Hội thảo “Từ sách tới độc giả - làm thế nào để tiếp thị sách thành công?”
Hội thảo “Từ sách tới độc giả - làm thế nào để tiếp thị sách thành công?” là một hoạt động trong Chương trình “Những ngày văn học châu Âu lần thứ tư” diễn ra tại Hà Nội từ ngày 22 tới 25/5. Chương trình được tổ chức bởi Hiệp hội các Viện văn hóa và các Đại sứ quán châu Âu (EUNIC). Trong suốt bốn ngày diễn ra, chương trình giới thiệu nhiều tác phẩm mới dịch sang tiếng Việt của nền văn học các nước Đức, Pháp, Italy, Thụy Điển, Anh, Áo, Đan Mạch và Hà Lan. Hàng loạt đầu sách mới, chương trình giới thiệu và giảm giá sách, chiếu phim, cùng với những cuộc giao lưu, trao đổi với nhiều tác giả đến từ châu Âu. “Những ngày văn học châu Âu” đã trở thành sự kiện thường niên sau bốn lần được tổ chức tại Việt Nam, với quy mô hoạt động và số nước thành viên ngày càng lớn.
Tiến sĩ Christoph Links, người sáng lập ra Nhà xuất bản Ch. Links Verlag – một nhà xuất bản tư nhân mới thành lập sau khi nước Đức thống nhất, sau 25 năm hoạt động và phát triển đã khẳng định được thương hiệu của mình trên thị trường Đức. TS. Links là người có nhiều năm hoạt động cho Hội chợ sách Frankfurt – một trong những hội chợ sách lớn nhất và uy tín nhất thế giới. Trong Hội thảo “Từ sách tới độc giả - làm thế nào để tiếp thị sách thành công?” TS. Links đã giới thiệu về hoạt động xuất bản ở Đức, chia sẻ với giới xuất bản Việt Nam về các "chiêu" nhằm giúp cuốn sách đến được với độc giả một cách có hiệu quả và nhằm giúp sách bán chạy.
Bí quyết tuyệt chiêu tiếp thị sách thành công
TS. Links giới thiệu cách thức trong chiến lược quảng bá, tiếp thị sách tới độc giả của Nhà xuất bản Ch. Links Verlag qua nghiên cứu thị trường, tìm hiểu nhu cầu thị hiếu của độc giả, nảy sinh ý tưởng về chủ đề sách, xác định đối tượng thụ hưởng để thực hiện từng khâu: tổ chức bản thảo, thiết kế, trình bày, biên tập, in ấn và phát hành. Tại Đức, sách đến tay độc giả qua kênh phân phối là Trung tâm điều phối – đơn vị độc lập, đối tác phân phối cho nhiều nhà xuất bản. Đây là những công ty phát hành tư nhân điều phối tới từng hiệu sách và tới tận tay độc giả trên cả nước. Vì thế, công tác tiếp thị “marketing” sách rất quan trọng. Trong những cách thức tiếp thị sách mà TS. Links chia sẻ như việc in các catalogue giới thiệu sách của Nhà xuất bản. Mỗi năm Nhà xuất bản của ông ra 2 cuốn catalogue, 3 tháng trước khi sách xuất bản là thực hiện chiến lược quảng cáo, cử đại diện Nhà xuất bản đến tất cả các nhà sách trên cả nước để giới thiệu, nhận đặt sách trực tiếp từ nhà sách, tổ chức các buổi bình luận sách, mời tác giả giao lưu với độc giả, tặng sách… và nhiều hình thức khác, cũng có không ít phương án mà các nhà làm sách Việt vẫn thường sử dụng như in ấn poster khổ lớn dán tại các nhà sách, mua quảng cáo trên báo chí, truyền hình, tổ chức các sự kiện sách như giao lưu độc giả…

Mỗi năm Nhà xuất bảnCh. Links Verlag in 2 cuốn catalogue quảng bá sách.
Tại Hội thảo, đại diện cơ quan quản lý xuất bản – Cục Xuất bản, in và phát hành bà Hoàng Thị Thu Thủy trình bày tham luận về tình hình xuất bản, in và phát hành Việt Nam năm 2013 và những cơ chế chính sách của nhà nước đối với ngành xuất bản. Đại diện các nhà xuất bản, nhà sách, công ty truyền thông phát hành sách (Nhà xuất bản Kim Đồng, Nhà xuất bản Phụ nữ, Nhà xuất bản Hà Nội, Nhà xuất bản Đại học Bách Khoa, Công ty AlphaBooks…) chia sẻ những ý tưởng chung cho các chiến lược tiếp thị liên quan tới thị trường sách và độc giả Việt Nam, xu hướng và thị trường sách Việt Nam trong những năm gần đây. Đây là những kinh nghiệm trong làm sách, phân phối, phát hành, bản quyền tại Việt Nam…
Qua những cách tiếp thị sách hiệu quả mà Nhà xuất bản Ch. Links Verlag thực hiện thành công, giới xuất bản tại Việt Nam cũng phải thừa nhận có nhiều cách tiếp thị họ chưa thực hiện, hoặc có thực hiện nhưng chưa triệt để như việc thực hiện các đĩa DVD giới thiệu sách, phát rộng rãi cho hệ thống phát hành sách, chiếu trên tivi khổ lớn gắn trực tiếp tại các nhà sách. Đây là một cách quảng bá sách trực quan thường bắt mắt và dễ gần gũi hơn với độc giả.
