Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ ba, 20/05/2014 05:11
Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến - giai đoạn II nghiệm thu Đề cương chi tiết đề tài “Tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Thần tích Hà Nội ”

 

Sáng ngày 15/5/2014, Ban Quản lý Dự án “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” giai đoạn II - Nhà xuất bản Hà Nội tổ chức họp nghiệm thu đề cương chi tiết đề tài “Tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Thần tích Hà Nội do PGS.TS. Nguyễn Thị Oanh chủ biên. Đây là đề tài thuộc mảng sách Tư liệu Tổng hợp nằm trong cơ cấu đề tài Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II.

 

Thành viên Hội đồng là các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử, tư liệu, thành viên Ban Quản lý Dự án, các biên tập viên Nhà xuất bản Hà Nội dưới sự chủ trì của PGS.TS. Nguyễn Công Việt - Chủ tịch hội đồng nghiệm thu. 

PGS.TS. Nguyễn Công Việt - Chủ tịch hội đồng nghiệm thu.Ảnh: Đ.Tùng.
 
Thần tích hay còn gọi là thần phả, ngọc phả, phả lục… là loại hình văn bản ghi chép sự tích các thần được thờ ở đình, đền, miếu. Trước khi chữ quốc ngữ ra đời, thần tích được viết bằng chữ Hán, chữ Nôm, sang thời kỳ thực dân trong các bản kê khai thần tích ở các làng xã, bên cạnh thần tích, thần phả viết bằng chữ Hán, chữ Nôm còn có cả những bản tóm tắt thần tích viết bằng chữ quốc ngữ. Theo thống kê ở Hà Nội còn lưu giữ được một số lượng lớn các thần tích với nội dung khá phong phú và đa dạng. Sự tích của các thần ở mỗi địa phương tuy được ghi chép khác nhau nhưng các vị đều là những vị có công với dân với nước, khi mất đi được dân làng thờ cúng, được nhà nước ban cấp sắc phong và lưu truyền từ đời này sang đời khác. Sự tích các thần gắn với việc thờ cúng tuy mang màu sắc tôn giáo nhưng lại được gắn với ý thức tôn vinh kỳ tích của cha ông trong quá khứ. Các vị thần còn được miêu tả như những lực lượng viện trợ cho các thế hệ đời sau trong lúc nguy biến bằng con đường âm phù. Thăng Long là nơi còn lưu giữ được hàng trăm thần tích và các ngôi đình, đền vẫn bền bỉ song hành tồn tại với cuộc sống hiện đại. Vì thế nghiên cứu, giới thiệu, dịch thuật thần tích mang một ý nghĩa đặc biệt, không chỉ cung cấp tư liệu để nghiên cứu về các lĩnh vực lịch sử, văn học, tôn giáo, dân tộc… mà còn giúp giáo dục tình yêu quê hương đất nước cho các thế hệ trẻ và để chúng ta hiểu thêm về mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến, “linh thiêng và hào hoa”.
 
PGS.TS. Nguyễn Thị Oanh trình bày nội dung đề tài. Ảnh: Đ.Tùng.
 
Đề tài “Tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tuyển tập Thần tích” nằm trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn I do PGS.TS. Nguyễn Tá Nhí và PGS.TS. Nguyễn Văn Thịnh chủ trì là một công trình lớn, đồ sộ được giới khoa học, chuyên gia đánh giá cao, đã được xuất bản năm 2010 đúng dịp đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội. Tuy nhiên, cuốn tư liệu này chủ yếu tuyển chọn thần tích thuộc vùng Hà Nội mở rộng (tỉnh Hà Tây cũ) mà chưa nghiên cứu, giới thiệu và tuyển dịch các thần tích gắn với lịch sử phát triển của Thăng Long – Hà Nội xưa. Do vậy, trong cơ cấu đề tài của mảng sách tư liệu thuộc Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II, đề tài “Tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Thần tích Hà Nội” (nghiên cứu, giới thiệu, tuyển chọn) do PGS.TS. Nguyễn Thị Oanh chủ trì với mục đích thực hiện một công trình chuyên về nghiên cứu văn bản và dịch, chú làm nổi bật đặc điểm, trữ lượng và giá trị các bản thần tích của Thăng Long – Hà Nội theo địa giới hành chính cũ bao gồm 4 quận nội thành (huyện Hoàn Long xưa) và 4 huyện Thanh Trì, Từ liêm, Đông Anh, Gia Lâm với tổng số 143 làng xã hiện còn thần tích được lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, bổ sung thêm một số thần tích hiện lưu trữ tại Viện Thông tin Khoa học xã hội và một số thần tích lưu trữ tại các địa phương (không có trong lưu trữ tại các thư viện Hà Nội)
 
