Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ hai, 23/06/2014 02:59
“Những làng nghề tiêu biểu của Thăng Long – Hà Nội” – Đề tài cần thiết đối với việc bảo tồn và phát triển làng nghề của Thủ đô

Kể từ khi vua Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) ban Chiếu dời đô và tiến hành thiên đô từ cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) ra thành Đại La (Hà Nội), đặt tên kinh đô là Thăng Long, Thăng Long – Hà Nội đã trải qua 1000 năm lịch sử tồn tại và phát triển. Thăng Long – Hà Nội có vị trí địa lý và điều kiện thiên nhiên đặc biệt, có nền văn hoá lâu đời với nhiều làng nghề sản xuất thủ công truyền thống. Hơn đâu hết đất Thăng Long xưa - Hà Nội nay là nơi tập trung đông đảo các làng nghề truyền thống. Sự phát triển của làng nghề không chỉ có vai trò nâng cao mức sống mà còn là dấu ấn truyền thống văn hóa dân tộc tại mỗi thời kỳ. Làng nghề thủ công ở Hà Nội có rất nhiều nguồn gốc khác nhau, những làng nghề có sẵn chiếm phần nhỏ trong tổng số làng nghề đa phần đều được di dời từ nơi khác về...

 

Hà Nội xưa được biết đến với gốm sứ Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, mộc mỹ nghệ Vân Hà, đúc đồng Ngũ Xã, dát quỳ vàng bạc Kiêu Kỵ… Sau khi mở rộng địa giới hành chính bao gồm cả tỉnh Hà tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã thuộc Hoà Bình, nơi đây đã được mệnh danh là “đất trăm nghề”. Thủ đô Hà Nội hiện là địa phương có nhiều làng nghề nhất cả nước, với khoảng 1.350 làng có nghề, trong đó có 272 làng được công nhận là làng nghề, 198 làng nghề truyền thống. Các làng nghề thu hút hàng vạn lao động thời vụ cũng như tạo việc làm thường xuyên và là nguồn thu nhập chính của hàng ngàn gia đình.

Làng nghề truyền thống Thăng Long – Hà Nội trải qua nhiều chặng đường lịch sử, ngày càng phát triển và lớn mạnh, nhất là từ những năm Đảng ta khởi xướng đường lối đổi mới đem lại sinh khí mới cho công cuộc bảo tồn và phát triển làng nghề, phố nghề.

Nghiên cứu và viết về làng nghề, cho đến nay, đã có một lượng lớn các công trình nghiên cứu khoa học, sách, luận văn, luận án, bài viết tạp chí được công bố về các nghề và làng nghề truyền thống ở các vùng miền trên cả nước. Có thể kể đến một số công trình tiêu biểu, xác định được chỗ đứng trong giới nghiên cứu như “Làng nghề, phố nghề Thăng Long – Hà Nội” của Trần Quốc Vượng và Đỗ Thị Hảo (2000); “Làng nghề phố nghề Thăng Long – Hà Nội trên đường phát triển” Vũ Quốc Tuấn chủ biên (2010), “Làng nghề thủ công huyện Thanh Oai (Hà Nội) – truyền thống và biến đổi” Bùi Xuân Đính chủ biên (2009), “Bát Tràng – làng nghề làng văn” Bùi Xuân Đính chủ biên (2013), Bộ tổng tập về các loại hình làng nghề do Viện Nghiên cứu văn hoá tiến hành trong những năm qua…
 
TS. Đinh Hạnh là chủ biên đề tài “Những làng nghề tiêu biểu của Thăng Long – Hà Nội”
trình bày nội dung đề cương trước Hội đồng. Ảnh: Đ. Tùng.