Nhà xuất bản của TS. Christoph Links đã tổ chức 200 buổi bình luận sách giao lưu tác giả mỗi năm để tiếp cận với độc giả tại mọi địa điểm như thư viện, trường học, các điểm sinh hoạt cộng đồng… ở nhiều địa phương trên khắp cả nước, đây là một kênh tiếp thị quan trọng. Tại Việt Nam cũng có tổ chức các sự kiện giao lưu sách, nhưng thường chỉ thực hiện tại hai thành phố lớn (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh), chứ chưa tổ chức nhiều, liên tục và rải rác ở nhiều địa phương nhỏ, nhằm giúp độc giả ở các vùng xa xôi có cơ hội tiếp cận với tác giả - tác phẩm.
Ngoài ra, một trong những cách tiếp thị là gửi tặng sách cho những người nổi tiếng, cho các chính trị gia, diễn viên nghệ sĩ, giáo sư đại học… để nhờ họ đưa sách tới độc giả dường như cũng chưa được áp dụng ở nước ta và cũng chưa có đơn vị nào ở nước ta dành một khoản chi phí khủng để tổ chức các chương trình truyền hình như talkshow hoặc làm phim riêng về tác giả - tác phẩm ăn khách. Trong khi đó, theo TS.Christoph Links, cách thức quảng bá này tuy tốn kém nhưng vô cùng hiệu quả và thường được áp dụng cho những tựa sách bán được trên 100.000 bản và ngay sau khi chương trình truyền hình được phát sóng, nhà xuất bản nhận được hàng trăm đơn hàng đặt sách ngay hôm sau.
Việc tích cực tham dự các Hội chợ sách quốc tế tại Pháp, Mỹ, Đức… cũng là một cách nhằm nâng cao vị thế thương hiệu của mình, đồng thời cũng giúp đơn vị xuất bản có cơ hội bán được bản quyền tác phẩm của mình hoặc tìm mua được sách mới, sách hay.
Đồng thời, việc mời các tác giả tới Đài phát thanh để thực hiện thu âm, trả lời phỏng vấn, tương tác trực tuyến với độc giả; các nhà báo, nhà đài tự gọi điện tới liên lạc, xin phỏng vấn các tác giả - dịch giả… hoặc làm chương trình truyền hình giới thiệu cuốn sách dường như cũng chưa được áp dụng ở Việt Nam. Và so với ở Đức thì ở Việt Nam hiện nay đây là cách thức chưa được xếp vào một chính sách bán hàng có đường lối, kế hoạch truyền thông cụ thể. Hơn nữa, việc gửi thư điện tử tới tận tay các độc giả mỗi dịp sách mới hoặc có chương trình khuyến mãi của đơn vị xuất bản cũng được giới làm sách tại Đức đặc biệt coi trọng. Thậm chí họ còn đi mua những contact email độc giả từ các công ty chuyên bán email hoặc từ các tờ báo với giá 1-2 euro/email.
TS. Christoph Links chia sẻ bí quyết tuyệt chiêu tiếp thị sách thành công.
Những ngày văn học châu Âu lần thứ tư – diễn đàn thu hút độc giả Hà Nội
Đây là lần thứ tư EUNIC, Hiệp hội các Viện văn hóa và các Đại sứ quán châu Âu, giới thiệu văn học mới của từng nước tại Hà Nội. Bạn yêu sách mọi lứa tuổi tại Hà Nội đã gặp gỡ các nhà văn tại các buổi trò chuyện, cùng thảo luận về các đề tài trong sách và khám phá tài năng của chính mình trong một workshop hướng dẫn viết văn sáng tạo. Và lần đầu tiên, những bộ phim được trình chiếu khơi dậy hứng thú đọc sách của độc giả. Trọng tâm đặc biệt của năm nay là những tác phẩm của phụ nữ và về phụ nữ. Bên cạnh đó, một loạt tác phẩm của văn học châu Âu dành cho nhiều đối tượng bạn đọc ra mắt dịp này như tự truyện "Đời tôi" của Marcel Reich - Ranicki (Đức); tiểu thuyết "Anh chàng mộ bên" (Thụy Điển); truyện thiếu nhi "Jip và Janneke" (Hà Lan); truyện thiếu nhi "Andersen và chuyến viễn du vào tương lai" (Đan Mạch); truyện tuổi mới lớn "Thiên thần nổi loạn" (Áo)…
TS. Almuth Meyer-Zollitsch, Viện trưởng Viện Goethe chủ trì Hội thảo “Từ sách tới độc giả - làm thế nào để tiếp thị sách thành công?”cho biết, chương trình “Những ngày văn học châu Âu” đã nhận được sự ủng hộ của nhiều độc giả Việt Nam cũng như các nước thành viên châu Âu. Đây cũng là dịp châu Âu giới thiệu những giá trị truyền thống trong văn học của mình tới độc giả Việt Nam.
Minh Phạm
Nhà xuất bản Hà Nội