“Tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tuyển tập tộc ước gia quy” – một đề tài cần thiết và không thể thiếu trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến
Việc nghiên cứu văn hóa truyền thống từ nhiều góc độ khác nhau, nhiều cách tiếp cận khác nhau, nhiều nguồn tư liệu khác nhau là hết sức cần thiết. Hiện nay, trước sự phát triển của xã hội, giao lưu văn hóa cùng lối sống hiện đại việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống góp phần xây dựng xã hội văn minh, con người mới phát triển toàn diện, gia tộc và văn hóa gia tộc là vấn đề lớn đã và đang thu hút sự quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu của giới nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn. Trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu di sản Hán Nôm Việt Nam, nhóm tác giả đề tài thấy có một số văn bản có tên gọi là tộc ước, khoán ước, khoán lệ, khoán cảo, điều lệ, gia ước… Đây là những văn bản hàm chứa nhiều thông tin phong phú về đời sống các gia tộc truyền thống (ý thức gia tộc, đời sống gia tộc, văn hóa tín ngưỡng gia tộc, các quan hệ gia tộc…). Hơn nữa, mức độ tập trung các văn bản tộc ước, gia quy tại khu vực kinh đô Thăng Long cao nhất so với các nơi khác. Có thể thấy, đã có một số công trình nghiên cứu về hệ thống gia phả, gia tộc, gia đình, họ tộc từ góc độ Hán Nôm, dân tộc học nhân học, lịch sử, xã hội học… Tuy nhiên, hiện nay chưa có một đề tài hay một công trình nghiên cứu nào triển khai với đối tượng tộc ước, gia quy từ góc độ khai thác tư liệu Hán Nôm. Có thể nói đề tài “Tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tuyển tập tộc ước gia quy” là đề tài đầu tiên.

GS.TS. NGuyễn Quang Ngọc, Chủ tịch Hội đồng, chủ trì phiên họp. Ảnh: Đ.Tùng
Đối tượng nghiên cứu của đề tài là những văn bản mang tính luật tục của các dòng họ, gia đình trên đất Thăng Long – Hà Nội. Luật tục dòng họ có thể là luật tục thành văn và không thành văn. Trong phạm vi và tiêu chí chọn lựa của đề tài nghiên cứu, giới thiệu các văn bản mang tính luật tục viết bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm, hoặc chữ Hán kết hợp chữ Nôm từ khởi nguồn tới năm 1945 được xếp vào loại tộc ước, gia quy được thể hiện trên giấy và trên bia đá thuộc khu vực Thăng Long xưa và khu vực Hà Nội ngày nay (sau khi mở rộng, sáp nhập cả khu vực Hà Tây cũ).
PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn - Chủ biên đề tài, trình bày nội dung đề tài. Ảnh: Đ.Tùng
Bộ tư liệu này có giá trị nghiên cứu khoa học, nhằm phục vụ cho việc nghiên cứu, tìm hiểu về đời sống các gia tộc, gia đình truyền thống và phục vụ nghiên cứu văn hóa vùng kinh đô, giúp ích cho nhiều ngành khoa học khác nhau (lịch sử, văn hóa học, nhân học, xã hội học, dân tộc học…). Hơn nữa, với tư liệu gốc chữ Hán, chữ Nôm gồm 35 văn bản giấy và 18 văn bản trên đá (văn bia) được trình bày chi tiết gồm tiểu dẫn, phiên âm, dịch nghĩa, chú giải, dẫn nguyên chữ Hán (in ảnh ấn nguyên bản) theo thứ tự niên đại và phần sách dẫn sẽ giúp các nhà nghiên cứu Việt Nam học trong và ngoài nước có thêm những tư liệu quý giá phục vụ công tác nghiên cứu, tìm hiểu về Thăng Long ngàn năm văn hiến. Đồng thời, với những kết quả nghiên cứu của công trình sẽ là nguồn tài liệu có giá trị và ý nghĩa thiết thực, hữu ích cho các nhà quản lý văn hóa hoạch định các chính sách văn hóa mới, chính sách tổ chức họ tộc và xây dựng đời sống văn hóa mới, con người mới của thế kỷ XXI. Do đó, có thể khẳng định đây là bộ tư liệu có giá trị giáo dục truyền thống và giá trị thực tiễn giúp tìm ra câu trả lời câu hỏi tiếp thu cái gì từ văn hóa truyền thống để xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh của đất kinh kỳ trước những đổi thay và phát triển của xã hội trong một ma trận với những mặt trái của cơ chế thị trường thời mở cửa.

PGS.TS. Vũ Văn Quân trình bày ý kiến đóng góp cho đề tài. Ảnh: Đ.Tùng
Đề cương chi tiết Đề tài “Tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tuyển tập tộc ước gia quy” do PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn chủ nhiệm đã được Hội đồng nghiệm thu nhất chí thông qua chiều ngày 28/5/2014. Thành viên Hội đồng là các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu Hán Nôm, lịch sử, văn hóa, Ban Quản lý Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II và các biên tập viên Nhà xuất bản Hà Nội dưới sự chủ trì của Chủ tịch hội đồng nghiệm thu - PGS.TS. Nguyễn Quang Ngọc.
Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao giá trị đề tài về mặt cung cấp tư liệu, dịch thuật, chú giải và cho rằng đề tài có ý nhĩa khoa học, thực tiễn cao. Ảnh: Đ.Tùng
Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao giá trị đề tài về mặt cung cấp tư liệu, dịch thuật, chú giải và cho rằng đề tài có ý nhĩa khoa học, thực tiễn cao. Nhóm tác giả là những chuyên gia kinh nghiệm trong việc biên soạn, dịch thuật các công trình tư liệu Hán Nôm hơn nữa đã tham gia biên soạn bộ sách Tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội: Tuyển tập Địa chí Thăng Long – Hà Nội thuộc Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn I đã đoạt giải Bạc sách hay năm 2011, được giới khoa học ghi nhận và đánh giá cao. Do đó với đề cương chi tiết, nội dung tư liệu tin cậy cùng bố cục sắp xếp khoa học, logic đề tài hoàn toàn khả thi và sẽ hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, Đề tài hứa hẹn là nguồn tư liệu cơ sở giúp nhiều làng xã có căn cứ để xây dựng và soạn thảo quy chế làng xã trong giai đoạn hiện nay. Ban Quản lý Dự án Tủ sách Thăng long ngàn năm văn hiến đánh giá đây là đề tài tư liệu văn hiến Thăng Long – Hà Nội có vị trí xứng đáng trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Minh Phạm
Nhà xuất bản Hà Nội