Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ hai, 23/06/2014 08:37
Cứu lấy sông Mekong: Bây giờ hoặc không bao giờ

Trước thềm cuộc họp lần thứ 20 của Hội đồng Ủy ban sông Mekong diễn ra tại Bangkok, Thái Lan ngày 26.6 tới, những lời kêu gọi phải hành động ngay lập tức để ngăn chặn việc xây dựng con đập Don Sahong, Xayaburi càng được lan truyền mạnh mẽ hơn.


Một khúc sông Mekong (đoạn giữa Lào và Thái Lan) - Nguồn ảnh: Wikimedia.org
Một khúc sông Mekong (đoạn giữa Lào và Thái Lan) - Nguồn ảnh: Wikimedia.org

 
Déjà vu (tạm dịch "ký ức ảo giác") chính xác là cụm từ mà Tổ chức Sông ngòi Quốc tế (International Rivers, trụ sở tại Mỹ) dùng để mô tả mối hiểm nguy quá lớn đối với dòng Mekong, khi Lào vẫn cố tình xây dựng đập Don Sahong.

Trong thông cáo phát đi ngày 18.6.2014, International Rivers xác nhận công trình xây dựng gây tranh cãi - đập Don Sahong ở miền Nam Lào đang tiếp tục, bất chấp sự phản đối từ chính phủ các nước láng giềng và các yêu cầu tham vấn.

"Việc đơn phương tiếp tục xây dựng đập Don Sahong sẽ gây ra rủi ro vượt ra ngoài biên giới của Lào, ảnh hưởng đến sinh kế và an ninh lương thực khu vực trải dài theo dòng Mekong" - bà Pianporn Deetes, điều phối viên tại Thái Lan của International Rivers cho biết.

Việt Nam, Campuchia và Thái Lan đã tuyên bố rõ ràng rằng: dự án xây đập Don Sahong phải trải qua sự kiểm định tư vấn, theo yêu cầu của Hiệp định Mekong năm 1995, trước khi thực hiện. Yêu cầu đó đã được nhắc lại trong một cuộc họp đặc biệt của Ủy ban sông Mekong (MRC) hồi tháng 1.2014.

Tại hội nghị thượng đỉnh Mekong lần thứ hai ở TP.HCM tháng 4.2014, Việt Nam và Campuchia một lần nữa kêu gọi Lào ngừng xây dựng các đập trên dòng chính sông Mekong trong khoảng 10 năm, cho đến khi nghiên cứu của Hội đồng Ủy hội sông Mekong hoàn thành.

Tuy nhiên, Lào chẳng thèm bận tâm đến những lời đề nghị đó.

Công nhân đang xây cầu nối đất liền ra đảo Don Sadam, địa điểm xây đập Don Sahong - Ảnh: www.internationalrivers.org

 
Theo International Rivers, đầu tháng 6, các công nhân đã bắt đầu xây một cây cầu nối đất liền ra đảo Don Sadam, địa điểm dự kiến xây đập. Tháng 11.2013, dân làng xung quanh đó đã được thông báo tái định cư để nhường chỗ cho con đập nhưng nay vẫn chưa rõ họ sẽ đi đâu. 

Trong khi đó, hoạt động đánh bắt cá tại đây đã bị cấm để công ty Malaysia - Mega First tiến hành công việc. Không có bất cứ sự bồi thường hoặc giải pháp phục hồi sinh kế nào cho các gia đình lâu nay phụ thuộc vào dòng sông, giờ họ không thể làm gì để kiếm sống.

Những người phản đối các hành động "bức tử sông Mekong" đã từng gửi một bức thư lên chính phủ các nước liên quan (được viết theo nhiều thứ tiếng) nhằm kêu gọi đình chỉ ngay lập tức việc xây đập Don Sahong và Xayaburi, đồng thời yêu cầu Thái Lan hủy bỏ hợp đồng mua bán điện của đập Xayaburi. 

Nội dung bức thư khẳng định Xayaburi tạo thành mối đe dọa xuyên biên giới đối với an ninh lương thực, sự phát triển bền vững và hợp tác khu vực trong vùng hạ lưu sông Mekong. Và rằng Xayaburi đã không hoàn thành quá trình tham vấn theo Hiệp định Mekong năm 1995.

Vào ngày 24.6 tới, Tòa án hành chính tối cao Thái Lan sẽ ban hành lệnh cho biết chấp nhận hoặc không chấp nhận vụ kiện chống lại 5 cơ quan chính phủ, bao gồm cả nhà máy phát điện của Thái Lan EGAT - đã đồng ý mua 95% điện từ đập Xayaburi. 

Đơn kiện được 37 người dân từ các tỉnh miền Bắc và Đông Bắc Thái Lan nộp vào tháng 8.2012, họ là những người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đập Xayaburi.

Người dân Thái Lan phản đối việc xây đập Xayaburi - Ảnh: www.internationalrivers.org

 
Trước khi cuộc họp lần thứ 20 của Hội đồng Ủy ban sông Mekong diễn ra tại Bangkok, Thái Lan ngày 26.6 tới, những lời kêu gọi phải hành động ngay lập tức để ngăn chặn việc xây dựng 2 con đập trên càng được lan truyền mạnh mẽ hơn. Bởi thảo luận về việc đưa dự án đập Don Sahong vào nghiên cứu, tham vấn trước khi xây dựng sẽ được đưa vào chương trình nghị sự của cuộc họp.

"Lào phải hiểu và chấp nhận Mekong là con sông chung, con sông chia sẻ. Các quyết định tác động đến dòng sông phải được thực hiện dựa trên sự thoả thuận giữa các nước hạ lưu sông Mekong, mục đích là bảo vệ tương lai của nguồn tài nguyên không thể thay thế này", bà Pianporn Deetes, điều phối viên tại Thái Lan của International Rivers, kết luận.

Nhưng nếu cả 4 quốc gia không thể đạt được thỏa thuận dừng xây đập Don Sahong trong khi tình hình đập Xayaburi chưa giải quyết thấu đáo, rủi ro tất nhiên sẽ rất khôn lường. Nó giống như một cơn ác mộng đã được báo trước và nay sắp thành hiện thực.


Anh Thư Trần

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)