Tình hình biển Đông chiều 4/6: Trung Quốc thừa nhận tấn công tàu Việt Nam
Tình hình biển Đông chiều 4/6: Tàu Trung Quốc sử dụng vòi rồng tấn công tàu Việt Nam (Ảnh: AP)
Hãng tin AFP ngày 3/6 đưa tin, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã lên tiếng thừa nhận việc sử dụng vòi rồng tấn công và làm hư hỏng tàu của Việt Nam.
AFP dẫn thông tin được phát đi trên Đài phát thanh quốc gia Trung Quốc (CNR) cho hay, ngày 1/6, một tàu hải cảnh của Trung Quốc đã va chạm với một tàu của Việt Nam và khiến tàu của phía Việt Nam bị “hư hỏng nặng”.
Đài CNR còn thuật lại rằng cũng trong ngày 1/6, tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào một tàu cảnh sát biển của Việt Nam và biện minh là do tàu này "gây rối" ở gần khu vực giàn khoan Hải Dương - 981. Tàu Việt Nam rút lui sau khoảng 5 phút.
Luận điệu trên của CNR nhằm mục đích cố tình che giấu sự thật là Trung Quốc đã hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương -981 trong khu vực thềm lục địa và Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn huy động lực lượng lớn các tàu, máy bay, trong đó có cả các tàu quân sự để bảo vệ giàn khoan này.
Trong khi các tàu chấp pháp của Việt Nam phát loa tuyên truyền và yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển của Việt Nam, các tàu Trung Quốc không chỉ phớt lờ yêu cầu trên mà còn hung hăng, sẵn sàng đâm va, sử dụng vòi rồng tấn công tàu Việt Nam.
Những hành động ngang ngược của Trung Quốc lên đến đỉnh điểm khi các tàu của nước này đâm chìm một tàu cá của Việt Nam đang đánh bắt tại ngư trường truyền thống Hoàng Sa, cách vị trí giàn khoan Hải Dương - 981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép khoảng 17 hải lý.
Trước những diễn biến căng thẳng gần đây ở Biển Đông, ngày 31/5, phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tại Đối thoại Shangri-la 13 ở Singapore đã dùng những lời chỉ trích nặng nề dành cho Trung Quốc, ông Hagel cho rằng, Trung Quốc đang “hành động đơn phương, gây mất ổn định” trong khu vực.
Trong bài phát biểu cứng rắn “bất thường”, ông Hagel cảnh báo rằng, Washington sẽ không khoanh tay đứng nhìn khi các nguyên tắc cơ bản của trật tự quốc tế bị đe dọa. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng nhắc lại cam kết của Mỹ với khu vực khi nói rằng, chiến lược “tái cân bằng ở châu Á Thái Bình Dương của chúng tôi là một thực tế”.
Giàn khoan dầu khí Hải Dương 981 của Trung Quốc ở khu vực biển cách Hong Kong 320km - Ảnh: xinhua
Việt Nam tiếp tục thông tin cho LHQ về tình hình biển Đông
Tại buổi làm việc ở trụ sở LHQ tại New York ngày 2/6, đại sứ Lê Hoài Trung thông báo Trung Quốc tiếp tục đưa nhiều tàu hộ tống, trong đó có tàu quân sự, cả máy bay đến hoạt động tại vị trí hạ đặt giàn khoan và các tàu Trung Quốc đã chủ đích đâm va, uy hiếp, dùng vòi rồng công suất lớn nhằm vào các tàu công vụ chỉ là tàu dân sự của Việt Nam gây hư hại nhiều tàu, làm nhiều người bị thương.
Ông Trung nhấn mạnh những việc làm trên của Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước của LHQ về Luật biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông, thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở biển Đông. Đại sứ nêu những cơ sở pháp lý, lịch sử cho chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Một lần nữa, đại diện ngoại giao của Việt Nam tại LHQ khẳng định lại chính sách nhất quán của Việt Nam là giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế theo luật pháp quốc tế và mong muốn gìn giữ, phát triển quan hệ hữu nghị với Trung Quốc. Do đó Việt Nam hết sức kiềm chế, tiến hành giao thiệp nghiêm túc với Trung Quốc ở nhiều cấp, dưới nhiều hình thức yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan, các tàu và đề nghị Trung Quốc sớm cùng Việt Nam đi vào đối thoại, thương lượng để giải quyết các khác biệt.
Đại sứ đề nghị Liên Hiệp Quốc cùng cộng đồng quốc tế tiếp tục quan tâm, ủng hộ các đề nghị thiện chí của Việt Nam, kêu gọi việc không có các hành động đơn phương làm căng thẳng thêm tình hình, không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực.
Phó tổng thư ký Jeffrey Feltman cảm ơn phái đoàn Việt Nam đã chia sẻ, cập nhật thông tin, đồng thời hoan nghênh chủ trương của Việt Nam là giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế. Ông Feltman khẳng định Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon rất quan tâm đến tình hình hiện nay ở biển Đông.
Ông Feltman chia sẻ đánh giá về tầm quan trọng của biển Đông đối với thế giới, bày tỏ lo ngại về tình hình căng thẳng ở biển Đông, khẳng định các bên cần kiềm chế, giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại và các biện pháp hòa bình khác phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế.
(Theo xahoi.com.vn)