Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý: Ấn tượng Trường Sa
Tôi gặp Đại tá – Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý (hiện đang công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội) vào cuối giờ chiều của một ngày nắng oi ả đầu mùa hạ, cũng là những ngày nơi biển đảo Tổ quốc đang “bão tố”. Rót cho tôi ly nước lọc, ân cần để xuống bàn, bật chiếc quạt điện hết công suất, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý nhìn tôi vui vẻ nói: “Sao cậu biết tôi đã từng ra Trường Sa?

Đại tá - Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý cùng cuốn trường ca “Hạ thủy những giấc mơ”
Đúng là không có gì qua mắt được cánh nhà báo, phóng viên”. Sau sự đón tiếp nhiệt thành ấy, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý bắt đầu lần giở ký ức, kể tôi nghe về chuyến công tác đến huyện đảo Trường Sa 14 năm về trước.
Năm 2000, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý được tiến cử ra huyện đảo Trường Sa công tác và làm việc 14 ngày. Vị Đại tá – Nhà thơ quân đội cho biết, những hình ảnh của quân và dân Trường Sa chưa bao giờ mất đi hoặc mờ nhạt trong tâm trí, nó đủ đầy để khơi dậy, thắp sáng niềm tin yêu của nhà thơ.
Nguyễn Hữu Quý nhận định: “Phải công nhận một điều rằng, những người lính và người dân đang sinh sống và công tác ở Trường Sa hết sức can trường. Tôi đã ở đó 14 ngày, thật sự là thời tiết, thiên nhiên rất khắc nghiệt. Bên cạnh đó nhiều chiến sĩ cũng xa quê hương, xa gia đình. Nhưng, tất cả họ luôn luôn xác định tốt nhiệm vụ là một người lính, sẵn sàng vượt qua khó khăn nơi đầu sóng ngọn gió để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”.
Theo những quan sát, trải nghiệm trong chuyến công tác của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, trong quá trình xây dựng cuộc sống, ở Trường Sa vẫn tỏa sáng và gìn giữ, phát huy được những nét truyền thống của văn hóa Việt. Nhà thơ bảo rằng, những ngôi trường, mái chùa… được hình thành ở Trường Sa chứng minh cho điều đó.
Văn hóa Việt đã, đang và sẽ bén rễ, tỏa hương sắc ở Trường Sa. Cũng vì vậy, giờ đây ở Trường Sa, quân và dân đã cảm nhận được một cuộc sống như ở đất liền, không còn xa xôi đất liền - biển đảo.
Nhưng điều để lại ấn tượng đẹp nhất, sâu sắc nhất đối với nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, cái nét đẹp văn hóa của người Việt được thể hiện rõ nhất ở Trường Sa, đó là tình thương yêu, tình quân dân. Lúc bình thường cũng như khi khó khăn, mọi người luôn đùm bọc lẫn nhau.
Quân và dân ở Trường Sa như “cá với nước” không tách rời. Họ luôn san ngọt sẻ bùi, tựa vào nhau để tạo nên sức mạnh vượt qua bao gian nan, thử thách.
Những người lính đảo ở Trường Sa luôn luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt và hết lòng của người dân nơi đất liền. Trong nhiều năm qua, liên tục có các đoàn ra thăm đảo. Bên cạnh đó là các việc làm thiết thực của đất liền gửi đến Trường Sa. Đó có thể là một chương trình giàu tính nhân văn như “Góp đá xây dựng Trường Sa”, những lá thư, tác phẩm văn học nghệ thuật viết về quân và dân ở Trường Sa.
Bằng sự trải nghiệm thực tế với Trường Sa, dù 14 năm đã qua nhưng nhà thơ Nguyễn Hữu Quý khẳng định rằng, những đảo nổi, đảo chìm ở Trường Sa sẽ được giữ vững dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Trong tâm trí của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý còn vọng vang câu nói đanh thép của quân và dân nơi đảo xa ấy “Còn người là còn đảo, còn dân là còn đảo”.
Vì lẽ đó, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý luôn đầy ắp niềm tin, luôn tự hào về một cuộc sống của người chiến sĩ, nhân dân nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc.
“Nếu như ai đó đã ra Trường Sa một lần có lẽ sẽ nhớ Trường Sa suốt đời” – nhà thơ Nguyễn Hữu Quý tâm sự. Ông cũng nhấn mạnh, Trường Sa rất đỗi ấn tượng và sự ấn tượng ấy đã khiến cho tâm hồn ông “cựa quậy”, từ đó có những tác phẩm văn học viết về Trường Sa thân yêu, tuy xa nhưng rất gần.
Điều đó được chứng minh khi năm 2002, sau 2 năm nhà thơ Nguyễn Hữu Quý ra thăm Trường Sa, ông đã có tập thơ “Làng đảo” (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân) gồm nhiều bài thơ viết về cuộc sống của quân và dân ở biển đảo.
Bên cạnh đó, Nguyễn Hữu Quý còn có nhiều bài ghi chép, bút ký về Trường Sa đăng trên các tờ báo lớn trong nước. Cho đến năm 2013, Nguyễn Hữu Quý cho ra đời tập trường ca “Hạ thủy những giấc mơ” (Nhà xuất bản Lao động ấn hành). Trong đó, nhà thơ dành hẳn một chương để nói về Trường Sa với những cảm xúc, tình yêu tha thiết.
Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý đưa đôi mắt nhìn qua ô cửa sổ nơi tôi và ông trò chuyện, đọc đôi câu thơ trong bài “Làng đảo”: “Trập trùng sóng, trập trùng mây/Giữa bao la biển, ô hay, làng mình! Cũng vàng hoa mướp rung rinh/Cũng tươi hoa muống trắng tinh cạnh nhà/Mồng tơi ra với Trường Sa/Lá xanh quấn quýt như là đợi em…”.
Cuối cùng, nhà thơ tiễn tôi ra về bằng đôi câu thơ của “Đá bóng ở Trường Sa”, được viết ở Trường Sa Đông ngày 20/4/2000: “…Nắng tắt rồi, quả bóng đã nằm yên/Kẻ thắng người thua chia nhau ca nước ngọt/Trăng vành vạnh bay lên trước ngực/Một trái rằm từ góc bể gửi về em…”.
Hoa Quỳnh
(Theo thoibaonganhang.vn)