Phòng chống dịch cúm A/H1N1: Có thể cưỡng chế bệnh nhân điều trị
Ông Trịnh Quân Huấn, Thứ
trưởng Bộ Y tế đã đề nghị, Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, Hội đồng Tư vấn sử
dụng vắc-xin và sinh phẩm y tế phải nghiên cứu đưa ra khuyến cáo nhằm
phát hiện bệnh trong trường hợp không có sinh phẩm xét nghiệm. Quan
trọng hơn, mặc dù đã rất nỗ lực nhưng vắc-xin phòng, chống cúm A/H1N1
chắc chắn không thể có trong năm nay.
Liên
quan đến ca mắc cúm A/H1N1 ở tỉnh Khánh Hòa tử vong ngày 3-8, ông Trần
Quý Tường, Cục phó Cục Quản lý khám chữa bệnh đã khẳng định, bệnh nhân
tử vong do cúm A/H1N1. Bệnh nhân phát bệnh từ ngày 25-7 nhưng đến ngày
29 mới đến bệnh viện khám, chụp X-quang tim, phổi. Đáng lưu ý, bệnh
nhân không ở lại điều trị mà về nhà một ngày sau đó mới trở lại viện.
Bệnh viện đã điều trị theo đúng phác đồ bằng thuốc Tamiflu, tuy nhiên,
bệnh
tiến
triển nặng nên tử vong. Có thể thấy, bệnh nhân đã rất chủ quan. Ông
Trịnh Quân Huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị Cục Quản lý khám chữa bệnh
cần rút kinh nghiệm chung với các bệnh viện trong việc yêu cầu bệnh
nhân điều trị khi có biểu hiện nghi ngờ, tránh tử vong đáng
tiếc
do điều trị muộn, bởi thuốc kháng vi-rút có hiệu quả điều trị cao nhất
trong vòng 24 giờ đầu. Thậm chí, theo Luật Phòng, chống bệnh truyền
nhiễm, trong trường hợp bệnh nhân có nguy cơ cao tử vong, cơ sở y tế có
thể cưỡng chế bệnh nhân ở lại điều trị.
Việt
Nam mới có 4/24 tỉnh có bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 phát hiện các chùm
ca bệnh và một địa phương dịch lây lan trong cộng đồng. Nếu trong
trường hợp dịch lây lan mạnh ra cộng đồng, lượng bệnh nhân đông, xét
nghiệm xác định H1N1 không kịp, thì chỉ những người nghi mắc bệnh mới ở
lại cộng đồng, nhưng cần tuân thủ đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên,
tự cách ly tại nhà. Trường hợp đã dương tính với H1N1, đặc biệt là
người già, trẻ em, người mắc bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai… nhất
thiết phải vào bệnh viện điều trị. Hiện các bệnh viện vẫn có đủ điều
kiện để
tiếp
nhận bệnh nhân điều trị. Tại Hà Nội, ngoài Viện Các bệnh truyền nhiễm
và nhiệt đới quốc gia, vẫn còn các bệnh viện vệ tinh như Đống Đa, Bắc
Thăng Long, Đức Giang chưa có bệnh nhân điều trị.
Theo
PGS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Các bệnh truyền nhiễm và
nhiệt đới quốc gia, hiện các labo xét nghiệm ở nhiều tỉnh, thành đang
hết hoặc gần hết sinh phẩm xét nghiệm H1N1. Mặc dù các
tổ chức quốc tế vừa viện trợ cho Việt Nam 500 bộ sinh phẩm chẩn đoán
nhanh, độ chính xác đạt 98%, thời gian cho kết quả sau 15 phút, nhưng
cũng chỉ để cấp cho các cửa khẩu, trung tâm kiểm dịch biên giới, bệnh
viện lớn để sàng lọc bệnh nhân nghi ngờ. Nếu không còn sinh phẩm xét
nghiệm trong tình trạng người dân đến cơ sở đề nghị xét nghiệm quá tải
như hiện nay (khoảng 300-350 ca mỗi ngày) thì cần phải sớm có giải
pháp.
Thứ
trưởng Bộ Y tế đưa ra ý kiến, chỉ những bệnh nhân có các triệu chứng
chắc chắn xác định mắc cúm A mới tiến hành làm tiếp xét nghiệm PCR nhằm
giảm tải xét nghiệm, đồng thời yêu cầu Hội đồng Tư vấn sử dụng vắc-xin
và sinh phẩm nghiên cứu để đưa ra khuyến cáo phát hiện bệnh khi không
còn sinh phẩm xét nghiệm. Tiểu ban giám sát nên có kế hoạch để mua số
lượng vắc-xin nhất định (khoảng 5 triệu liều) để tiêm cho nhóm có nguy
cơ cao và nhập các bán thành phẩm trên thế giới.
Được
biết, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các viện nghiên cứu, sản xuất
vắc-xin của nước ta vẫn đang khẩn trương triển khai 3 đề tài sản xuất
vắc-xin cúm A/H1N1 và H5N1. Mặc dù vậy, các nhà khoa học cũng khẳng
định, trong năm 2009 này Việt Nam cũng như các nước trên thế giới chưa
thể sản xuất được vắc-xin phòng cúm A/H1N1.
Theo Hà Nội Mới