Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ ba, 22/04/2014 08:24
Có một tờ báo xuất bản tại mặt trận Điện Biên Phủ
Trong Bảo tàng Quân đội lưu trữ một tờ báo đặc biệt được biên tập, in ấn và phát hành ngay tại mặt trận Điện Biên Phủ ghi rõ trên măng-sét Quân đội nhân dân - xuất bản tại mặt trận. Theo tôi biết, đây là một tờ báo độc đáo, duy nhất.

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2014), những người làm báo Việt Nam muốn tìm hiểu hoạt động báo chí trong chiến dịch lịch sử này. Lúc đó, các tờ báo, đặc biệt là Đài phát thanh thông tin rất nhanh tới nhân dân cả nước về chiến cuộc Đông Xuân (1953 - 1954) và chiến dịch lịch sử. Trong Bảo tàng Quân đội lưu trữ một tờ báo đặc biệt được biên tập, in ấn và phát hành ngay tại mặt trận Điện Biên Phủ ghi rõ trên măng-sét Quân đội nhân dân - xuất bản tại mặt trận.

Tôi biết đến tờ báo này trong một hoàn cảnh đặc biệt.

Khi được phân công tham gia góp ý vào lịch sử báo chí cách mạng và kháng chiến nước ta, tôi lân la tới các thư viện trung ương và các phòng truyền thống nhiều tờ báo, gặp gỡ một số nhà báo lão thành để tìm hiểu thì thấy lịch sử báo chí cách mạng và kháng chiến ở nước ta rất phong phú mà những gì ghi chép trong các sách đã xuất bản chỉ phản ánh được một phần rất nhỏ. Ngoài những tờ báo trung ương như chúng ta đã biết, nhiều tổ chức cách mạng địa phương cũng có báo. Quân khu, Đại đoàn nào cũng có báo. Có chiến khu thời kỳ hoạt động bí mật cũng có báo như tờ báo xuất bản ở chiến khu Ngọc Trạo - Thanh Hóa, mà nghe đồng chí cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh kể lại với tôi thì có lúc đồng chí là người phụ trách. Rồi báo tường... Nhà báo, học giả Quang Đạm kể lại mình bắt đầu sự nghiệp báo chí bằng bài báo tường ở cơ quan; đồng chí Trường Chinh xem báo phát hiện ra khả năng của anh và điều động về báo Sự Thật của Trung ương Đảng và anh bắt đầu sự nghiệp báo chí chuyên nghiệp từ đó.

Biết được tờ báo Quân đội nhân dân tiền phương đặc biệt tôi xin được tiếp cận tài liệu gốc. Đó không phải là việc dễ nhưng có loe thấy tôi công tác ở Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương cho nên các đồng chí cũng đáp ứng. Và tôi thấy không chỉ có một hai tờ mà một tập dày tới 33 tờ.

Tìm hiểu thì các đồng chí phụ trách chủ yếu tờ báo không còn, nhưng vẫn còn hai đồng chí phóng viên lúc đó là phóng viên trẻ nay cũng đã ngoài bảy chục; các nhà văn, nhà báo và cộng tác viên như Thép Mới, Nguyễn Đình Thi, Trần Dần, Trần Độ, Lê Quang Đạo... thì chỉ còn nhà báo Thái Duy cũng đã vào tuổi tám mươi, lúc đó là phóng viên báo Cứu Quốc biệt phái tại Mặt trận, người đã viết tường thuật Lễ duyệt binh ở Điện Biên Phủ trong số báo ra ngày toàn thắng. Với những người còn sống, từng trực tiếp làm việc trong tòa soạn, chúng ta có thể biết được một phần về tờ báo.

Nghe kể lại, lúc đó đồng chí Lê Liêm là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị kiêm nhiệm Tổng Biên tập báo Quân đội nhân dân được cử là Chủ nhiệm chính trị Mặt trận đã đề nghị và được Bộ Tổng Tư lệnh đồng ý, đã tổ chức tờ báo Quân đội nhân dân xuất bản tại Mặt trận song hành với tờ báo chính đặt trụ sở tại Định Hóa - Thái Nguyên. Thế là hình thành tờ báo Quân đội nhân dân tiền phương tại Điện Biên Phủ.

