Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ sáu, 20/06/2014 04:58
Kỉ niệm ngày báo chí cách mạng việt nam (21/6): Tâm huyết và niềm đam mê với nghề

Gặp và nói chuyện cùng nhà báo lão thành Nguyễn Hồng Phương, tôi nhận thấy ở ông lòng nhiệt huyết và yêu nghề. Ông nói về những ý tưởng, suy nghĩ trong mỗi bài báo của ông cũng như của đồng nghiệp trước đây rất sống động và mới mẻ…

Sinh ra từ vùng quê Hưng Lợi, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, cậu học sinh nhỏ không đam mê văn chương mà chỉ thích học toán nhưng lại có khả năng quan sát tinh tường, khá nhạy bén với thời cuộc. Nhập ngũ, được sống trong những ngày tháng hào hùng của Chiến thắng Điện Biên Phủ và về tiếp quản Thủ đô, niềm đam mê đã thôi thúc ông phải viết như một chứng nhân lịch sử. Ban đầu là viết nhật kí, sau đó ông viết nhiều bài gửi cho hai tờ báo của Đại đoàn 308 và Đại đoàn 304. Ngày 13/3/1956, Báo Quân đội nhân dân đăng bài “Những người lính kiến thiết” của ông viết về công việc của những người lính thợ bằng tất cả thái độ trân trọng; như một liều thuốc cổ vũ, kích thích tinh thần hăng say lao động tham gia kiến thiết đất nước trong thời bình của bộ đội.

 

Nhà báo Nguyễn Hồng Phương được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp năm 2003.

Nhà báo Nguyễn Hồng Phương được Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp năm 2003.

Từ một người lính bộ binh, làm liên lạc đại đội, liên lạc của Trung đoàn trưởng, một cộng tác viên, rồi trở thành phóng viên chuyên nghiệp là một quá trình phấn đấu, tự học hỏi, tự rèn luyện bởi ông chưa được học một trường lớp đào tạo nào về nghề báo. Năm 1964, ông về Báo Quân đội nhân dân và trở thành phóng viên trẻ nhất của báo này. Đầu năm 1965 Hồng Phương được giao nhiệm vụ đi viết bài tường thuật về một trận chiến đấu chống Mỹ của quân dân Quảng Bình. Sau khi đi thực tế, ông viết bài “Hai ngày chiến đấu và chiến thắng của quân dân Quảng Bình” và hai tấm gương đăng cùng. Bài báo vừa đăng, nhà báo kì cựu Phan Hiền kéo Hồng Phương về nhà, mắng: “Đời phóng viên hiếm khi có được một chuyến đi viết về những sự kiện như thế. Vậy mà cậu viết lớt phớt quá, tít thì mòn, chi tiết thì nửa vời”… Bốn ngày sau, trên Báo Quân đội nhân dân xuất hiện kí sự “48 giờ đi trên mảnh đất Đồng Hới nóng bỏng” đăng gần 2/3 trang báo. Bài báo không ghi tên tác giả, chỉ đề hai chữ PV nhưng Hồng Phương đã thực hiện một cách đầy thuyết phục khi tiếp thu những góp ý chân thành ấy và nhà báo Phan Hiền trở thành thầy của Hồng Phương từ đó. Một thời gian sau, Hồng Phương chuyển sang viết bình luận, chính luận. Nhờ “tập tành”, “hì hục” viết và viết, ông đã thành công trong thể loại này. Cuối năm 1967, Tổng Biên tập giao cho ông viết bình luận, lúc đó Hồng Phương đang mang quân hàm Trung úy. Những bài bình luận “găm” vào tâm trí bạn đọc của ông ngày ấy như “Thắng lợi có ý nghĩa chiến lược” nhân sự kiện giải phóng Buôn Ma Thuột, “Bước ngoặt chiến tranh” nhân giải phóng Huế – Đà Nẵng… Năm 1984, khi vụ án lớn nhất Việt Nam được xử về Mai Văn Hạnh và đồng bọn, Nhà nước cử 4 phóng viên Việt Nam tham dự. Sánh vai với các  phóng viên phương Tây, bám sát phiên xử 5 ngày, ông cho ra tác phẩm “Đập nát âm mưu từ trong trứng” dài 10 kì. sau đó Bộ Công an cũng đã cho in thành sách “Con đường tội ác” với 2 bản, 3.000 cuốn. Tác phẩm đoạt giải của ông là “Sự kiên định của hai đầu tàu kinh tế” đăng báo Sài Gòn giải phóng năm 2008.

Rời quân ngũ sau 35 năm mặc áo lính, 25 năm làm Báo Quân đội nhân dân, ông trở thành Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh. Ông có công sáng lập và giữ chức Tổng Biên tập Tạp chí Nghề báo, một tạp chí được giới chuyên môn đánh giá cao. Ông được mời giảng dạy một số chuyên đề thuộc loại bình luận, xã luận, lao động sáng tạo của phóng viên cho sinh viên Khoa Báo chí Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh và một số lớp báo chí khác. Gần đây, sức khỏe không bảo đảm nên ông không dạy thường xuyên nữa.

Ngoài viết báo, ông còn đam mê chụp ảnh. Vừa viết, vừa cầm máy ảnh ghi lại những khoảnh khắc, dấu ấn hành trình làm báo của mình. Tháng 10/2005, Nhà báo Hồng Phương triển lãm ảnh với chủ đề “Dấu ấn -  Cảm xúc” trưng bày 80 bức ảnh. Tháng 1/2009, ông mở cuộc triển lãm lần thứ hai “Những thời khắc Cam-pu-chia” nhân dịp 30 năm giải phóng nước bạn khỏi họa diệt chủng Pôn-pốt. Cả hai cuộc triển lãm có sức thu hút đặc biệt đối với giới báo chí, nhiếp ảnh và công chúng. Nhà báo lão thành Nguyễn Long Khởi, cựu Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam viết cảm tưởng: “Cùng với các bài viết, những bức ảnh triển lãm của Hồng Phương đã ghi lại dấu ấn mạnh mẽ đầy cảm xúc cách mạng, đất nước, quê hương, tình người và tình đoàn kết”.

Nay tuổi đã cao nhưng Nhà báo Nguyễn Hồng Phương vẫn đang sống với sự nghiệp của mình, một niềm đam mê không ngừng. Ông vẫn viết và truyền lại những kinh nghiệm nghề với lớp trẻ làm báo ở nhiều địa phương. “Để thành công thì trong mọi việc đều phải có tâm huyết, dũng khí vượt khó, luôn luôn học hỏi” – Nhà báo Hồng Phương nói


Bài và ảnh Nguyễn Tình

(Theo nguoicaotuoi.org.vn)

 

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)