Nhận xét đề cương chi tiết đề tài, Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao đề tài và khẳng định, nhóm biên soạn sưu tầm, khai thác, biên dịch cung cấp cho người đọc, giới nghiên cứu, giảng dạy và học tập một khối tư liệu gốc có giá trị cao về thần tích Thăng Long – Hà Nội với các mặt lịch sử, văn hóa, sự kiện và nhân vật lịch sử. Tuy nhiên, theo ý kiến thống nhất của Hội đồng về nội dung, bố cục của đề tài chủ biên tiếp thu và chỉnh sửa hoàn chỉnh chi tiết để đề tài sớm được biên soạn theo đúng tiến độ đã đề ra.
 
Hội đồng nghiệm thu thao luận tại buổi họp. Ảnh: Đ. Tùng.
 
Về bố cục đề tài, với bản đề cương hiện tại bố cục gồm 2 phần: Phần I. Nghiên cứu với 3 chương nội dung: Tổng quan nghiên cứu về tình hình nghiên cứu, dịch thuật, xuất bản thần tích Thăng Long – Hà Nội; Đặc điểm của thần tích Thăng Long – Hà Nội; Giá trị của thần tích Thăng Long – Hà Nội; Phần II: Phụ lục. Hội đồng cho rằng, đây là tuyển tập tư liệu văn hiến nên tuyển tập các thần tích là nội dung chính của công trình, phần nghiên cứu chỉ có tính chất giới thiệu tổng quan, do đó đặt các thần tích ở phần II, phụ lục là không hợp lý. Phần nghiên cứu cũng không nhất thiết phải đi sâu vào khảo sát ngôn ngữ, địa danh… mà chỉ cần một bài tổng quan tình hình nghiên cứu và tuyển tư liệu. Hội đồng đề nghị chủ biên cần xác định bố cục với 2 phần chính phần I. Nghiên cứu tổng quan; phần II. Phần tư liệu: Giới thiệu, trích văn bản thần tích, dịch thuật, chú giải để thấy được những đóng góp và giá trị nghiên cứu trong công trình này. Ngoài ra, phần không thể thiếu là Phụ lục và nhất thiết phải có Index rõ ràng để người đọc dễ tra cứu.
 
Về nội dung đề tài, hầu hết các ý kiến đều góp ý xoay quanh nội dung giới thiệu, tuyển dịch, chú giải toàn bộ thần tích theo phạm vi nghiên cứu mà tác giả đã lựa chọn. Theo PGS.TS. Phạm Xuân Hằng nhóm nghiên cứu cần tập trung tuyển dịch với khối lượng tất cả các thần tích của 4 quận nội thành và 4 huyện ngoại thành Hà Nội để bạn đọc dễ dàng tiếp cận nghiên cứu. Hơn nữa, đề tài thuộc mảng sách tư liệu tổng hợp do vậy với mục đích và tiêu chí của mảng sách thì phần dịch thuật, giới thiệu văn bản là rất quan trọng, đây là nội dung chính cần triển khai, nếu làm tốt đề tài sẽ là tài liệu rất hữu dụng, có giá trị cao để phục vụ đông đảo người khai thác nghiên cứu khi họ không tiếp cận được bản gốc.
 
TS. Nguyễn Hữu Mùi - Ủy viên phát biểu ý kiến đóng góp cho đề tài. Ảnh: Đ.Tùng.
 