Các anh Trần Cư, Phạm Phú Bằng, Khắc Tiếp và họa sĩ Nguyễn Bích là lực lượng chủ công của tờ báo được cử đi làm báo tiền phương.

Tòa soạn tờ báo luôn đi sát Sở chỉ huy Mặt trận; số đầu phát hành ngày 28-12-1953 khi chỉ huy sở đầu tiên của Mặt trận ở hang Thẩm Púa - Tuần Giáo. Số Tết Giáp Ngọ, phát hành ngày 1-2-1954 phát hành ở Sở chỉ huy Mường Phăng, chuẩn bị đợt một chiến dịch. Số cuối cùng phát hành ngày 16-5-1954 mừng thọ Bác Hồ khi chiến dịch đã toàn thắng, báo ra sáu trang in hai mầu có thư khen của Bác Hồ, Trung ương Đảng và Bác Tôn Đức Thắng; có thông báo của Bộ Tổng Tư lệnh, có bài phân tích ý nghĩa chiến thắng của Đại tướng Tổng Tư lệnh, có bài tường thuật trận cuối cùng của Trần Cư và bài tường thuật Lễ duyệt binh mừng chiến thắng của nhà báo Thái Duy.

Tuy không xuất bản đều kỳ, lúc 3 - 4 ngày, lúc 2 - 3 ngày một số, có lúc xuất bản hằng ngày nhưng có đầy đủ xã luận, bình luận, tin tức, phóng sự, lại có cả tranh voe của họa sĩ Nguyễn Bích đúng cơ cấu nội dung một tờ báo khác với các bản tin của các chiến dịch mà tôi được biết.

Đọc nội dung 33 số báo thấy rất phong phú. Tuy là báo Mặt trận nhưng báo phản ánh toàn diện chiến cuộc Đông Xuân (1953 - 1954), đập tan kế hoạch Na-va, từ cuộc chiến Thượng Lào, Khu 5, Tây Nguyên, đồng bằng sông Hồng phối hợp với chiến trường chính. Báo đăng những kinh nghiệm cụ thể của các đơn vị từ cách đào hầm, săn máy bay đêm cho tới giữ gìn sức khỏe bộ đội, tìm cách tăng rau xanh trong các bữa ăn của chiến sĩ...

Đồng chí Hoàng Xuân Tùy, Trưởng ban Tuyên giáo Mặt trận được cử làm Tổng Biên tập, đồng chí Trần Cư, một phóng viên kỳ cựu, nguyên Thư ký tòa soạn báo Quân đội nhân dân được cử làm Thư ký tòa soạn tờ báo. Phạm Phú Bằng, Khắp Tiếp là phóng viên cùng các cộng tác viên là nhà văn, nhà báo có mặt ở Mặt trận viết bài cho tờ báo.

Nghe các anh kể lại, làm báo mặt trận thì phải rất nhanh và đặc biệt là phải rất chính xác. Anh em phải vượt qua bom đạn xuống đơn vị lấy tin, có bài viết xong, nhất là những bài viết về những tấm gương và kinh nghiệm chiến đấu phải mang bản thảo xuống đọc cho đơn vị và chiến sĩ nghe trước khi lên báo vì sai sót thì rất nguy hiểm.

Tờ báo Quân đội nhân dân xuất bản tại Mặt trận theo tôi biết là một tờ báo độc đáo, duy nhất. Tôi không có đủ thời giờ để tìm hiểu kỹ. Chỉ mong Hội Nhà báo, báo Quân đội nhân dân và các cơ quan đào tạo người làm báo nên nghiên cứu sâu hơn thành các chuyên đề bổ sung cho lịch sử báo chí Việt Nam.



(Theo nhandan.org.vn)
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)