|
Sách giả, hình ảnh không rõ nét và bị nhòe. Ảnh: infonet |
Vừa qua, tại TPHCM, Nhà xuất bản Giáo Dục đã có buổi gặp gỡ và trao đổi với các cơ quan báo chí trên địa bàn thành phố để thông tin về tình trạng vi phạm bản quyền, in lậu sách giáo dục diễn ra trong thời gian gần đây. Đại diện NXB Giáo Dục cũng cho biết: vào hè cũng là lúc mà giáo viên, phụ huynh và học sinh mua sắm sách để chuẩn bị cho năm học mới. Thời điểm này, một số cơ sở kinh doanh đã tranh thủ kiếm lợi phi pháp bằng cách in sách lậu. Phương thức in lậu phổ biến nhất hiện nay là sao chụp sách gốc, xử lý qua máy tính rồi tiến hành in ấn. Chính vì thế, về nội dung thì sách lậu không khác gì sách thật. Tuy nhiên do việc sao chụp, in ấn không đạt chất lượng nên sách để lại rất nhiều lỗi sai sót. Ông Dương Quốc Thị, Trưởng Ban kiểm định chất lượng NXB Giáo Dục chỉ ra cách phân biệt: "Để phân biệt sách in lậu, người ta phân biệt thứ nhất là về mặt vật tư, thứ hai là kỹ thuật in, thứ ba là tem chống giả. Thế nhưng, điều dễ phân biệt nhất là kỹ thuật in. Hình ảnh, màu sắc của sách (in lậu) thường không nét vì người ta sao chụp lại nên các phần tử in bị biến dạng, thay đổi hoặc chữ khi người ta quét lại có răng, râu, mờ không sắc sảo như chữ trên phim người ta chế bản. Thứ hai là kỹ thuật đóng xén, những cơ sở đóng xén thường người ta làm vội nên không đảm bảo về kích cỡ hoặc người ta sử dụng các thiết bị đã cũ. Ví dụ, sách của NXB người ta cắt vuông vức cả 3 mặt nhưng sách lậu cắt bị méo đi".
Để sách lậu không có đất sống, các NXB kêu gọi độc giả không mua sách được bày bán ở các lề đường, quầy sạp vỉa hè và cả các đại lý nhỏ lẻ. Riêng đối với sách giáo khoa, ông Đỗ Thanh Lâm, Phó giám đốc NXB Giáo Dục cũng khuyên phụ huynh và các em học sinh mua sách tại hệ thống các Công ty sách và thiết bị trường học ở các tỉnh thành, hoặc đăng ký mua sách tại trường học.
Nói là như vậy, nhưng ngày 9/6 vừa qua, đại diện NXB Giáo Dục đã bí mật khảo sát và phát hiện hàng ngàn cuốn sách lậu được bày bán ngay tại nhà sách Nhân Hòa ở TP.Bà Rịa. Đáng chú ý, đây là một trong những nhà sách có hợp đồng phân phối sách với Công ty sách và thiết bị trường học của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Hầu hết sách lậu được phát hiện tại đây là sách bài tập từ lớp 3 - lớp 9 của NXB Giáo Dục bao gồm bộ vở bài tập Toán, Tiếng Việt từ lớp 1 đến lớp 5, sách bài tập các môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh… từ lớp 6 đến lớp 9; bộ sách Tin học, Bài tập Tin học THCS quyển 1, 2, 3, 4… Về phương thức phát hành sách in lậu, ông Đỗ Thanh Lâm, Phó Giám đốc NXB Giáo Dục cho biết: "Như tôi đã nói, họ mua sách thật của các Công ty sách và thiết bị trường học và các hệ thống của chúng tôi. Họ mua ít sau đó trộn thêm sách giả vào để bán cùng mà chỉ có đi kiểm tra mới rõ thôi. Cơ sở nào phát hiện bán sách lậu thì các công ty dứt khoát không bán nữa, chấm dứt ngay. Mình thì cũng không có chức năng xử phạt. Ví dụ như năm trước, chúng tôi phát hiện một cơ sở đóng xén ở Tân Phú, nhưng cuối cùng họ chỉ đưa ra mức xử phạt hành chính 30 triệu đồng mà chúng tôi cũng không có tham gia và mức xử đó cũng không đủ sức răn đe".
Hậu quả khi sử dụng sách in lậu đối với người đọc là khôn lường. Đối với sách giáo dục, việc in ấn cẩu thả, mất nét dễ làm thay đổi nội dung, thay đổi kiến thức căn bản của vấn đề truyền tải. Ngoài ra, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty sách Thái Hà, tình trạng sách lậu tràn lan còn làm xấu hình ảnh của quốc gia, nhất là khi Việt Nam đã ký cam kết tham gia Công ước Bern về bản quyền tác phẩm văn học. Ông Hùng cũng cho biết, là đơn vị chuyên xuất bản các đầu sách biên dịch từ nước ngoài, sách bị in lậu của Công ty sách Thái Hà ở rất nhiều lĩnh vực nhưng chủ yếu ở 2 mảng bán chạy nhất là quản trị kinh doanh và dạy trẻ thông minh sớm: "Tôi nhớ rằng, lãnh đạo của sứ quán một nước lớn hàng đầu thế giới có nói trong một cuộc họp rằng, nếu như tình hình sách lậu ở Việt Nam cứ tiếp tục như vậy, họ sẽ nói với NXB ở nước họ không bán bản quyền cho VN nữa. Thứ nhất, bộ mặt của nước mình sẽ xấu đi, thứ hai là họ không bán bản quyền cho VN nữa, như vậy nay mai ai sẽ có sách hay để mà xuất bản. Cái hại thứ hai là đối với bạn đọc. Tôi không bao giờ quên cuốn “Sống như Tiểu Cường”. Sách của chúng tôi có tên là vậy nhưng sách in lậu bị đổi là “Sống tiểu cường”. Như vậy, nội dung sách đã hoàn toàn khác nhau và bạn đọc bị lừa về nội dung. Nội dung sách bị sai thì rất nguy hiểm, giống như là giết người vậy".
Như vậy, cho đến nay đã tròn 10 năm Việt Nam tham gia Công ước Bern về bảo vệ bản quyền tác phẩm văn học. Và ngày 1/7 này cũng là tròn 1 năm Luật xuất bản ở nước ta chính thức đi vào cuộc sống. Thời gian có khác nhau nhưng mục đích chung của hai văn bản có tính pháp luật này đều nhằm xóa bỏ tình trạng sách lậu, sách nhái, vậy nhưng với những gì đang diễn ra, những người làm trong lĩnh vực này vẫn chưa thể yên tâm khi tình trạng in, bán sách lậu vẫn diễn ra tràn lan. Điều mà những nhà xuất bản chân chính mong muốn lúc này là xử lý mạnh tay với những vụ việc in ấn sách lậu bị phát hiện và phanh phui. Chỉ có như thế mới hạn chế và từng bước xóa bỏ tình trạng sách lậu ở Việt Nam hiện nay.
Hữu Nghị
(Theo voh.com.vn)