“Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” – Bài học kinh nghiệm trong tác chiến và nghệ thuật quân sự Việt Nam
Cuộc chiến 12 ngày đêm khói lửa Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không của quân dân miền Bắc chiến đấu và đánh bại cuộc tập kích chiến lược đầy tham vọng của đế quốc Mỹ vào cuối tháng 12 năm 1972 là một sự kiện lịch sử quan trọng xảy ra tại Hà Nội, góp phần cùng thắng lợi của quân dân miền Nam làm chuyển biến căn bản cục diện chiến tranh. Với lòng yêu nước, ý chí kiên cường cùng lòng quyết tâm được xây dựng từ một khối thống nhất, quân dân miền Bắc cùng đồng bào miền Nam đã chiến đấu oanh liệt và giành được thắng lợi lớn. Với nghệ thuật và chiến thuật trong chiến đấu và tác chiến của thế trận chiến tranh nhân dân, thế trận phòng không nhân dân ba thứ quân liên hoàn, vững chắc, thắng lợi Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không đã buộc đế quốc Mỹ phải chấp nhận quay trở lại bàn đàm phán ký kết Hiệp đinh Pari ngày 27/1/1973, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Chiến dịch Linebacker II là chiến dịch quân sự cuối cùng của Hoa Kỳ chống lại Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa trong Chiến tranh Việt Nam, từ 18/12 đến 30/12/1972. Đây là cuộc tập kích chiến lược quy mô lớn bằng máy bay B52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng kéo dài 12 ngày, đêm đã bị thất bại hoàn toàn. Chiến dịch này là sự nối tiếp của chiến dịch ném bom Linebacker diễn ra từ tháng 5 đến tháng 10/1972, ngoại trừ điểm khác biệt lớn là các cuộc tấn công bằng máy bay ném bom chiến lược B52.
Tại chiến dịch này Hoa Kỳ đã sử dụng lực lượng không quân chiến lược với B52 làm nòng cốt ném bom rải thảm huỷ diệt xuống Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên và các mục tiêu khác liên tục trong 12 ngày đêm. Đây là những cuộc ném bom dữ dội nhất trong Chiến tranh Việt Nam và là một trong những cuộc tập kích có cường độ cao nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh.
PGS.TS. Trịnh Vương Hồng, chủ biên đề tài, trình bầy nội dung đề cương chi tiết. Ảnh: V. Chiến
Chiến dịch này còn có một ý nghĩa tâm lý nặng nề cho giới quân sự Hoa Kỳ: đây là chiến dịch mà phía Mỹ đã chủ động lựa chọn mục tiêu, thời điểm, phương thức chiến đấu và đặc biệt là sử dụng sở trường của mình để chống lại sở đoản của đối phương (trình độ khoa học công nghệ), một cuộc đấu mà đối phương sẽ không thể sử dụng yếu tố "du kích" – một cách hình tượng: phía Mỹ thách đấu và được quyền lựa chọn vũ khí và đã thất bại.
Viết về chiến tranh và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam là đề tài được nhiều người quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu. Cho đến nay, đã có rất nhiều công trình nghiên cứu, mặc dù đã hơn 40 năm trôi qua nhưng sự kiện Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không vẫn thu hút sự quan tâm, nghiên cứu của nhiều nhà khoa học quận sự, dân sự trong và ngoài nước.
Chiều ngày 26/6/2014, Ban Quản lý Dự án Tủ sách giai đoạn II – Nhà xuất bản Hà Nội tổ chức họp nghiệm thu đề cương chi tiết đề tài “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” do PGS.TS. Trịnh Vương Hồng chủ biên nằm trong cơ cấu đề tài mảng sách Tư liệu tổng hợp thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II. Đây là đề tài không mới nhưng dưới cách nhìn nhận, dẫn dắt của PGS.TS. Trịnh Vương Hồng cùng nhóm cộng sự là những người kinh nghiệm, tâm huyết, Hội đồng nghiệm thu cho rằng đề tài sẽ đảm bảo được chất lượng và nội dung theo yêu cầu của Tủ sách.
Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao mục đích, ý nghĩa của đề tài. Bố cục cuốn sách ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Phụ lục đề tài được kết cấu gồm 4 chương nội dung, theo đánh giá của Hội đồng là hợp lý, tuy nhiên về tên chương, mục cần chỉnh sửa cho logic và thống nhất với mục đích nghiên cứu của đề tài.
Góp ý cho đề cương, Hội đồng cho rằng, nội dung cuốn sách nên đề cập đầy đủ cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam và những tác động đến Hoa Kỳ trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, đối ngoại nhất là tác động đến vị thế lãnh đạo và ảnh hưởng trên thế giới của Hoa Kỳ… phân tích những tác động từng mặt để bạn đọc dễ theo dõi. Đồng thời để đem lại cái nhìn toàn cảnh, đầy đủ và sâu sắc cần bổ sung tình hình thế giới thời bấy giờ và khai thác thêm những nguồn tài liệu mới, cập nhật hiện nay để phân tích sâu sắc, ý nghĩa bài học kinh nghiệm trong thực tế hiện nay. Cuốn sách nhằm phục vụ đông đảo bạn đọc nên ngôn ngữ diễn đạt bên cạnh việc đảm bảo tính khoa học phải dễ hiểu, cuốn hút, sinh động thể hiện và lột tả hết cả hai mặt không khí hào hùng và bi thương, tổn thất của cuộc chiến để nhằm góp phần nâng cao nhận thức và hiểu biết của đông đảo tầng lớp nhân dân nhất là giới trẻ về cuộc chiến oanh liệt của quân dân ta cách đây 4 thập kỷ và soi rọi vào thực tế trước những vấn đề thời cuộc hiện nay để có nhận thức đúng đắn.

Hội đồng nghiệm thu thống nhất thông qua đề cương chi tiết đề tài “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”. Ảnh: V. Chiến
Qua những nội dung chuyển tải đến bạn đọc về cuộc chiến 12 ngày đêm khói lửa tàn khốc nhằm khẳng định vai trò của quân và dân Hà Nội, lực lượng phòng không quốc gia và các tỉnh miền Bắc. Đồng thời làm sáng tỏ thêm những bài học trong vận dụng đường lối chiến tranh nhân dân, về sự chuẩn bị chủ động và chu đáo, về cách đánh sáng tạo, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, thế trận phòng không nhân dân ba thứ quân liên hoàn, vững chắc. Cuốn sách cho thấy hào khí dân tộc, hào khí Thăng Long và những bài học kinh nghiệm trong chiến đấu và tác chiến còn nguyên giá trị đến hôm nay, khẳng định nghệ thuật quân sự trong chiến đấu của quân đội nhân dân Việt Nam, tình cảm của người dân Hà Nội, đồng bào cả nước góp sức người, sức của cùng tiền tuyến trong những cuộc chiến đấu giành độc lập, tự do cho dân tộc, đó là tình quân dân thắm thiết, tình yêu nước nồng nàn.
Chiến công oanh liệt “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã diễn ra cách đây hơn bốn mươi năm. Tuy nhiên, độ lùi thời gian chẳng thể làm mờ ký ức của một thời lửa đạn, mà càng làm cho chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn, sâu sắc hơn về sự kiện lịch sử trọng đại này; về những nhân tố làm nên một trong những thắng lợi có ý nghĩa chiến lược quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Hội đồng nghiệm thu thống nhất thông qua đề cương chi tiết đề tài “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” và đề nghị chủ biên sớm triển khai biên soạn, hoàn thành bản thảo để Nhà xuất bản Hà Nội xuất bản theo đúng tiến độ, đáp ứng sự kỳ vọng của Hội đồng Tư vấn khoa học, Ban Quản lý Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, Ban Tư vấn chuyên môn, Hội đồng nghiệm thu và đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước.
Minh Phương
Nhà xuất bản Hà Nội