Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ ba, 22/04/2014 10:08
Cán bộ, công nhân viên, biên tập viên Nhà xuất bản Hà Nội góp ý với Dự thảo Thông tư Hướng dẫn thi hành Luật Xuất bản năm 2013
Ngày 19/4/2014, tại Hội trường Nhà xuất bản Hà Nội, cán bộ, nhân viên, biên tập viên Nhà xuất bản đã tổ chức thảo luận đóng góp ý kiến cho Dự thảo Thông tư Hướng dẫn thi hành Luật Xuất bản, Nghị định số 195/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xuất bản.

 

Nhà báo Nguyễn Kim Sơn, Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Hà Nội chủ trì phiên họp thảo luận.                                                                   Ảnh: Văn Chiến

 Xuất phát từ thực tế nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực xuất bản và thực hiện Luật Xuất bản, cán bộ, nhân viên, biên tập viên đã đóng góp nhiều ý kiến, trong đó tập trung chủ yếu vào lĩnh vực xuất bản (Chương II - Luật Xuất bản). Cụ thể như sau:

1. Các góp ý chỉnh sửa nội dung của Thông tư:

  - Điều 5, khoản 1 điểm a thông tư quy định: Hàng năm, trình Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt kế hoạch tổ chức các khóa bồi dưỡng.

  Đề nghị: Quy định rõ kế hoạch định kỳ tổ chức (một năm ít nhất 02 lần) bởi điều này liên quan đến Điều 6, khoản 2, điểm c, mục 3 của thông tư.

- Điều 6, khoản 2, điểm c, mục 3 của thông tư quy định: Giấy chứng nhận hoàn thành khóa bồi dưỡng kiến thức pháp luật xuất bản, nghiệp vụ biên tập được cấp không quá 06 tháng trước ngày nộp đơn đề nghị cấp lại chứng chỉ hành nghề biên tập.

  Đề nghị sửa lại: không quá 01 năm. Điểu này tạo điều kiện thuận lợi cho biên tập viên trong việc tham gia các lớp bồi dưỡng.

  - Điều 9, khoản 1, điểm a và b: Quy định chi tiết và cụ thể về hình thức ký duyệt bản thảo là không hợp lý. Mỗi nhà xuất bản có hình thức thực hiện và quản lý vấn đề này khác nhau trên cơ sở tuân thủ luật. Căn cứ pháp lý, trách nhiệm của các cá nhân trong nhà xuất bản thể hiện trên xuất bản phẩm (chịu trách nhiệm xuất bản, biên tập…) theo luật định, còn cách thức quản lý cụ thể có nhiều cách tùy từng nhà xuất bản.

  Đề nghị: bỏ quy định này trong thông tư.

  - Điều 10, khoản 3 thông tư quy định trong hợp đồng liên kết cần có số xác nhận đăng ký xuất bản của Cục Xuất bản, In và Phát hành là không hợp lý. Bởi vì nhiều khi nhà xuất bản chỉ liên kết một số công đoạn mà không phải toàn bộ quy trình xuất bản cho đến khi ra sản phẩm. Do đó, hợp đồng liên kết có thể ký kết và thực hiện trước khi đăng ký kế hoạch đề tài, trong hợp đồng liên kết chưa thể có số xác nhận đăng ký kế hoạch xuất bản. (Ví dụ: liên kết tổ chức bản thảo, khai thác bản thảo, biên tập sơ bộ để có căn cứ quyết định có xuất bản ấn phẩm cụ thể nào đó hay không, tức là có tiến hành đăng ký kế hoạch đề tài hay không).

Đề nghị bỏ điều này trong thông tư.  

- Điều 13: Thông tin ghi trên xuất bản phẩm: Khoản 1, điểm c, đ có điểm vô lý: Số xác nhận đăng ký kế hoạch xuất bản (thường nằm ở signe) là một trong những thông tin phải ghi trên xuất bản phẩm theo điều 27, khoản 1, điểm c Luật xuất bản, nằm cùng trang nội dung với những thông tin phải ghi khác (Các xuất bản phẩm trên thế giới cũng vậy). Do vậy không cần có điểm đ tách riêng ở trong cuối mà chỉ nên giữ điểm c, có thể trang cuối sách hoặc trang liền sau trang tên sách.

  Đề nghị: bỏ điểm đ và những nội dung liên quan tại điểm c.






       Luật Xuất bản 2013 ban hành với nhiều sửa đổi, được những người làm công tác xuất bản nói chung, các biên tập viên Nhà xuất bản Hà Nội nói riêng đặc biệt quan tâm thảo luận.   
Ảnh: Văn Chiến



            Bà Hoàng Châu Minh, Trưởng phòng Biên tập trình bày các ý kiến đóng góp cho Dự thảo Thông tư.                                                                
Ảnh: Văn Chiến

  2. Bổ sung những quy định cụ thể với một số điều trong Luật Xuất bản:

  - Chứng chỉ hành nghề biên tập viên có thời hạn hay không? Nếu có thời hạn thì bao nhiêu năm?

