Hôm nay (10.6), Quốc hội bắt đầu hoạt động chất vấn
Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai): Hiệu ứng xã hộisẽ tốt hơn
Từ trái sang: Đại biểu Dương Trung Quốc, đại biểu Lê Như Tiến, đại biểu Bùi Thị An.
Tôi cảm nhận rõ ràng là từ khi xảy ra những vụ việc trên Biển Đông, tiếng nói của Thủ tướng Chính phủ là xuyên suốt, do cương vị và việc có mặt ở những diễn đàn quan trọng. Trong vấn đề này, hoạt động ngoại giao là một mũi nhọn bên cạnh lực lượng chấp pháp hoạt động tại chỗ. Do đó những gì Thủ tướng Chính phủ nói với thế giới thì cũng là nói với đồng bào cả nước.
Còn để trả lời chất vấn, theo đúng quyền hạn giám sát của Quốc hội, theo tôi Thủ tướng Chính phủ nên trực tiếp trả lời thì hiệu ứng xã hội sẽ tốt hơn. Không chỉ Thủ tướng, cơ chế của chúng ta có nhiều người đứng đầu, người dân cũng chờ đợi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội phát biểu ý kiến. Còn cá nhân tôi quan niệm chỉ nên có một tiếng nói chung. Phải làm sao cho tiếng nói chung ấy trở thành ý chí của quốc gia.
Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị): Thanh tra Chính phủ có nhiềuvấn đề nổi cộm
Khi Tổng Thanh tra Chính phủ đăng đàn trả lời, tôi quan tâm đến những vấn đề lớn như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng phát biểu, đó là cần phải phòng chống tham nhũng (PCTN) bắt đầu từ trong chính lực lượng PCTN. Đó là điều rất quan trọng, trong thời gian qua Thanh tra Chính phủ cũng có những vấn đề nổi cộm như tài sản lớn của đồng chí nguyên là lãnh đạo và việc trong thời gian ngắn đã bổ nhiệm đến mấy chục lãnh đạo cấp vụ, rồi vấn đề hiệu quả công tác thanh tra...
Vừa rồi đưa ra một loạt vụ án lớn để xét xử và ra những bản án nghiêm khắc chứng tỏ chúng ta có quyết tâm PCTN, tuy nhiên trong báo cáo của Chính phủ thì vẫn khẳng định công tác PCTN và lãng phí chưa đạt yêu cầu. Vậy, do đâu chưa đạt yêu cầu, tôi cho có nhiều nguyên nhân nhưng chắc là có trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm giải trình và công khai minh bạch về tài sản cũng như là việc bổ nhiệm và sử dụng cán bộ.
Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội): Chọn khâu đột phá trong GDĐT
Đất nước muốn phát triển bền vững thì phải bắt đầu từ nguồn lực. Chất lượng nguồn lực lại phụ thuộc rất nhiều vào giáo dục bên cạnh yếu tố xã hội, gia đình. Bây giờ phải làm sao để thực hiện được đúng yêu cầu cải cách cơ bản và toàn diện giáo dục như nghị quyết của T.Ư đã nêu.
Bộ trưởng Tài chính đăng đàn đầu tiên
Chiều nay, Bộ trưởng Bộ Tài chính là người đầu tiên trả lời chất vấn các vấn đề nóng trong lĩnh vực của mình. Cùng hỗ trợ Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng sẽ có Bộ trưởng các Bộ: KHĐT, Công Thương, Y tế và Tổng Kiểm toán Nhà nước. Sáng 11.6, Bộ trưởng Bộ Tài chính tiếp tục trả lời chất vấn trước khi Bộ trưởng Bộ GDĐT Phạm Vũ Luận đăng đàn. Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trả lời chất vấn tại nghị trường. Ngày 12.6, kết thúc phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Tư pháp sẽ là phần đăng đàn của Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh. Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ phát biểu làm rõ thêm những vấn đề liên quan, trong đó có cả vấn đề liên quan tới tình hình Biển Đông - H.P
Làm thế nào để không lãng phí thời gian, tiền bạc của người dân để đạt được hiệu quả như mong muốn. Tôi cho đây là vấn đề rất quan trọng. Vấn đề ở đây là quản lý nhà nước về giáo dục. Bộ GDĐT sẽ chọn cái gì làm khâu đột phá. Chọn như thế nào, lộ trình ra sao, không được quá lâu để giải quyết chuyện này. Chứ cứ như vừa rồi thì tình hình rất gay go. Mặc dù Bộ GDĐT đã cố gắng nhưng tôi vẫn cảm giác các anh ấy vẫn chưa chọn đúng vấn đề để đột phá.
Về chương trình đổi mới sách giáo khoa tôi quan tâm trước hết là vấn đề cải cách hệ thống giáo dục từ mầm non đến đại học. Sau đó mới đến nội dung đổi mới sách giáo khoa. Vấn đề sách giáo khoa không phải là viết hết bao nhiêu tỷ đồng mà nội dung sách giáo khoa phải lược bỏ tối đa những nội dung không cần thiết. Lược bỏ ở đây không phải là lược bỏ cái khó mà bỏ những cái không cần thiết. Giữ lại những cái cần thiết, thậm chỉ có thể chỉ bằng một nửa hiện nay. Đó là những cái tối cần cho sự phát triển trí tuệ của trẻ em.
(Theo danviet.vn)