Hệ thống luật Việt Nam phức tạp nhất thế giới
Ngăn ngừa cài lợi ích nhóm
Trả lời câu hỏi của ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) về việc có tình trạng bộ nào quản lý nhà nước lĩnh vực gì xây dựng quy định đó, Bộ Tư pháp là cơ quan chủ trì, điều phối nhưng dường như còn nể nang, để văn bản ban hành “quyền nặng cho mình nhưng trách nhiệm nhẹ đi”, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng về vĩ mô các văn bản tuân thủ chiến lược xây dựng văn bản, nhưng về vi mô hệ thống pháp luật Việt Nam phức tạp nhất thế giới.
Cũng theo Bộ trưởng Cường, nhiều văn bản chủ thể ban hành khác nhau, dưới tên gọi khác nhau nên hệ thống văn bản pháp luật rất khó tuân thủ, chi phí tuân thủ lớn. Bộ Tư pháp đã đề xuất Chính phủ, sau khi Hiến pháp 2013 có hiệu lực cần sửa đổi, bổ sung chiến lược ban hành văn bản pháp luật. “Chúng tôi nhận khuyết điểm có sự chồng chéo các dự án luật khi trình ra Quốc hội lần này” - Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói.
Điều khiến ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) băn khoăn là hiện tượng cài đặt lợi ích riêng của bộ, ngành trong văn bản đang khiến nhiều quy định tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý, đẩy khó cho người dân. Bên cạnh đó, hiện nay chúng ta ít chấp nhận việc vừa thiết kế, vừa thi công, trong khi đó tình trạng vừa soạn thảo luật vừa xử lý chính sách lại đang khá phổ biến, đã khiến việc triển khai chính sách thiếu hiệu quả.
Quan điểm của Bộ Tư pháp ra sao về vấn đề này? Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp thẩm định văn bản từ quyết định của Thủ tướng Chính phủ trở lên, còn thông tư, thông tư liên tịch do pháp chế các bộ soạn thảo. Các dự thảo quyết định của Thủ tướng được thẩm tra chặt chẽ, lấy ý kiến các cơ quan liên ngành và đăng tải công khai trong 60 ngày.
Các văn bản là thể chế đường lối, chính sách của Đảng và nhiệm vụ của cơ quan thẩm tra là thẩm định dự án đó có phù hợp hay không. Do vậy, ý kiến có lợi ích nhóm, cục bộ của bộ, ngành trong các văn bản từ quyết định của Thủ tướng trở lên “chưa phải vấn đề gì đặt ra”.
Còn các văn bản thông tư, thông tư liên tịch vừa qua có một số vấn đề phát sinh, cử tri quan tâm, Bộ Tư pháp đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và được đồng ý sẽ xây dựng đề án thí điểm kiểm soát tập trung các văn bản này trên một số lĩnh vực liên quan đến người dân. Tuy nhiên, do có ý kiến là thí điểm này trái với luật nên trong dự thảo sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sẽ đưa quy định về cơ chế kiểm soát tập trung, tránh việc cài đặt lợi ích nhóm vào trong văn bản.
Về vấn đề xây dựng văn bản theo kiểu “vừa thiết kế, vừa thi công”, Bộ trưởng Hà Hùng Cường thừa nhận phản ánh này “có lý nhưng chưa hoàn toàn”. Bởi theo quy trình, trước khi xây dựng văn bản pháp luật, cơ quan soạn thảo phải tổng kết thực tiễn thi hành. Các chính sách đưa ra phần lớn hiện thực hóa chính sách của Đảng.
Tuy nhiên, để làm tốt việc xây dựng chính sách, giữa tháng 7, Chính phủ sẽ trình Quốc hội dự thảo sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó quy định các văn bản xây dựng có sự tham gia của các chuyên gia, Quốc hội và về kỹ thuật sẽ có sự góp mặt của các chuyên gia luật.
Nhiều rào cản
|
Hành lang pháp lý cho phép đi thẳng thì anh hướng dẫn vòng vèo, cái đó không trái nhưng khiến việc triển khai chậm chạp, dễ rơi vào bẫy này bẫy kia để buộc phải chung chi. Đây là lực cản rất lớn Bộ Tư pháp cũng không thể thổi còi được. Các nhà đầu tư nước ngoài khi gặp lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều phấn khởi nhưng khi về thực tế hàng ngày họ lại chán, nản lòng. Tôi đề nghị Bộ trưởng lưu tâm hơn về vấn đề này.

|
|
ĐB Trương Trọng Nghĩa
|
Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM), hiện nay vấn đề gây bức xúc trong Nhân dân, doanh nghiệp là nhiều văn bản hướng dẫn đã đặt ra các rào cản thủ tục, giấy phép con, thậm chí bẫy người dân. “Bộ trưởng có biện pháp nào khắc phục vấn nạn này, bởi nó vô hiệu hóa các quy định pháp luật trong hướng dẫn hiện nay?” - ĐB Nghĩa chất vấn.
Ở một khía cạnh khác, theo ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước), bên cạnh tình trạng nợ văn bản hướng dẫn diễn ra phổ biến, hiện có tới hơn 300 trong khoảng 1.600 văn bản đưa ra không đảm bảo chất lượng, không khả thi, có dấu hiệu không hợp hiến, hợp pháp. “Đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của người đứng đầu và những văn bản sai trên ảnh hưởng ra sao đến đời sống” - ĐB Hùng đặt câu hỏi.
Phản hồi về vấn đề này, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng về nguyên tắc các văn bản hướng dẫn khi ban hành không được trái Hiến pháp, luật, nghị định. Bộ Tư pháp sẽ kiểm tra cụ thể các vấn đề ĐB nêu, nếu có kết quả kiểm tra sẽ gửi tới ĐB. Về câu hỏi của ĐB Bùi Mạnh Hùng, theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, những hướng dẫn ảnh hưởng đến người dân nếu ra chậm cũng vẫn có quy định hồi tố để đảm bảo quyền lợi cho dân khi luật đã ban hành.
Có những văn bản ban hành chậm có lợi cho người dân, doanh nghiệp, nhưng ông Cường cũng thừa nhận việc ban hành chậm sẽ làm vô hiệu hóa văn bản luật. Sắp tới, Bộ Tư pháp sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ làm rõ hơn về vấn đề này. Còn trách nhiệm của Bộ Tư pháp là sẽ tiếp tục kiểm tra đôn đốc việc xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn.
Hà My
(Theo saigondautu.com.vn)