Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ hai, 03/08/2009 09:58
Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội
THĂNG LONG THỜI LÝ (1009 - 1225)


 

Năm 1010, ngay sau khi lên ngôi, Lý Thái Tổ quyết định dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra thành Đại La (thuộc Hà Nội ngày nay), miền đất có thế “Rồng cuộn, hổ ngồi” (Chiếu dời đô). Theo sách Toàn thư, “Thuyền tạm đỗ dưới thành (Đại La), có Rồng vàng hiện ra trên thuyền ngự, do đó đổi tên là thành Thăng Long”.

Kinh đô Thăng Long (Rồng bay) được xây dựng thành hai khu riêng biệt: khu Hoàng Thành, nơi có các cung điện hoàng gia và nơi thiết triều, khu dân sự, nơi dân cư sinh sống thành phường nghề. Kinh thành được bao bọc bởi một tòa thành bằng đất phát triển từ đê của 3 con sông: sông Hồng ở phía Đông, sông Tô ở phía Bắc và phía tây, và sông Kim Ngưu ở phía Nam, là công trình xây dựng thành lũy lớn nhất trong các triều đại phong kiến Việt Nam.

Dấu ấn Thăng Long thời kỳ này còn được lưu lại ở nhiều công trình kiến trúc đặc sắc: đền Đồng Cổ (xây năm 1028), chùa Diên Hựu – Một Cột (1049), tháp Báo Thiên (1057),v.v…Vào giai đoạn thịnh đạt của nhà Lý, Kinh đô Thăng Long  đã thực sự trở thành một trung tâm chính trị - kinh tế, văn hóa lớn nhất và tiêu biểu cho cả nước. Kỷ nguyên văn minh Đại Việt trong lịch sử Việt Nam cũng được mở ra từ đây.

Chùa Báo Ân
Chùa Báo Ân. Ảnh: tư liệu
Chùa Một Cột
Chùa Một Cột. Ảnh: Vũ Hưng

THĂNG LONG THỜI TRẦN (1226 - 1400)

Thay thế nhà Lý, nhà Trần chấm dứt tình trạng loạn ly, thiết lập lại trật tự chính trị – xã hội. Thăng Long vẫn là Kinh đô của đất nước. Do kinh thành liên tiếp bị tàn phá bởi những cuộc chiến tranh giữa các phe phái phong kiến cuối thời Lý, đặc biệt là trong ba lần bị giặc Mông – Nguyên chiếm đóng (1258, 1285 và 1288), nhà Trần hầu như chỉ tận dụng những cơ sở đã được xây dựng từ trước rồi tu bổ, mở mang thêm: năm 1230 sửa chữa thành Đại La và các cung thất: năm 1243 đắp lại Cấm thành (sau đổi là Phụng Thành); năm 1253 tu sửa Quốc Tử Giám v.v…

Được quy hoạch lại thành 61 phường với số dân đông đúc hơn, tập trung trong khu vực dân sự, Thăng Long ngày càng rõ nét một thành thị với sự phát triển nhanh của phố, chợ, làng nghề thủ công. Nhiều khách buôn nước ngoài đã đến đây làm ăn, sinh sống: người Hoa, người Hồi Hột (Ouigour), người Chà Và (Java)… Nền văn minh Đại Việt tiếp tục phát triển.

Tượng đất nung đầu chim phượng thời Trần
Tượng đất nung đầu chim phượng thời Trần. Ảnh: tư liệu

THĂNG LONG THỜI LÊ (1428 - 1788)

Ngày 29/04/1428, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, khôi phục quốc hiệu Đại Việt, định đô ở Đông Đô và năm 1430, đổi tên là Đông Kinh (đến năm 1466 đổi là phủ Trung đô).

Dưới thời Lê (Hậu Lê), kinh thành Thăng Long cũ được mở rộng sang phía đông. Trong Cấm thành, một tòa thành hình chữ nhật xây gạch với cửa chính là Đoan Môn, nhà Lê xây dựng và bố trí lại nhiều cung điện, lầu gác mà thâm nghiêm nhất là điện Kính Thiên (năm 1467, xây thêm hai lan can bằng đá ở thềm điện). Ngoài Hoàng thành, nhiều kiến trúc mới cũng xuất hiện. Khu dân sự tiếp tục phát triển và được quy hoạch lại gồm hai huyện Quảng Đức và Vĩnh Xương, mỗi huyện có 18 phường. Đông Kinh lúc này đã có những phố chợ buôn bán tấp nập, nhiều phường thủ công nổi tiếng: Nghi Tàm, Thụy Chương dệt vải, Yên Thái làm giấy, Hàng Đào nhuộm điều, v.v…

Một cảnh trong lễ hội dựng lại truyền thuyết Hồ Gươm. Ảnh: tư liệu
Một cảnh trong lễ hội dựng lại truyền thuyết Hồ Gươm. Ảnh: tư liệu

