Khắc họa chân dung của một tác gia, một nhà báo, nhà văn hoá trong bối cảnh văn học những năm giao thời đầu thế kỷ XX qua “Tuyển tập Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1889-1939)”
GS.TS. Trần Ngọc Vương chủ biên đề tài “Tuyển tập Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1889-1939)”. Ảnh: Đ.Tùng.
Trên cơ sở nguồn tư liệu phong phú về Tản Đà, qua phương pháp đối chiếu, so sánh các công trình đã được biên soạn từ trước đến nay GS.TS. Trần Ngọc Vương hướng đến tìm ra nguồn tư liệu khả tín nhất, và qua đó, soạn giả sẽ phân tích, tổng hợp các tư liệu, chọn ra những trước tác chính yếu và tiêu biểu nhất của Tản Đà phân theo từng lĩnh vực cụ thể. Đề tài “Tuyển tập Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1889-1939)” sẽ tuyển chọn các tác phẩm tiêu biểu của Tản Đà và một số bài nghiên cứu bình luận quan trọng nhất về Tản Đà cũng như văn nghiệp của ông, với mục đích đem lại một cái nhìn bao quát tổng thể về hiện tượng Tản Đà trong bối cảnh văn học những năm giao thời đầu thế kỷ XX.
Theo chủ biên đề tài, trên cơ sở tìm hiểu và phân tích cặn kẽ các tài liệu đáng tin cậy nhất về Tản Đà được công bố cho đến thời điểm này, đề tài sẽ chọn lựa những sáng tác quan trọng nhất, tiêu biểu nhất cho phong cách Tản Đà. Đồng thời tuyển chọn một số bài viết, bài nghiên cứu chính cho thấy được đặc trưng về con người và tác phẩm của ông. Việc lựa chọn này cho thấy sự đa dạng thể hiện được tinh hoa, sự độc đáo, tiêu biểu của các tác phẩm của Tản Đà. Với việc tổng hợp, tuyển chọn trên cơ sở đối chiếu so sánh các nguồn tư liệu là phương pháp làm việc chính của đề tài, hướng đến một tuyển tập chính xác, bao quát và có ý nghĩa về Tản Đà.
Với kết cấu gồm 3 phần, “Tuyển tập Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1889-1939)” sẽ giới thiệu một chân dung trí thức và văn hoá tiêu biểu của Hà Nội và góp phần làm sáng tỏ vai trò của Hà Nội với tư cách là trung tâm đào luyện, hội tụ những giá trị và điển phạm văn hoá. Cuốn sách dự kiến dày 1.200 trang, khổ 16x24cm, trong đó gồm 960 trang nội dung, khoảng hơn 200 trang là phụ lục, danh mục tài liệu tham khảo, hình ảnh, bút tích minh hoạ.
Các thành viên Hội đồng thảo luận, đóng góp ý kiến cho đề cương chi tiết được hoàn thiện. Ảnh: Đ.Tùng.
Phần I. Tổng luận nghiên cứu: Nội dung hướng đến cung cấp thông tin với độ tin cậy cao về tiểu sử, quá trình sáng tác, danh mục và thời điểm công bố những tác phẩm chính của Tản Đà. Với tư cách là một chuyên gia đã có 40 năm nghiên cứu GS.TS. Trần Ngọc Vương đưa ra nhận định, đánh giá mới nhất về Tản Đà với tư cách là tác giả có vị trí, vai trò đặc biệt bậc nhất của văn học Việt Nam giai đoạn giao thời. Đồng thời chủ biên cũng triển khai việc áp dụng lý luận nghiên cứu loại hình tác giả văn học trong văn học sử để làm sáng tỏ phương thức đánh giá và định vị địa vị của Tản Đà trong tiến trình lịch sử văn học dân tộc. Hơn nữa, để thực hiện được mục đích đã đặt ra, đề tài sẽ huy động “hệ tiêu chí” phản ánh quy luật vận động và các phát hiện lý luận về hệ hình lịch sử văn học, trong phần này thể hiện cách nhìn nhận tác phẩm của Tản Đà dưới góc độ chủ thể – đề tài và hệ thống thể loại.
