Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ sáu, 23/05/2014 10:02
Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến - giai đoạn II nghiệm thu Đề cương chi tiết đề tài “Biên niên sử phong trào thơ Mới Hà Nội (1932-1945)”

Sáng ngày 22/5/2014, Ban Quản lý Dự án “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” giai đoạn II - Nhà xuất bản Hà Nội tổ chức họp nghiệm thu Đề cương chi tiết đề tài “Biên niên sử phong trào thơ Mới Hà Nội (1932-1945) do PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn chủ nhiệm đề tài. Đây là đề tài thuộc mảng sách Văn học nghệ thuật nằm trong cơ cấu đề tài Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II.

 

Chủ tịch hội đồng nghiệm thu PGS.TS. Phạm Quang Long. Ảnh: V.Chiến.
 
Thành viên Hội đồng là các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu văn học, văn hóa, thành viên Ban Quản lý Dự án, các biên tập viên Nhà xuất bản Hà Nội dưới sự chủ trì của Chủ tịch hội đồng nghiệm thu PGS.TS. Phạm Quang Long.

Sự xuất hiện của phong trào thơ Mới (1932-1945) đã thực sự tạo nên một cuộc cách mạng trong lĩnh vực thơ ca, đóng góp một vai trò quan trọng trong quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Vị trí và giá trị của thơ Mới trong lịch sử văn học Việt Nam thế kỷ XX đã được khẳng định và công nhận. Nghiên cứu, tìm hiểu về phong trào thơ Mới – một trào lưu thơ ca quan trọng trong tiến trình thơ ca Việt Nam hiện đại đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu, phê bình. Cho đến nay, đã có nhiều công trình, bài viết nghiên cứu, đánh giá về phong trào thơ Mới (1932-1945). Tuy nhiên, để xây dựng được một bộ biên niên sử về phong trào thơ Mới thì chưa có công trình nghiên cứu nào. Vì thế, trong cơ cấu đề tài của mảng sách Văn học nghệ thuật của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II, Nhà xuất bản Hà Nội chủ trương biên soạn cuốn Biên niên sử phong trào thơ Mới Hà Nội (1932-1945), đây là một việc làm cần thiết. Đề tài này sẽ là một bộ tài liệu công cụ, tư liệu có giá trị cho các nhà nghiên cứu và đông đảo bạn đọc quan tâm nghiên cứu lĩnh vực này.
 
PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn chủ nhiệm đề tài trình bầy nội dung đề cương chi tiết. Ảnh: V.Chiến.

Nhận xét đề cương chi tiết đề tài, Hội đồng nghiệm thu đánh giá đề tài có ý nghĩa khoa học, thực tiễn cung cấp tư liệu nghiên cứu cần thiết cho những người nghiên cứu, phê bình, giảng dạy về thơ Mới nói riêng và lịch sử văn học Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, qua phản biện, đánh giá của Hội đồng thống nhất đề nghị chủ biên tiếp thu và chỉnh sửa hoàn chỉnh đề cương chi tiết đề tài cụ thể từ tên đề tài đến nội dung, bố cục, hướng nghiên cứu trước khi tiến hành biên soạn.

Về bố cục đề tài, bản đề cương xây dựng chi tiết và hợp lý. Tuy nhiên theo ý kiến của Hội đồng chủ biên cần bổ sung phần Index chú giải rõ từng nội dung, sự kiện nghiên cứu theo thứ tự niên đại, căn cứ từng năm xuất hiện của các tác giả chủ chốt và các tác phẩm xuất sắc làm nên gương mặt của phong trào thơ Mới được lựa chọn trong công trình, phụ lục cuối sách bổ sung thêm thông tin để làm nổi bật và khẳng định giá trị nghiên cứu của đề tài và đồng thời giúp độc giả tiếp cận tài liệu thuận lợi khi tra cứu, tìm hiểu. Hội đồng cũng có góp ý cụ thể để tác giả tiếp thu sắp xếp bố cục chặt chẽ và thuyết phục hơn. Theo PGS.TS. Hà Văn Đức việc sắp xếp các mục tư liệu theo thời gian là hợp lý, tuy nhiên không cần thiết phải trình bày niên biểu sự kiện mỗi năm tương đương với 1 chương (gồm 14 chương) sẽ là không cân đối về nội dung.
 