Đất nước đã đạt tới đỉnh cao của một quốc gia phong kiến độc lập dưới triều vua Lê Thánh Tông (1460- 1497). Tuy nhiên, những mâu thuẫn trong nội bộ triều Lê Sơ, từ đầu thế kỷ XVI, đã dẫn tới sự phế truất vua Lê của tập đoàn phong kiến quân phiệt Mạc Đăng Dung (1527). Năm 1588, nhà Mạc huy động dân đắp 3 lần lũy đất để tăng cường hệ thống phòng thủ kinh thành. Nhưng chỉ 4 năm sau, dưới danh nghĩa phù Lê, họ Trịnh chiếm được kinh thành. Kinh đô chính thức trở lại tên gọi Thăng Long. Triều đình (bù nhìn) của vua Lê đóng trong Hoàng thành cũ. Phủ Chúa Trịnh, kẻ nắm thực quyền lúc đó, được xây bên ngoài, gồm nhiều cung điện nguy nga, chạy dài từ bờ tây Hồ Gươm ra tới đê sông Hồng. Tuy có những biến động chính trị, cho đến cuối thế kỷ XVIII, Thăng Long (thời bấy giờ còn quen gọi là Kinh Kỳ hay Kẻ Chợ) vẫn là một thành thị - thương cảng sầm uất nhất cả nước và vào loại lớn ở Châu Á. Bên cạnh các thương điếm của người Hoa, còn có cả thương điếm của người Anh, Hà Lan, Đức. Khu vực dân cư đông đúc hơn trước và có cả nhà hai tầng. Nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật, đặc biệt là về tôn giáo đã được xây dựng thêm.

*   *   *

Cuối năm 1788, Kinh đô và đất nước Đại Việt lại phải đương đầu với cuộc xâm lược của đế chế Mãn Thanh. Từ Phú Xuân (Huế), vua Quang Trung thống lĩnh đại quân Tây Sơn tiến ra Bắc, giải phóng Thăng Long. Kinh đô mới được đặt ở Phú Xuân và Thăng Long lúc này trở thành Bắc Thành (thủ phủ của Bắc Bộ). Tuy vậy, Hoàng thành và một số công trình nghệ thuật ở đây vẫn được tu sửa.

 

HÀ NỘI THỜI NGUYỄN VÀ PHÁP THUỘC (1802 – 1945)

 

Toàn cảnh Điện Kính Thiên
Toàn cảnh Điện Kính Thiên. Ảnh: tư liệu

Lợi dụng cơ hội vua Quang Trung qua đời (1792), tập đoàn phong kiến Nguyễn Ánh từ miền Nam đánh chiếm Phú Xuân (1801) rồi Thăng Long (1802). Kinh đô nhà Nguyễn vẫn đặt ở Phú Xuân và Thăng Long vẫn là Bắc Thành. Hoàng thành bị phá bỏ, thay vào đó là một tòa thành mới hình vuông, xây theo kiểu thành Vô – băng (Vauban) của Pháp. Năm 1831, Minh Mạng lập tỉnh Hà Nội với tỉnh lỵ là phủ Hoài Đức (thành Thăng Long cũ), do đó, Thăng Long cũng được gọi là Hà Nội. Quốc Tử Giám, cơ quan giáo dục cao nhất ở trong nước bị dời vào Huế.

Tuy không còn là trung tâm chính trị, nhưng Hà Nội lúc đó vẫn là trung tâm kinh tế - văn hóa lớn nhất của cả nước. De La Liraye, người Pháp, đã viết năm 1877: “Dù không còn là Kinh đô nữa, Kẻ Chợ (Hà Nội) vẫn là thành phố đứng đầu vương quốc về sự lịch duyệt và học vấn… Chính ở đó đã tụ tập từ các nơi về những văn nhân, thợ giỏi, nhà buôn lớn. Chính ở đó đã sản xuất các mặt hàng thiết yếu và các đồ mỹ nghệ xa hoa. Tóm lại, đó chính là trái tim của dân tộc…”.

Cuối thế kỷ XIX, trước những hành động xâm lược của thực dân Pháp, cùng với nhân dân cả nước, Hà Nội đã đứng lên kháng chiến. Dưới sự lãnh đạo của Tổng đốc Nguyễn Tri Phương và người kế nhiệm là Hoàng Diệu, nhân dân Hà Nội đã anh dũng chống trả các cuộc tấn công của quân Pháp. Nhưng triều đình nhà Nguyễn nhu nhược đã ký “Hiệp ước hòa bình” (Hiệp ước Harmand, 1883), công nhận quyền thống trị

của Pháp trên cả nước. Hà Nội trở thành đất “bảo hộ” thuộc Bắc kỳ, đặt dưới quyền cai trị của một viên Thống sứ người Pháp. 5 năm sau (07/1888), Tổng thống Pháp ra sắc lệnh lập Thành phố Hà Nội, gồm đất đai tỉnh lỵ Hà Nội, đứng đầu là một viên Đốc lý.

