp theo, Thủ tướng quyết định
cấp bổ sung hơn 80 tỷ đồng và 12 máy thở phục vụ công tác phòng chống
sởi.
Trong khi việc đã đến mức công bố dịch sởi hay chưa là quyết định của
ngành chức năng, thì đối với người dân, công bố dịch hay không, không
phải là điều quan trọng nhất. Qua báo chí, qua các trang mạng xã hội,
không khó để nhận ra sự lo âu và hoang mang của dư luận, của những bậc
cha mẹ có con nhỏ trước con số bệnh nhi mà bệnh sởi đã cướp đi sinh
mạng.
Những hành động quyết liệt, dứt khoát cho thấy, lãnh đạo Chính phủ
không chỉ lắng nghe ý kiến của người dân, mà còn thực sự đặt mình vào vị
trí của người dân, nhìn mọi việc bằng con mắt của người dân.
Sự sâu sát của lãnh đạo Chính phủ, trực tiếp lắng nghe ý kiến của
người dân và của đội ngũ bác sĩ đang “chiến đấu” với bệnh sởi, khiến
người dân ấm lòng và có thêm niềm tin. Cách làm việc như vậy, đương
nhiên, sẽ được người dân ủng hộ.
“Hợp lòng dân” cũng là cụm từ tràn ngập trên mặt báo ngày 18/4, khi
báo chí bình luận về việc Thủ tướng chỉ đạo Bộ VHTTDL rút đăng cai,
không tổ chức ASIAD 18 tại Hà Nội.
Trong lúc cả nước đang hướng về kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ 60
năm trước, đã có bình luận liên hệ quyết định này của Thủ tướng với
quyết định “lui quân, kéo pháo ra” khi công tác chuẩn bị chưa đủ để chắc
thắng ở Điện Biên Phủ. Cũng phải nói thêm rằng, rút đăng cai ASIAD
không có nghĩa việc chúng ta muốn tổ chức một sự kiện như thế là sai
lầm! Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2014, Bộ trưởng, Chủ
nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên đã nói, “mỗi phương án (đăng cai và không đăng
cai) đều có mặt nhược và ưu điểm. Khi đưa ra 2 phương án, có sự so sánh
thì người lãnh đạo sẽ cân nhắc, xem xét”, để quyết định phương án tối
ưu nhất, có lợi hơn cho đất nước.
Thật không dễ dàng gì để đưa ra quyết định ấy, nhất là khi tính đến
vấn đề uy tín, thể diện quốc gia. Nhưng “lùi một bước biển rộng trời
cao”, trong hoàn cảnh cụ thể hiện nay, việc rút đăng cai ASIAD sẽ ví như
việc “lùi một bước để tiến nhiều bước”.
Nhưng cái được lớn hơn cả là sự ủng hộ của người dân. Kết quả khảo
sát, dù chưa hẳn hoàn toàn chính xác, trên các báo điện tử, cho thấy hầu
hết các ý kiến đều không ủng hộ việc đăng cai tổ chức ASIAD trong lúc
này. Thậm chí còn bức xúc, vì vẫn còn đó những cây cầu dân sinh xuống
cấp đang chờ sửa chữa, những em học sinh còn thiếu gạo để đến trường,
những người nghèo chưa đủ no cơm, ấm áo… và Bệnh viện Nhi Trung ương
đang quá tải trước các bệnh nhi Sởi.
Dĩ nhiên, mọi sự so sánh đều là khập khiễng, nhưng rõ ràng trong
trường hợp này, những ý kiến của người dân về việc rút đăng cai ASIAD
trong khi tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, ngân sách còn hạn hẹp và
phải tập trung ưu tiên cho nhiều nhiệm vụ cấp thiết khác, là hoàn toàn
chính đáng.
Ngay cả từ góc nhìn uy tín, thể diện quốc gia, thì cũng có thể tin
rằng sự thẳng thắn, lắng nghe ý kiến người dân của Chính phủ Việt Nam sẽ
nhận được sự cảm thông, tôn trọng của bạn bè các nước. Suy cho cùng,
trách nhiệm với hành động của chính mình cũng là trách nhiệm với cộng
đồng quốc tế.
Có ý kiến đã nói đến “một làn gió phong cách mới trong Chính phủ”.
Thật ra thì “làn gió” ấy đã được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh rằng
“phải nắm chắc ngọn cờ dân chủ” trong Thông điệp đầu năm 2014. Lắng nghe
ý kiến người dân, quyết định theo nguyện vọng chính đáng của nhân dân,
đó là một biểu hiện rõ ràng và trực tiếp nhất của dân chủ.
(Theo chinhphu.vn)