Trong cơ cấu mảng sách Kinh tế – văn hoá của Tủ sách giai đoạn II, Ban Quản lý Dự án Tủ sách nhận thấy cần có một đề tài giới thiệu cụ thể một số làng nghề tiêu biểu Thăng Long – Hà Nội phục vụ cho công tác bảo tồn và gìn giữ những nét đẹp truyền thống của Thăng Long – Hà Nội, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế của Thủ đô và đất nước với những nghiên cứu, đánh giá để định hướng giải pháp. Nhà xuất bản Hà Nội, Ban Tư vấn chuyên môn mảng sách Kinh tê – văn hoá Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến kỳ vọng và mong muốn có được một cuốn sách viết về làng nghề tiêu biểu của Thăng Long – Hà Nội có chất lượng, đáp ứng yêu cầu cao nhất của Tủ sách khi lựa chọn TS. Đinh Hạnh là chủ biên đề tài “Những làng nghề tiêu biểu của Thăng Long – Hà Nội”.

Trong điều kiện về thời gian, kinh phí của Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, cuốn sách“Những làng nghề tiêu biểu của Thăng Long – Hà Nội” không tham vọng nói hết được quá trình hình thành, phát triển của tất cả làng nghề, phố nghề trong lịch sử Thăng Long – Hà Nội mà trên cơ sở kế thừa kết quả của những công trình nghiên cứu đi trước và của chủ biên, trong quá trình thực hiện có thể có nghiên cứu bổ sung, với một hệ thống khái niệm công cụ, tiêu chí lựa chọn làng nghề tiêu biểu có tính khoa học nhóm biên soạn sẽ lựa chọn hơn 40 làng nghề tiêu biểu theo 9 nhóm nghề qua 3 thời kỳ hình thành, phát triển và đứng trước những thách thức (suy thoái) của mỗi làng nghề tiêu biểu được chọn. Cuốn sách dự kiến dung lượng 350 trang, khổ 16x24cm bao gồm cả phụ lục và danh mục tham khảo, ảnh, biểu đồ minh hoạ. Đây là một đề tài ý nghĩa và quan trọng trong Tủ sách, có giá trị khoa học và thực tiễn đối với đời sống, kinh tế, văn hoá của người dân Thủ đô hôm nay và tương lai. Có thể nói, làng nghề chỉ có một nhưng dưới góc nhìn của mỗi chuyên gia, mỗi nhà nghiên cứu qua từng công trình nghiên cứu cụ thể sẽ đứng ở những góc nhìn khác nhau về kinh tế, văn hoá, du lịch… để có những cách chuyển thể khác nhau và tìm ra những nét mới, bản chất làng nghề Thăng Long – Hà Nội không trùng lặp với những công trình nghiên cứu đi trước.
 
Các thành viên trong Hội đồng tham gia đã đóng góp nhiều ý kiến bổ ích cho việc chỉnh sửa, hoàn thiện đề cương. Ảnh: Đ. Tùng.

Trong tương lai sẽ có nhiều vấn đề đặt ra đối với nghiên cứu về làng nghề và trong khuôn khổ của Tủ sách ngàn năm văn hiến giai đoạn II, TS. Đinh Hạnh chọn hướng tiếp cận làng nghề tiêu biểu qua các thời kỳ để giải thích tại sao Thăng Long – Hà Nội lại là nơi hội tụ nhiều làng nghề, và làng nghề hiện nay đang đứng trước những thách thức, cơ hội đối với việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển trước xu thế phát triển của thời đại. Đề tài “Những làng nghề tiêu biểu của Thăng Long – Hà Nội” do TS. Đinh Hạnh chủ biên sẽ đem đến một cái nhìn khác so với những công trình đi trước. Hy vọng rằng, khi cuốn sách được biên soạn, xuất bản độc giả sẽ có một cái nhìn mới qua những khám phá mới của chủ biên và nhóm tác giả về những làng nghề tiêu biểu của Thủ đô. Cuốn sách sẽ cung cấp những tư liệu quý, hữu ích cho các nhà quản lý, hoạch định chính sách, độc giả quan tâm tìm hiểu, nghiên cứu đối với việc bảo tồn, phát triển và gìn giữ tinh hoa văn hoá làng nghề truyền thống tiêu biểu trong kho tàng văn hoá dân tộc, khẳng định nét riêng có của Hà Nội, mảnh đất Thăng Long nghìn năm văn vật.


 

Trần Quang

Nhà xuất bản Hà Nội

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)