Nghiệm thu đề cương chi tiết đề tài “Dòng văn Phan Huy - Tuyển tập tác phẩm”
Tham dự cuộc họp có các nhà
khoa học là các chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu văn học trung đại, văn bán Hán Nôm do GS.TS Trần Ngọc Vương làm chủ tịch hội
đồng, các thành viên Ban Quản lý Dự án, các biên tập viên Nhà xuất bản Hà Nội.

GS.TS. Trần Ngọc Vương - Chủ tịch
hội đồng chủ trì buổi họp. Ảnh: V. Chiến.
Văn học trung đại thế kỷ
XVII - XVII có một đặc trưng rõ nét là vai trò và sự đóng góp về thành tựu
trước tác của các dòng họ văn hóa rất lớn. Có thể kể đến Ngô gia văn phái,
dòng họ Nguyễn Tiên Điền, dòng văn Phan
Huy… Mỗi dòng văn đều tạo được những nét đặc thù mang tính cách dòng họ vào
trong văn chương của mình. PGS.TS Trần Thị Băng Thanh là người có rất nhiều năm
kinh nghiệm trong hướng nghiên cứu này. Trong Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm
văn hiến giai đoạn I, PGS.TS Trần Thị Băng Thanh đã thành công trong việc biên
soạn và giới thiệu “Tuyển tập Ngô gia văn phái” tới bạn đọc. Tiếp nối thành
công, khi xây dựng cơ cấu đề tài Tủ sách giai đoạn II, Ban Tư vấn chuyên môn
Văn học nghệ thuật, Hội đồng Tư vấn Khoa học và Nhà xuất bản đều tin tưởng lựa
chọn PGS.TS Trần Thị Băng Thanh chủ biên công trình “Dòng văn Phan Huy - Tuyển
tập tác phẩm”.

PGS.TS. Trần Thị Băng Thanh chủ biên công trình “Dòng văn Phan Huy - Tuyển
tập tác phẩm”. Ảnh: V. Chiến.
Tại buổi nghiệm thu, chủ biên công
trình đã trình bày những khảo sát, nghiên cứu sơ bộ của nhóm thực hiện về đề
tài. Theo chủ biên, dòng văn Phan Huy mang đậm phong cách khảo cứu, phong cách
khoa học, bách khoa, nối tiếp con đường của “nhà bác học” Lê Quý Đôn. Các tác
phẩm thơ chữ Hán, chữ Nôm, ký có sự đan xen giữa ký sự và trữ tình nhưng vẫn
nặng tính khảo cứu. Hơn thế nữa các sáng tác của dòng văn Phan Huy có đối
tượng, phạm vi trước tác rộng, tiến tới không gian mở ra ngoài phạm vi Đông Á,
là một đặc thù mạnh so với các dòng văn khác. Tuy nhiên, việc nghiên cứu, biên
soạn giới thiệu dòng văn Phan Huy là một việc không dễ bởi khối lượng tác phẩm
lớn, nhiều vấn đề về văn bản cần khảo cứu, các tranh luận xung quanh nhiều tác
gia nổi tiếng như Phan Huy Chú, Phan Huy Ích vẫn chưa đi đến thống nhất…

Hội đồng khoa học đóng góp nhiều ý kiến có giá trị giúp chủ biên và nhóm biên soạn hoàn
thiện đề cương chi tiết. Ảnh: V. Chiến.
Hội đồng khoa học gồm GS.TS
Trần Ngọc Vương, PGS.TS Trần Nho Thìn, PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn, PGS.TS Vũ Thanh,
PGS.TS Hoàng Thị Ngọ, Nhà thơ Bằng Việt đã đóng góp nhiều ý kiến có giá trị giúp chủ biên và nhóm biên soạn hoàn
thiện đề cương chi tiết. Về cơ bản công trình sẽ làm như Tuyển tập Ngô gia văn
phái bao gồm các nội dung: Phần tổng quan nghiên cứu về dòng văn Phan Huy, Phần
khảo cứu văn bản và phần tuyển các tác phẩm sắp xếp theo thế thứ niên đại và
Phụ lục các bảng tra cứu. Hội đồng lưu ý nhóm biên soạn vấn đề bản quyền trong
việc sử dụng lại những tác phẩm đã dịch, xuất bản. Hội đồng cũng rất kỳ vọng
vào năng lực, kinh nghiệm, tâm huyết của chủ biên trong bài nghiên cứu tổng
quan giúp độc giả nhìn ra diện mạo dòng họ, những điểm nhấn, đóng góp của
dòng văn. Phần tuyển dịch tác phẩm cần
xây dựng tiêu chí tuyển chọn rõ ràng, khảo cứu văn bản kỹ lưỡng, giới thuyết về
những vấn đề tồn nghi, lựa chọn những tác phẩm có giá trị cao. Lịch triều hiến chương loại chí - một
công trình “tư sử” được chọn thành “quốc sử”, có đóng góp lớn trong lịch sử văn
học nhưng dung lượng lớn, không thể tuyển hết có thể trích tuyển một số nội
dung tiêu biểu như: Văn tịch chí… Những
tác phẩm tồn nghi có thể rút ngắn hoặc không đưa vào. Để công trình có giá trị
hơn, nhóm biên soạn và Nhà xuất bản nên nghiên cứu, tăng dung lượng số trang,
đồng thời in ấn ảnh các bản gốc để độc giả tiện so sánh, đối chiếu. Phần Phụ
lục có thể đưa thêm các đánh giá của các nhà nghiên cứu, của các công trình đã
xuất bản về dòng văn Phan Huy để bạn đọc tham khảo. Hy vọng với kinh nghiệm,
tâm huyết của nhóm biên soạn, công trình sẽ hoàn thành đùng thời hạn và đạt
chất lượng cao.
Đề cương đã được các thành viên Hội đồng nghiệm
thu để sớm tổ
chức biên soạn theo yêu cầu của Tủ sách.