Phần II. Tuyển chọn tác phẩm: Tuyển chọn những trước tác tiêu biểu của Tản Đà theo các lĩnh vực: Thơ, văn xuôi, dịch thuật và nghiên cứu.
Trong đó, nội dung tập trung vào hai mảng quan trọng nhất trong sự nghiệp sáng tác của Tản Đà là thơ và văn xuôi. Nội dung dịch thuật cũng được chú trọng vì theo chủ biên những trước tác này thể hiện rất rõ sự tài hoa của thi sĩ và ngoài ra, trong tuyển tập còn bổ sung một số tác phẩm như Thuý Kiều chú giải tân truyện để thấy Tản Đà trong tư cách một nhà phê bình văn học và tác phẩm Tản Đà thực phẩm do Nguyễn Tố biên soạn để góp phần dựng nên chân dung Tản Đà – một nghệ sĩ trong đời sống. Ngoài ra, để có cái nhìn đầy đủ, khách quan theo chủ biên trong quá trình biên soạn nếu tìm được những văn bản về những vở kịch của Tản Đà sẽ được đưa vào tuyển tập này như các tác phẩm: Lưu Nguyễn nhập Thiên Thai, Dương Quý Phi, Người Cá, Tây Thi.
Phần thơ dự kiến tuyển chọn theo 8 thể loại: thơ Nôm Đường luật, lục bát, phong dao – dân ca, song thất lục bát, hát nói, tứ tuyệt – yết hậu, thất ngôn trường thiên, các thể thơ khác như thể biền ngẫu tứ lục và những bài có sắc thái tự do. Về số lượng bài thơ được tuyển chọn chủ biên đề tài sẽ cân nhắc, tinh tuyển để đem lại một cái nhìn bao quát, tổng hợp nhất.
Phần văn xuôi: Gồm truyện sáng tác, ký, tản văn và nghị luận. Phần này sẽ được chủ biên cân đối và tuyển chọn những văn bản phù hợp, tinh tuyển nhất để có nội dung bao quát theo mục đích của đề cương hướng đến.
Phần III. Tuyển chọn các bài bình luận nghiên cứu Tản Đà: Hồi ức, kỷ niệm về Tản Đà và những nghiên cứu về tư tưởng và tác phẩm Tản Đà.
Thông qua việc tuyển chọn các tác phẩm tiêu biểu của Tản Đà và một số bài nghiên cứu bình luận quan trọng nhất về tác gia này cũng như văn nghiệp của ông, đề tài “Tuyển tập Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1889-1939)” sẽ đem lại một cái nhìn bao quát, tổng thể về hiện tượng Tản Đà trong khung cảnh văn học những năm giao thời đầu thế kỷ XX, giúp người đọc nhìn nhận rõ một nhân vật văn chương xuất sắc của Hà Nội đã góp phần tạo nên diện mạo tri thức và văn hóa Hà Thành nói riêng và dân tộc nói chung cách đây một thế kỷ.
Đề cương chi tiết đề tài “Tuyển tập Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1889-1939)” do GS.TS. Trần Ngọc Vương biên soạn được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao và thống nhất thông qua đề cương chi tiết chiều ngày 01/7/2014. Theo Hội đồng nghiệm thu, cuốn sách “Tuyển tập Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1889-1939)” được biên soạn, xuất bản hứa hẹn là một công trình bề thế trên nhiều phương diện về Tản Đà, đặc biệt là những quan điểm mới về nhà thơ, những tư liệu mới về tác gia này mà nhóm biên soạn có được. Cuốn sách chắc chắn sẽ tạo đà cho một bước tiến mới trong nghiên cứu, tìm hiểu về Nguyễn Khắc Hiếu và giai đoạn văn học mà ông sống và sáng tác. Với sự tin tưởng và kỳ vọng của Hội đồng Tư vấn khoa học, Ban Quản lý Dự án – Nhà xuất bản Hà Nội, Hội đồng nghiệm thu và đông đảo bạn đọc, cuốn sách sẽ sớm được hoàn thành và ra mắt bạn đọc trong thời gian sớm nhất theo tiến độ và yêu cầu của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II.
Phạm Hà Linh
Nhà xuất bản Hà Nội