Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ năm, 29/05/2014 08:33
Quốc hội quan tâm việc xây dựng Luật biểu tình

Hiện nay đã có 23 đại biểu đề xuất đưa việc xây dựng Luật Biểu tình, Quốc hội đang xem xét thúc đẩy sớm dự luật này.

Sáng 28/5, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã tổ chức cuộc họp để thảo luận, tiếp thu, chỉnh lý ý của đại biểu Quốc hội về việc xây dựng Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của Quốc hội.
 
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường
 
Chiều cùng ngày, trao đổi về kết quả cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết một trong những nội dung quan trọng được nhiều đại biểu quan tâm, bàn thảo là thời điểm xây dựng Luật Biểu tình.
 
Thống kê của Ban thư ký kỳ họp Quốc hội cho thấy đã có 23 đại biểu đề xuất đưa việc xây dựng Luật Biểu tình vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong thời gian tới.
 
“Biểu tình là một quyền cơ bản được quy định trong Hiến pháp. Hiến pháp đã quy định đối với những quyền cơ bản đó thì chỉ có thể bị hạn chế bằng luật thôi, không thể mãi sử dụng nghị định được (Nghị định 38/2005 quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng - PV). Nhu cầu thực tiễn đòi hỏi điều đó rồi” - Bộ trưởng Tư pháp nói.
 
Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, có những cuộc biểu tình không phù hợp, nhưng cũng có nhiều cuộc biểu tình phù hợp. Việc sớm đưa vào chương trình xây dựng Luật Biểu tình để có hành lang pháp lý, biểu thị ý kiến của người dân cũng là điều hoàn toàn phù hợp. “Việc này thể hiện một bước dân chủ trong xã hội” - Bộ trưởng Cường nhìn luận.
 
Bộ trưởng Cường cho biết Ủy ban Pháp luật của Quốc hội sẽ tổng hợp ý kiến của các đại biểu Quốc hội để báo cáo Đảng đoàn Quốc hội. Đảng đoàn Quốc hội có trách nhiệm báo cáo Bộ Chính trị về vấn đề này.
 
“Trước đó, Đảng đoàn Quốc hội đã có văn bản báo cáo Bộ Chính trị và Bộ Chính trị đã cho ý kiến về chương trình xây dựng sẽ gồm những gì trong năm 2014 - 2015 rồi. Bây giờ phát sinh thì phải báo cáo lại”, ông Cường nói và cho biết đại biểu có ý kiến như vậy về việc xây dựng luật Biểu tình thì Quốc hội phải lắng nghe để thể hiện dân chủ.
 
Dù chưa thể khẳng định Quốc hội có đưa việc xây dựng luật Biểu tình vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 - 2015 hay không, nhưng dưới góc độ cá nhân, ông Hà Hùng Cường nói: “Cá nhân tôi thấy rằng cố gắng ban hành luật Biểu tình trong nhiệm kỳ này”.
 
Trước đó, tại phiên thảo luận ngày 26/5, ông Lê Nam,  phó đoàn ĐBQH Thanh Hóa đã đề nghị cần có Luật biểu tình. Đề nghị này nhận được sự đồng tình của nhiều vị đại biểu Quốc hội khác và không gặp sự phản đối nào.
 
Theo ĐB Lê Nam, biểu tình là quyền cơ bản của công dân, mang tính phổ quát của nhân loại, đã được quy định trong Hiến pháp nước ta từ 1946 đến nay, mà đến Hiến pháp 2013 đã có những chuyển biến hết sức quan trọng, to lớn, cụ thể hơn về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
 
"Đó là quyền mà người dân thường xuyên có nhu cầu sử dụng, vẫn đang thường xuyên diễn ra trong cuộc sống. Những năm qua có thể chứng kiến từ Bắc đến Nam những đoàn khiếu nại tố cáo đông người tụ tập trước các cơ quan công quyền để đòi hỏi giải quyết, các cuộc tụ tập đông người trong trật tự đang có xu hướng ngày càng tăng, diễn ra phổ biến", phó đoàn Thanh Hóa phân tích.
 
"Đó là nông dân đấu tranh đòi quyền lợi về đất đai, công nhân đấu tranh khi quyền lợi của họ bị xâm phạm. Và cho đến các cuộc biểu tình phản đối TQ vừa qua thì càng rõ ràng hơn".
 
Ông Lê Nam cũng chỉ ra việc tụ tập đông người, khiếu kiện đông người hay biểu tình, đều có nguy cơ bị lợi dụng, trên thực tế đã có nhiều vụ việc, để chống nhà nước, chế độ, gây ra hậu quả xấu, đặc biệt nghiêm trọng như đã xảy ra vừa qua ở Bình Dương, Hà Tĩnh.
 
"Yêu cầu khách quan đòi hỏi thực tiễn phải xây dựng luật Biểu tình để phục vụ nhân dân, cũng là yêu cầu hết sức bức thiết về quản lý nhà nước, đảm bảo an toàn trật tự xã hội, an ninh quốc gia và hội nhập quốc tế", phó đoàn Thanh Hóa nhấn mạnh.
 
Ông Lê Nam lưu ý đây là một đạo luật rất bức thiết, ban hành được sẽ có nhiều mặt lợi, khả năng xây dựng và thực hiện là có.
 
ĐB đoàn Thanh Hóa khẳng định: QH khóa 13 sẽ rất vinh dự là QH trả nợ được nhân dân luật Biểu tình mà 12 khóa QH trước đó chưa có điều kiện thực hiện. Do đó đề nghị đưa luật Biểu tình vào chương trình làm luật của QH nhiệm kỳ 13 này.
 
Đề xuất của ông Nam đã nhận được sự ủng hộ cao của các đại biểu Phan Văn Quý (Nghệ An), Trần Du Lịch, Trương Trọng Nghĩa, Đỗ Văn Đương (TP.HCM).
 
“Biểu tình không chỉ có phản đối, mà biểu tình còn để ủng hộ như vừa qua hàng triệu người muốn biểu tình để bày tỏ thái độ ủng hộ chính quyền trong việc chống Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.
 
Biểu tình là quyền con người được Hiến định, nếu chúng ta chỉ điều chỉnh trong một nghị định nào đó thì sẽ vi hiến. Tôi đề nghị đưa dự luật này vào kỳ họp thứ 8 (cuối năm nay - PV) và thông qua tại kỳ họp thứ 9” - ông Trương Trọng Nghĩa bày tỏ.
 

 

 

Thùy Vân
 
(Theo baodatviet.vn)
 

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)