PGS.TS. Nguyễn Bá Thành - Ủy viên góp ý xây dựng đề tài. Ảnh: V.Chiến.

PGS.TS. Nguyễn Bá Thành nhận xét, cấu trúc công trình hình thành trên cơ sở thời gian xuất hiện, vận động của phong trào thơ mới, mốc thời gian tính từ tháng 2/1932 với bài “Lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ” của Phan Khôi là phù hợp, tuy nhiên bài cuối “Những xu hướng văn học Việt Nam trong năm qua” của Kiều Thanh Quế xuất hiện vào tháng 2/1945 cần xem xét lại vì theo ông để trình bày cho các sự kiện về thơ Mới diễn tiến như một phong trào cần phải có mở đầu, vận động phát triển đỉnh cao và thoái trào, kết thúc. Do vậy bài của Kiều Thanh Quế được coi là sự kiện kết thúc là chưa thuyết phục. Hơn nữa, trong đề cương chưa thấy ghi chép sự kiện xuất bản Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh – Hoài Chân. Vì thế, tác giả cần xem xét và cân nhắc để hoàn thiện cấu trúc đề cương cho phù hợp hơn.

Về nội dung đề tài, theo thuyết minh đề cương là khá phong phú và sinh động, gắn với các sự kiện xuất bản và giới thiệu các tác phẩm thơ của phong trào thơ lãng mạn 1932-1945, các tập thơ Mới trong 14 năm được tập hợp và sắp xếp theo thứ tự thời gian là tự nhiên, tuân thủ thời gian tuyến tính của sự kiện. Tuy nhiên, Hội đồng cho rằng chủ biên cần xác định rõ tiêu chí lựa chọn nghiên cứu các sự kiện được sắp xếp với bố cục vừa tuân thủ thời gian, có chú giải theo lối thuyết minh ý nghĩa các sự kiện để độc giả dễ dàng hình dung giai đoạn phong trào thơ Mới 1932-1945 với tính chất một phong trào, có quá trình hình thành, vận động với những thành tựu đáng ghi nhận và giai đoạn thoái trào như thế nào.
 
PGS.TS. Hà Văn Đức - Ủy viên nhận xét đề cương chi tiết đề tài. Ảnh: V.Chiến.

Biên niên sử là một công trình cần thiết trong tra cứu, do đó theo Nhà thơ Bằng Việt trong phần Phụ lục nếu thực hiện được cần có thêm phần về tiểu sử tất cả các tác giả phong trào thơ mới, cũng như tiểu sử các tác giả có bài viết mà hiện nay còn ít người biết và nhớ tới như Nguyễn Huy Quý, Phạm Mạnh Phan, Vũ Văn Lợi, Vũ Bội Liêu, Minh Tuyền…

Nhận xét về nội dung phụ lục, PGS.TS. Nguyễn Bá Thành cho rằng phần phụ lục nói về việc thành lập nhóm Dạ Đài là một ý tưởng hay, toát lên tính phong trào của thơ Mới đã trải qua một đoạn đường mà từ đó phải xuất hiện những phong trào khác, trường phái khác.

Ngoài ra, theo Nhà thơ Bằng Việt tập “Mùa cổ điển” của Quách Tấn và tuyển tập “Xuân thu mã tập” của nhiều tác giả cần phải được sắp xếp có phân biệt riêng, hoặc có lời dẫn của soạn giả để độc giả hình dung sự cắt khúc, thậm chí khúc xạ ra khỏi tiến trình chung của thơ Mới.

