“Vương triều Lê (1428-1527)” – Cuốn sách tái hiện bức tranh toàn cảnh của một vương triều võ công, văn trị hiển hách trong lịch sử Việt Nam
PGS.TS. Vũ Văn Quân - Chủ tịch, chủ trì buổi nghiệm thu. Ảnh:Đ.Tùng.
Trong giai đoạn I của Tủ sách, GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc đã đồng hành và gắn bó cùng Ban Quản lý Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến từ khi Tủ sách mới ra đời, trực tiếp tham gia nhiều công trình có giá trị, được giới chuyên môn, nghiên cứu, bạn đọc trong và ngoài nước đáng giá cao. Một trong những công trình đó là cuốn “Vương triều Lý (1009-1226)” ra mắt bạn đọc đúng dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, là sản phẩm tổng hợp của nhiều công trình khoa học của các chuyên ngành khác nhau, trong đó có cả công trình nghiên cứu của học giả nước ngoài. Cuốn sách đã mang đến cho độc giả một cái nhìn khách quan và toàn diện quá trình lịch sử vương triều Lý từ buổi đầu khởi dựng cho đến lúc suy vi, đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò và đóng góp của Lý Thái Tổ, của quân dân nhà Lý cho đất nước, cho Thăng Long mãi trường tồn.
Và đến giai đoạn II, trong cơ cấu đề tài mảng sách lịch sử, Ban Quản lý dự án Tủ sách đã có kế hoạch triển khai biên soạn một số bộ sách về các thời kỳ tiếp theo như Trần, Lê sơ, Mạc - Lê Trung hưng… và lịch sử cận đại… Đề tài “Vương triều Lê (1428-1527)” do GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc chủ biên thuộc cơ cấu mảng sách lịch sử Tủ sách giai đoạn II, là một công tình khoa học tổng hợp, tổng kết một cách hệ thống, toàn diện, sâu sắc, khách quan và chuẩn xác về một thế kỷ vương triều Lê không chỉ là đòi hỏi bức thiết của nhận thức chung về lịch sử đất nước Việt Nam, con người Việt Nam, mà còn có thể thông qua đó tìm ra những bài học cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước và Thủ đô trong bối cảnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, mở cửa và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.

GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc - chủ biên, trình bày khái quát nội dung đề tài trước Hội đồng. Ảnh:Đ.Tùng.
Cuốn sách với kết cấu gồm 2 phần: Phần Nội dung gồm 5 chương và phần Phụ lục tuyển, giới thiệu khoảng 30 bài viết của các tác giả trong và ngoài nước không chỉ tiêu biểu cho từng lĩnh vực mà còn bổ sung làm rõ thêm những nội dung và vấn đề mà 5 chương viết chính chưa có điều kiện trình bày đầy đủ và cặn kẽ. Ngoài ra, cuối sách còn có Danh mục các công trình nghiên cứu về triều Lê sơ để bạn đọc tham khảo tìm đọc và tra cứu. Cuốn “Vương triều Lê (1428-1527)” sẽ tái hiện lại đúng 100 năm lịch sử nhà Lê với công lao và sự đóng góp to lớn trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta gắn với kinh đô, Đông Kinh. Trong phần Tổng quan nghiên cứu, Chủ biên và nhóm tác giả đã tổng thuật khá đầy đủ những công trình nghiên cứu trước đó liên quan đến vương triều Lê và quốc gia Đại Việt, Kinh đô Thăng Long trong hai thế kỷ XV-XVI. Trong đó 4 chương đầu bố cục theo các triều vua với những nội dung mang tính đặc trưng của các triều vua đó. Đây là bố cục hợp lý, vừa theo dòng thời gian, vừa nêu bật được vai trò, vị trí và những đóng góp của các triều vua đối với lịch sử đất nước và đối với Thăng Long – Hà Nội. Tác giả dành chương 5 để tổng thuật vai trò và đóng góp của vương triều Lê trong tiến trình lịch sử đất nước trên tất cả các lĩnh vực.
Chương 1. Lê Thái Tổ (1428-1433): Sự nghiệp cứu nước, sáng lập vương triều, ổn định và phát triển.
Chương 2. Từ Lê Thái Tông đến Lê Nghi Dân (1433-1460): Bước thăng trầm của một chặng đường chuyển đổi.
Chương 3. Lê Thánh Tông (1460-1497): Giai đoạn phát triển toàn thịnh của vương triều.
Chương 4. Lê Hiến Tông và những triều vua cuối cùng (1497-1527): Quá trình suy yếu và lụi tàn.
Chương 5. 100 năm vương triều Lê trong tiến trình lịch sử đất nước.
PGS.TS. Nguyễn Văn Nhật - Ủy viên phát biểu. Ảnh:Đ.Tùng.
Đề cương đề tài được Hội đồng nghiệm thu và giới chuyên môn đánh giá là hợp lý, có tính khả thi cao, bố cục khoa học, logic, chặt chẽ với dung lượng khoảng 950 trang khổ 16x24cm, cùng 20 ảnh và 10 bản đồ, biểu, bảng… theo đúng yêu cầu kỹ thuật của Tủ sách, cuốn sách sẽ dựng lại một cách hệ thống, toàn diện về những đóng góp, những chính sách trong trị vì, quản lý đất nước của các đời vua nhà Lê trong 100 năm trị vì (1428-1527) và đồng thời cho người đọc thấy một bức tranh toàn cảnh sinh động của Đại Việt trên các mặt kinh tế, chính trị, văn hoá và xã hội trong một thế kỷ và cả vị thế của Đại Việt trong khu vực thời bấy giờ.
Hội đồng khoa học đóng góp ý kiến giúp chủ biên hoàn thiện đề cương chi tiết. Ảnh:Đ.Tùng.
Trong buổi họp nghiệm thu diễn ra vào chiều ngày 13/6/2014, Hội đồng nghiệm thu và các nhà khoa học đã khẳng định, đề tài “Vương triều Lê (1428-1527)” do GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc chủ biên là một công trình có ý nghĩa khoa học vừa mang tính hàn lâm phục vụ nghiên cứu vừa đảm bảo tính đại chúng phục vụ cho mọi đối tượng độc giả muốn tìm hiểu về một vương triều võ công, văn trị hiển hách, có những vị vua sáng, tôi hiền trong lịch sử Việt Nam. Hơn nữa, với một đội ngũ cộng sự là những nhà nghiên cứu trẻ, năng động, kinh nghiệm trong làm sách và giỏi về chuyên môn đã tham gia nghiên cứu nhiều công trình có liên quan đến đề tài này, đồng thời với nội dung và hướng nghiên cứu rõ ràng đề tài sẽ sớm được hoàn thành, đáp ứng mục đích, yêu cầu của mảng sách lịch sử – Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến. Hội đồng và các nhà khoa học hy vọng rằng, cuốn sách “Vương triều Lê (1428-1527)” được hoàn thành và xuất bản sẽ là một trong những cuốn sách tham khảo có giá trị khoa học cao, là một cuốn sách quý, có giá trị trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Minh Phạm
Nhà xuất bản Hà Nội