Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ bảy, 05/07/2014 11:02
DIỄN ĐÀN: NHÂN TỐ CON NGƯỜI TRONG HÀNH TRÌNH VĂN HÓA: Văn học vì con người, cho con người
Trong cuộc sống hôm nay, tất cả nhà văn, bao gồm mọi lứa tuổi, giới tính, ngôn ngữ sử dụng đều bình đẳng trong sáng tác văn học, nhất là trên nền tảng chung của dân chủ, tự do trong thời đại, thể chế mình. Và vì thế, chính nhà văn chứ không phải ai khác đang chịu một sức ép ghê gớm, mãnh liệt từ biên độ dân chủ, tự do của người cầm bút để dẫn đến cá tính sáng tạo, sản phẩm sáng tạo của mình. 

 



Trong khoảng hai mươi năm cầm bút (1994-2014), tôi có nhiều suy nghĩ, trăn trở, thậm chí nhiều lúc dằn vặt rất khó tả. Tôi đã dành nhiều thời gian để suy nghĩ, kiểm điểm lại những sáng tác của mình, của người cầm bút cùng trang lứa. Tôi đã đọc nhiều bài viết, lắng nghe những tâm tư, suy nghĩ của anh chị em trong giới cầm bút. Về phía mình, gạt ra những quan tâm khác, tôi đặt ra một số suy nghĩ về biên độ dân chủ, tự do của người cầm bút trong sáng tác.

Cũng xin nói rằng đó chỉ là những suy nghĩ cá nhân. 

Khi cầm bút, tôi rất sợ hãi bản thân mình mô tả một cái gì đó, một con người, một tâm tư, một xã hội theo kiểu có cái gì bày ra cái đó. Tôi xin khẳng định đó không thể là dân chủ, tự do của người cầm bút. Ngòi bút nhà văn khác nhà quản lý xã hội ở chỗ anh ta phải nhìn thấy và nắm bắt được những tầng nội tâm sâu kín nhất của con người. Tôi cho rằng, về một phía nào đó, con người và con người ngày càng sợ hãi và xa lánh nhau trong cuộc sống vật chất hôm nay. Cái gì làm nên những hố đen ấy và phải giải quyết nó như thế nào. Năm mươi năm, một trăm năm liệu rằng vấn đề trên có giải quyết được không? Theo tôi thì không giải quyết được. Thế thì cần gì những tác phẩm văn học của chúng ta, kể cả những tác phẩm văn học có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao đi chăng nữa? Vẫn cần chứ! Vẫn hết sức cần bởi một lẽ đơn giản nếu không có văn học thì những hố đen sẽ xuất hiện ngày càng dày đặc, những mông muội ngày càng gia tăng. 

Và để xây dựng một biên độ rộng, một nền tảng vững chắc dân chủ, tự do của người cầm bút chúng ta phải tìm ra những điều căn cốt từ chính nền văn hóa, văn hiến của đất nước mình.

Văn học ở một góc nhìn nào đó, luôn có một đời sống khác, đó là đời sống xã hội dội vào văn bản thể hiện, nội dung văn bản mà từ đó rọi sáng lên những phẩm chất nghệ thuật của tác phẩm. Tôi vốn ưa thích sự tự nhiên và vì thế những trang văn nối tiếp nhau trong sáng tác tôi thường để chúng khá tự do. Sự biểu đạt nội dung tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm là ở chỗ nắm bắt và khái quát những ẩn ức sâu nhất về cái gọi là tối tăm, mông muội của con người trong đời sống xã hội đương đại, thậm chí bao hàm cả quá khứ và tương lai. Than ôi, giữa tham vọng nhà văn và hiệu quả của tác phẩm bao giờ cũng là một khoảng cách không nhỏ. Điều đó luôn như một cảnh tỉnh đối với mỗi người cầm bút.

Các nhà văn Việt Nam đang mạnh dạn tìm tòi và chúng ta hãy nên trân trọng họ. Người sáng tác hôm nay đang ngày càng khó khăn hơn khi tự khẳng định mình. Nghệ thuật vốn vô cùng mà những gì lớp người đi trước đạt được đã như một bức tường chắn khiến ai không có tài và can đảm sẽ cảm thấy choáng váng. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến sự suy rộng văn chương toàn thế giới. Ở một thế giới đang ngày càng phẳng như hiện nay, chúng ta nên mạnh dạn thể nghiệm và dấn thân trong sáng tác.

Văn chương của người viết hôm nay phải bộc lộ một cảm thông sâu nặng với đời sống nhân dân. Nhà văn phải phấn đấu trên từng trang viết để đạt đến độ khái quát cao, có sức ám ảnh và lan tỏa với người đọc, trong đó có những bạn nghề nghiệp. Nền tảng ấy ở đâu ra nếu không xuất phát từ trái tim chân thành và đau đớn của người viết. Và, từ những cảm thông ấy, đã hằn lên ước muốn làm tươi lại những tâm hồn đã héo úa, tha hóa, cũng là một bản lĩnh ngòi bút. Đó còn là một sự độc lập, một khẳng định chủ quyền về quyền năng nhà văn trong bày tỏ và sáng tạo. Và, thật tự nhiên, từ những sáng tạo chuyên tâm, bền bỉ, từ những thân phận da diết, ám ảnh, vang sâu đã góp phần định hình một phong cách riêng cần thiết, cần thiết và quyết định đến sự thành công của mỗi người viết.

Có những lúc viết văn, là viết cho những gì rất thiêng liêng. Văn chương không chỉ dành riêng cho những cực lạc, viên mãn, đang háo hức với vị trí tốt đẹp của mình, mà còn là sự cảm thông với bơ vơ, bần hàn, oan khuất, cát bụi... nên văn chương lúc này không phải là thứ hân hoan đắc chí, mà khi ấy phải là thứ văn chương đồng hành cùng thân phận con người. Người viết phải nổi chìm như đời sống thực, từ đó mà đào sâu hơn, đớn đau hơn... 

Trong thâm tâm, với những gì các nhà văn trình bày ra bằng văn chương, bằng đời sống trong đó có sự dấn thân, tôi luôn tin rằng người viết đã đến với văn chương bằng một nỗi đau nhân thế và tấm lòng trong sáng kiệt cùng. Đó mới là biên độ dân chủ, tự do rộng lớn nhất. Thứ văn chương mà người viết chân chính hướng tới là một thứ văn chương thuần khiết được thể hiện mới mẻ cả hình thức và nội dung. Chúng không chịu bất kỳ một sức ép phi tư tưởng và nghệ thuật nào. Chúng có đời sống riêng của chúng và chúng góp vào đời sống con người những thanh âm hữu ích. 

Những người cầm bút luôn day dứt khi nghĩ đến điều đó. 

 
Nhà văn PHÙNG VĂN KHAI
 
(Theo daidoanket.vn)

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)