Về tên đề tài, Hội đồng cho rằng chữ Hà Nội nằm trong tên đề tài sẽ làm hạn chế nghiên cứu và không đảm bảo tính khoa học của công trình, không nhất thiết đề tài nào trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến cũng phải có thêm tên địa danh Hà Nội đưa vào. Do vậy Hội đồng thống tên đề tài “Biên niên sử phong tào thơ Mới (1932-1945)”.

Tổng Giám đốc – Tổng Biên tập Nhà xuất bản Hà Nội – Trưởng ban Quản lý dự án Nhà báo Nguyễn Kim Sơn
đánh giá cao giá trị thực tiễn và ý nghĩa của đề tài. Ảnh: V.Chiến.
 
Tổng Giám đốc – Tổng Biên tập Nhà xuất bản Hà Nội – Trưởng ban Quản lý dự án Nhà báo Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao giá trị thực tiễn và ý nghĩa của đề tài, với những góp ý của Hội đồng, nhóm biên soạn tiếp thu để hoàn thiện đề cương chi tiết đề tài. Trong giai đoạn I Tủ sách Nhà xuất bản đã ấn hành Tuyển thơ Thăng Long – Hà Nội mười thế kỷ gồm 2 tập do Bằng Việt và Nguyễn Huệ Chi đồng chủ trì biên soạn được độc giả đón nhận và đánh giá cao. Trong cơ cấu đề tài mảng sách Văn học nghệ thuật Dự án Tủ sách giai đoạn II, Nhà xuất bản rất tâm đắc với đề tài này do vậy trong bài tổng quan nghiên cứu tác giả có thể nói rõ lý do lựa chọn phạm vi nghiên cứu đề tài khẳng định một giai đoạn quan trọng, bước ngoặt của thơ ca Việt Nam trong giai đoạn 1932-1945 và cần thiết phải có phần Index. Với kinh nghiệm và trách nhiệm của một nhà khoa học, chủ biên là người tâm huyết đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, khai thác, sử dụng những kết quả nghiên cứu trong nhiều năm của mình và nhóm biên soạn để có thể biên soạn một bộ Biên niên sử phong trào thơ Mới của Thăng Long – Hà Nội đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi kho tàng tư liệu văn hiến Thăng Long.

Nhóm tác giả tiếp thu ý kiến đóng góp của Hội đồng, đề cương chi tiết đề tài sẽ hoàn chỉnh, cố gắng tối đa để sớm xây dựng được một bộ biên niên sử phong trào thơ Mới theo sự kỳ vọng và tin tưởng của Hội đồng và Nhà xuất bản Hà Nội, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu của đông đảo giới nghiên cứu và bạn đọc.

Chủ tịch Hội đồng PGS.TS. Phạm Quang Long khẳng định với kinh nghiệm, tâm huyết và trách nhiệm của chủ biên Hội đồng tin tưởng và đánh giá đề tài thực hiện khả thi. Hội đồng đã thống nhất lựa chọn tên đề tài, chủ biên tiếp thu góp ý về bố cục, nội dung đề tài, đề nghị Ban Quản lý Dự án, Nhà xuất bản Hà Nội đầu tư kinh phí hợp lý để chủ biên và nhóm biên soạn yên tâm hoàn thiện công trình có chất lượng cao.

Hội đồng đánh giá đây là một đề tài hay, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao dưới sự chủ trì của PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn là một chuyên gia tâm huyết, trách nhiệm, đề tài sẽ góp phần quan trọng đối với nhận thức của giới nghiên cứu khi tìm hiểu, nghiên cứu, phát huy và bảo tồn giá trị tinh thần của vùng đất Thủ đô ngàn năm văn hiến, khẳng định một giai đoạn phát triển của nền thơ ca Việt Nam trong tiến trình lịch sử của văn học Việt Nam thế kỷ XX. Hội đồng nhất trí thông qua đề cương chi tiết đề tài và đề nghị Nhà xuất bản Hà Nội - Chủ đầu tư tạo điều kiện để nhóm biên soạn triển khai đề tài theo yêu cầu của Tủ sách.


Minh Phạm

Nhà xuất bản Hà Nội

 

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)