Chính sách khai thác thuộc địa trên quy mô lớn của thực dân Pháp đã làm diện mạo của Hà Nội từ đầu thế kỷ XX có nhiều thay đổi. Các cơ sở hạ tầng được hoàn thành, trước hết là mạng lưới giao thông đường bộ, đường sắt, cầu cống, trong đó có cầu Doumer qua sông Hồng. Thành cổ Hà Nội lại bị phá để xây các “khu nhà binh”, công sở. Điện Kính Thiên cũng bị phá hủy, thay vào đó là nhà con Rồng hai tầng dùng làm Sở chỉ huy pháo binh (1886). Đi đôi với việc hình thành các “khu phố Tây” (nằm trên các đường Đinh Tiên Hoàng, Ngô Quyền, Lý Thái Tổ, Tràng Tiền, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt… ngày nay), một số công trình khác mang phong cách châu Âu được xây dựng: Phủ Toàn quyền, Phủ Thống sứ, Ngân hàng quốc gia, Nhà hát lớn, Nhà thờ lớn, nhà Bưu điện, trường Viễn Đông Bác cổ, ga Hà Nội…

Mặc dù thực dân Pháp thi hành chính sách đàn áp, khủng bố tàn bạo, phong trào đấu tranh của nhân dân Hà Nội thời Pháp thuộc, đặc biệt là sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (02/1930), lúc âm ỉ, lúc rầm rộ, không bao giờ tắt… Ngày 19/08/1945, thực hiện lệnh khởi nghĩa của Ủy ban Quân sự Cách mạng Hà Nội, 20 vạn nhân dân nội, ngoại thành đã xuống đường giành chính quyền thắng lợi.

 

 Cổng thành phía tây Hà Nội xưa
 Cổng thành phía tây Hà Nội xưa. Ảnh: tư liệu

 

Phố Hàng Bạc thời kỳ Pháp xâm lược. Ảnh: tư liệu

 

Tổng đốc Thành Hà Nội - Nguyễn Tri Phương (1800 - 1873) Giáo sư họa sỹ Trần Văn Phú họa lại từ bức tranh của người pháp vẽ năm 1873
Tổng đốc Thành Hà Nội - Nguyễn Tri Phương (1800 - 1873) Giáo sư họa sỹ Trần Văn Phú họa lại  từ bức tranh của người pháp vẽ năm 1873. Ảnh: tư liệu

Ngày 20-11-1873, thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm thành Hà Nội.  Tổng đốc Nguyễn Tri Phương đã lãnh đạo quân dân Hà Nội chiến đấu rất dũng cảm chống quân xâm lược Pháp. Ông và con trai là Nguyễn Lâm đã hy sinh.

Nhân dân đã nổi dậy kháng chiến và phối hợp với quân cờ đen giết được Gác-ni-ê ở trận Cầu Giấy ngày 16-12-1874 Quân Pháp rút khỏi thành Hà Nội (Tranh do người Pháp họa lại cảnh quân Pháp rút khỏi thành Hà Nội)
Nhân dân đã nổi dậy kháng chiến và phối hợp với quân cờ đen giết được Gác-ni-ê ở trận Cầu Giấy ngày 16-12-1874
Quân Pháp rút khỏi thành Hà Nội (Tranh do người Pháp họa lại cảnh quân Pháp rút khỏi thành Hà Nội). Ảnh: tư liệu
Tổng đốc Hoàng Diệu
Tổng đốc Hoàng Diệu. Ảnh: tư liệu

Triều đình Huế chỉ lo cầu hòa đã nhường cho thực dân Pháp khu Đồn Thủy làm nhượng địa .Đầu tháng 3 năm 1882, Ri-vi-e gửi tối hậu thư cho Hoàng Diệu đòi ông phải đầu hàng. Hoàng Diệu cùng quân dân anh dũng chiến đấu bảo vệ thành, quân Pháp quá mạnh nên việc giữ thành không nổi  và Ông đã tuẫn tiết

Trận Cầu Giấy 19-5-1883 Ri-vi-e tử trận
Trận Cầu Giấy 19-5-1883 Ri-vi-e tử trận. Ảnh: tư liệu

Sáng ngày 19-5-1883, Ri-vi-e kéo quân theo đường Sơn Tây tiến về Phủ Hoài Đức. Một trận ác chiến giữa Quân dân ta với quân xâm lược Pháp đã diễn ra tại Cầu Giấy, Ri-vi-e tử trân và quân Pháp thất bại thảm hại.

Huy hiệu Thành phố Hà Nội thời thực dân Pháp chiếm đóng
Huy hiệu Thành phố Hà Nội thời thực dân Pháp chiếm đóng. Ảnh: tư liệu

 

Thực dân Pháp đã phá điện Kính Thiên
Thực dân Pháp đã phá điện Kính Thiên. Ảnh: tư liệu

 

ảnh: phố Clémenceau nay là phố Trần Nhật Duật
Phố Clémenceau nay là phố Trần Nhật Duật. Ảnh: tư liệu

 

Thực dân Pháp và đại biểu chính quyền bù nhìn tại Phủ Toàn quyền. Ảnh: tư liệu
Thực dân Pháp và đại biểu chính quyền bù nhìn tại Phủ Toàn quyền. Ảnh: tư liệu

 Theo Hà Nội 50 năm chiến đấu, xây dựng và phát triển, Nxb Thông tấn, HN, 2004

và 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Tập 1, Nxb Khoa học Xã hội, HN, 2008


Theo Thanglonghanoi.gov.vn

 
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)