Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ hai, 02/06/2014 02:52
Nhức nhối nạn sách lậu tại Việt Nam

 

Ở Việt Nam, việc in và bán sách lậu là một công việc rất dễ dàng và phổ biến. Nhiều nhà sách ngang nhiên bày bán những sản phẩm sách giả, nhái nhưng hầu như rất ít trong số đó bị xử lý. Thậm chí, trong quan niệm của người Việt, giữa muôn ngàn thứ hàng hóa đang bị làm giả như hiện nay thì việc làm giả sách, in, bán sách lậu cũng là chuyện bình thường ở huyện, không làm “chết” ai, thậm chí còn có lợi cho văn hóa. Tất nhiên, đây là những quan niệm sai lầm nhưng để thay đổi quan niệm này không phải chuyện dễ dàng.

Những “thiên đường” sách lậu

Tại Hà Nội, ai cũng biết nhiều cửa hàng trên phố Đinh Lễ, phố Nguyễn Xí, hay trên đường Láng, đường Trần Quốc Hoàn… là những “thiên đường” sách lậu. Tại đây, có đầy đủ các danh mục đầu sách từ sách giáo khoa cho học sinh, giáo trình cho sinh viên đến tiểu thuyết, truyện ngắn, sách khoa học, ngoại văn. Nhiều đầu sách liên tục được giảm giá từ 40% đến 70%. Nhiều người cả tin thì cho rằng, nhà xuất bản đang có chương trình khuyến mại nên sách được giảm giá… Tuy nhiên, sách là một sản phẩm rất đặc thù, hiếm có nhà xuất bản nào chịu được mức chiết khấu cao như vậy.


Mức chiết khấu hiếm nhà xuất bản chịu được (Ảnh sưu tầm)

Nhiều chuyên gia trong ngành xuất bản cho biết, trước đây, người ta nhận biết sách lậu qua những đặc điểm như sách lậu thường mờ nhạt, nhòe nhoẹt… Nhưng hiện nay, công nghệ in ngày một phát triển, sách in lậu cũng có thể được in trên các máy in hiện đại, nhiều cuốn sách lậu rất khó phân biệt với sách thật. Không ít nhà xuất bản đã dán tem chống giả cho tất cả các ấn bản của mình, tuy nhiên, các đối tượng in lậu lại mua tem giả dán vào để qua mắt người dùng và các cơ quan chức năng.

Những năm gần đây, đã có hàng loạt vụ in lậu sách với quy mô lớn bị phát hiện, xử lý, nhưng hầu như chỉ dừng ở mức xử lý hành chính nên không đủ sức răn đe đối với những kẻ buôn bán và làm sách lậu.


Cơ quan chức năng thu giữ sách lậu (Ảnh sưu tầm)

Hãy ngừng cổ súy cho sách lậu

Luật sư Phạm Thanh Bình, đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho rằng, tình trạng sách lậu tràn lan trên thị trường là hiện tượng nguy hiểm, đáng báo động. Điều đáng chú ý nhất ở đây chính là thái độ ngầm đồng thuận của rất nhiều người. Vì vậy, các cơ quan chức năng dù có nỗ lực đến đâu thì cũng chỉ như đá ném ao bèo khi gần như cả xã hội tiếp tay cho sách lậu. Cũng theo luật sư Bình, trong chừng mực nhất định, hành vi cổ suý cho sách lậu cũng gián tiếp đẩy lùi những nỗ lực, cố gắng của những người viết sách, làm sách chân chính. Để cho ra đời được một cuốn sách chất lượng nhiều người gần như phải dành cả cuộc đời để đầu tư, nghiên cứu, tìm tòi. Nhưng khi đứa con tinh thần của họ chưa kịp ấm chỗ trên giá sách thì đã ngay lập tức bị nhân bản hàng loạt. Vì vậy công sức, niềm đam mê của những người viết sách cũng dần bị sách lậu thiêu rụi.


Hãy để sách luôn thực sự là món quà vô giá, tài sản đáng trân trọng nhất của loài người
(Ảnh sưu tầm)

Sách là loại hàng hóa đặc biệt, phương tiện chuyển tải và lan tỏa chủ yếu của tri thức - vốn tài sản cao quý nhất, đáng trân trọng nhất của loài người. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương ở nước ta, sách thật, sách giả đang gần như có vị thế ngang nhau, thậm chí, sách giả có phần còn được ưu ái hơn bởi mức giá rẻ. Làm thế nào để ngăn chặn sự hoành hành của sách lậu từ rất lâu vẫn là câu hỏi khó, thậm chí là câu hỏi không ai muốn trả lời.


Thu Hoan

Nhà xuất bản Hà Nội

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)