  - Điều 20, khoản 3 Luật Xuất bản về chứng chỉ hành nghề biên tập bị thu hồi: điểm b quy định: Biên tập viên trong 01 năm có hai xuất bản phẩm hoặc trong 02 năm liên tục có xuất bản phẩm do mình biên tập sai phạm về nội dung mà buộc phải sửa chữa mới được phát hành;

Đề nghị: Thông tư cần phân biệt rõ mức độ sửa chữa cụ thể, vì trong xuất bản việc còn sót một vài lỗi không nghiêm trọng là hết sức bình thường và phổ biến, việc sách phải đính chính cũng là rất bình thường, là thông lệ (kể cả Quốc tế) mà đính chính cũng là một dạng sửa chữa. Vì vậy cần quy định rất cụ thể để tránh cảm tính. Ví dụ: Sai phạm phải sửa chữa ở mức độ bị kỷ luật từ khiển trách (hoặc cảnh cáo) trở lên.

- Điều 22 Luật xuất bản: Đăng ký và xác nhận đăng ký xuất bản.

Đề nghị: Thông tư bổ sung những hướng dẫn cụ thể vì có nhiều trường hợp phát sinh trong thực tế:

+ Nhà xuất bản đăng ký và được xác nhận đăng ký xuất bản một bản thảo cụ thể, nhưng trong quá trình biên tập, cần thiết phải đổi tên cho phù hợp với nội dung và nội hàm cuốn sách. Theo thông lệ cũ Nhà xuất bản có công văn xin đổi tên và được chấp nhận trên cơ sở không thay đổi chủ đề, nội dung, tác giả, giữ nguyên số xác nhận đăng ký kế hoạch xuất bản. Ở hướng dẫn thi hành Luật không đề cập, tức là phải đăng ký lại, như vậy không hợp lý.

+ Thực tế có những bản thảo đã đăng ký và được xác nhận đăng ký xuất bản, nhưng vì nhiều lí do, Nhà xuất bản không thực hiện kịp trong năm. Như trước đây, Nhà xuất bản có công văn xin chuyển kế hoạch năm sau. Nhưng nay phải đăng ký mới ở năm sau (vì hướng dẫn không đề cập trường hợp này). Đã xảy ra không ít trường hợp bản thảo tốt, đã xác nhận năm trước nhưng không kịp xuất bản, năm sau đăng ký lại vẫn bản thảo đó, tác giả đó thì cơ quan quản lý không xác nhận hoặc kèm theo các yêu cầu, các điều kiện, như vậy rất vô lý, cảm tính và tùy tiện.

+ Trường hợp một ấn phẩm in nhiều lần trong năm kế hoạch (thường gọi in nối bản), cần có quy định cụ thể. Thông thường Cục xuất bản khuyến khích in càng nhiều càng tốt (vì in nhiều lần, số bản in cao chứng tỏ chất lượng ấn phẩm tốt, được độc giả đón nhận).        Nếu tổng số in vẫn trong phạm vi số lượng đăng kí thì không có vấn đề gì, chỉ việc nộp bổ sung 01 bản cho lần in nối bản quy định ở điều 12, khoản 1, điểm d (hướng dẫn). Nhưng cũng chưa rõ nếu in nối bản nhiều lần thì có phải lần in nào cũng phải nộp không.

Trường hợp do nhu cầu thị trường, Nhà xuất bản cần in quá số lượng đăng ký thì thủ tục ra sao, cần hướng dẫn cụ thể. Nên giữ cách làm trước đây là Nhà xuất bản có công văn thông báo cụ thể cho Cục xuất bản số lượng in thực tế của ấn phẩm đã được xác nhận đăng ký xuất bản nhưng có nhu cầu in vượt số lượng đăng ký.

  - Điều 23, khoản 7, điểm g của Luật Xuất bản quy định về trách nhiệm của đối tác liên kết rất chung chung.

Đề nghị: Thông tư bổ sung các hướng dẫn cụ thể: đối tác liên kết chịu trách nhiệm như thế nào khi xảy ra vi phạm, tránh trường hợp đùn đẩy trách nhiệm giữa Nhà xuất bản và đối tác liên kết.

Ngoài những góp ý cho Dự thảo, có ý kiến cho rằng để công tác quản lý Nhà nước về xuất bản ngày càng tốt hơn, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của một ngành hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - tư tưởng, cần phải thêm một điều về Bổ nhiệm, miễn nhiệm, kỷ luật cán bộ quản lý Nhà nước về xuất bản - in - phát hành: Rất cần cán bộ đã đủ điều kiện theo tiêu chuẩn Tổng Giám đốc (Giám đốc), Tổng Biên tập của các Nhà xuất bản (quy hoạch, điều động cũng phải thực hiện đúng yêu cầu) và thêm một mục là hàng năm lấy phiếu tín nhiệm đối với lãnh đạo cơ quan quản lý Nhà nước về xuất bản do Giám đốc, Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập các Nhà xuất bản trực tiếp tham gia bỏ phiếu.

  Nhà xuất bản đã tổng hợp các ý kiến góp ý, gửi Cục Xuất bản In và Phát hành với mong muốn Thông tư và Luật Xuất bản có tác dụng thiết thực và ít gây phiền hà trong hoạt động xuất bản hiện nay.

    Nhà xuất bản Hà Nội
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)