Ngoài ra, theo TS. Nguyễn Hữu Mùi đề tài tiếp tục cung cấp cho độc giả và giới nghiên cứu hiểu sâu hơn về di sản văn hóa của người Hà Nội, đặc biệt là tín ngưỡng thờ cúng Thành hoàng của người dân Thủ đô ở 4 quận nội thành cũng như 4 huyện ngoại thành Hà Nội đã được lựa chọn. Cũng theo TS. Nguyễn Hữu Mùi, nội dung chương 3. Giá trị của thần tích Thăng Long – Hà Nội cần phải sắp xếp lại các tiểu mục cho phù hợp với giá trị tư liệu mà thần tích mang lại và nhất trí với ý kiến của Hội đồng về bố cục và hướng triển khai của đề tài.
 
Về tên đề tài, Hội đồng thống nhất theo đề xuất tạm thời sẽ lấy tên là “Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập Thần tích (Phần tiếp theo)” để có sự tiếp nối phù hợp với công trình đã xuất bản trong Giai đoạn I. Bên cạnh đó, Hội đồng cũng yêu cầu chủ biên cần thống kê số lượng văn bản dự kiến tuyển dịch, chú giải; làm rõ vấn đề thần tích quan phương hay phi quan phương…
 
Tổng Giám đốc – Tổng Biên tập Nhà xuất bản Hà Nội – Trưởng ban Quản lý dự án Nhà báo Nguyễn Kim Sơn
đánh giá cao giá trị thực tiễn và ý nghĩa của đề tài. Ảnh: Đ.Tùng.
 
Tổng Giám đốc – Tổng Biên tập Nhà xuất bản Hà Nội – Trưởng ban Quản lý dự án Nhà báo Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao giá trị thực tiễn và ý nghĩa của đề tài, với những góp ý của Hội đồng, nhóm biên soạn nên nghiên cứu để hoàn thiện đề cương chi tiết đề tài. Với kinh nghiệm và trách nhiệm của một nhà khoa học, tác giả là người tâm huyết đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, dịch thuật, chú giải để có thể biên soạn một bộ tư liệu thần tích có giá trị của Thăng Long – Hà Nội. Có thể nói đây là cái duyên giữa chủ biên và Nhà xuất bản Hà Nội, bởi trong giai đoạn I Nhà xuất bản Hà Nội đã xuất bản cuốn “Tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tuyển tập Thần tích” nhưng do điều kiện thời gian và kinh phí nên cuốn sách chủ yếu giới thiệu được thần tích ở tỉnh Hà Tây cũ,  khi Dự án giai đoạn II được phê duyệt mới có điều kiện để thực hiện đề tài này, giới thiệu thần tích của Thăng Long – Hà Nội theo địa giới hành chính cũ bao gồm 4 quận nội thành (huyện Hoàn Long xưa) và 4 huyện Thanh Trì, Từ liêm, Đông Anh, Gia Lâm.
 
Hội đồng đánh giá đây là một đề tài hay, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao dưới sự chủ trì của PGS.TS. Nguyễn Thị Oanh là một chuyên gia tâm huyết, trách nhiệm, đề tài sẽ góp phần quan trọng đối với nhận thức của giới nghiên cứu khi tìm hiểu, nghiên cứu, phát huy và bảo tồn giá trị lịch sử - văn hóa của vùng đất Thủ đô ngàn năm văn hiến. Đề tài có nhiều ý nghĩa về các phương diện văn hóa, tín ngưỡng, học thuật, đặc biệt cần thiết đối với công tác bảo tồn, phục dựng di tích và tổ chức lễ hội truyền thống của Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn hiện nay.Hội đồng nhất trí thông qua đề cương chi tiết đề tài và đề nghị Nhà xuất bản Hà Nội - Chủ đầu tư tạo điều kiện để nhóm biên soạn triển khai đề tài theo yêu cầu của Tủ sách.
 
 
 Phạm Minh
 
Nhà xuất bản Hà Nội

 

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)