Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ tư, 09/07/2014 08:39
Bác Hồ với Hải quân và nhân dân biển đảo

Quan tâm nhiều về biển đảo quê hương, nhiều lần Chủ tịch Hồ Chí Minh tới các đảo như đảo Tuần Châu, đảo Hòn Rồng, đảo Cồn Cỏ, đảo Cô Tô, đảo Vạn Hoa, đảo Bạch Long Vĩ… để thăm hỏi, dặn dò các chiến sĩ, bà con ngư dân miền biển về việc bảo vệ chủ quyền biển đảo và an ninh biển đảo.

Hải quân Việt Nam so với các binh chủng khác như bộ binh vừa “sinh sau đẻ muộn” lại vừa gặp nhiều khó khăn. Ngày 19/7/1946, Quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Huỳnh Thúc Kháng đã ký Quyết định thành lập Hải quân Việt Nam. Tuy nhiên đến đầu năm 1947, Hải quân nước ta đã tháo gỡ máy móc, vũ khí, thiết bị và đánh đắm tàu để không lọt vào tay quân Pháp. Sau Hiệp định Genève, khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng nên vào ngày 7/5/1955, Cục Phòng thủ bờ biển mới được thành lập, trực thuộc Bộ Quốc phòng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các chiến sĩ Hải quân Việt Nam.
Ảnh: Truyền hình Công an Nhân dân

Những “người canh cửa” cho Tổ quốc

Để nâng cao tinh thần cảnh giác và tinh thần chiến đấu của Hải quân và nhân dân miền biển, vào ngày 10/4/1956, khi nói chuyện tại Hội nghị cán bộ cải cách miền biển, Hồ Chủ tịch đã nói: “Đồng bằng là nhà, mà biển là cửa. Giữ nhà mà không giữ cửa có được không? Kẻ gian tế nó sẽ vào chỗ nào trước? Nó vào ở cửa trước. Vì vậy ta phải giáo dục cho đồng bào biết bảo vệ bờ biển. Vì bọn địch thường thả bọn mật thám, gián điệp vào tìm chỗ nấp ở miền biển. Nếu để nó lọt vào, thì người bị thiệt hại trước là đồng bào miền biển. Nếu mình không lo bảo vệ miền biển, thì đánh cá, làm muối cũng không yên. Cho nên một nhiệm vụ quan trọng của đồng bào miền biển là phải bảo vệ bờ biển. Đồng bào miền biển là người canh cửa cho Tổ quốc”.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh hướng dẫn các vị khách nước ngoài thăm vùng biển nước ta trên tàu Hải quân. Ảnh: Báo Giao thông Vận tải

Ngày 24/1/1959, Cục Phòng thủ bờ biển chuyển đổi thành Cục Hải quân. Chỉ sau đó 2 tháng, trong 2 ngày 30 và 31/3/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm Trường huấn luyện Hải quân, xuống tàu T.524 đi kiểm tra vùng đảo trên vịnh Hạ Long. Người đã rót nước, chia kẹo cho từng cán bộ, chiến sĩ trên tàu và nhắc nhở các thủy thủ phải yêu biển, đã có tàu phải chịu khó học tập kỹ thuật để sử dụng tàu cho tốt, chiến đấu cho giỏi. Tiếp đó, ngày 15/3/1961 nhân dịp đến thăm bộ đội Hải quân lần thứ hai, Người chỉ rõ: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”.
Đồng thời, Người căn dặn các chiến sĩ Hải quân: “Bờ biển ta có vị trí rất quan trọng. Vì vậy, nhiệm vụ của Hải quân trước mắt cũng như lâu dài rất nặng nề nhưng rất vẻ vang. Phải biết tìm ra cách đánh phù hợp với điều kiện con người, địa hình bờ biển nước ta và vũ khí trang bị mình có. Hải quân ta phải học tập kinh nghiệm chiến đấu hiện đại nhưng không được quên truyền thống đánh giặc xa xưa kia của tổ tiên”.

Xây dựng Hải quân vững mạnh

Ngày 11/8/1965, nhân dịp Hải quân ta vừa tròn 10 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho cán bộ và chiến sĩ Hải quân, vừa khen ngợi thành tích của Hải quân vừa vạch rõ sự cần thiết xây dựng Hải quân vững mạnh trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam. “Tuy còn non trẻ, nhưng nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự tin yêu, giúp đỡ của nhân dân, sự cố gắng không ngừng của mình, Hải quân ta đã anh dũng chiến đấu, tích cực diệt địch, bắn rơi máy bay và đánh đuổi tàu chiến Mỹ, đoàn kết lập công, bảo vệ nhân dân, bảo vệ vùng trời và vùng biển của Tổ quốc. Các chú đã nêu cao truyền thống anh hùng của dân tộc ta. Các chú hãy ra sức phát huy ưu điểm, sửa chữa nhược điểm, khó không nản, thắng không kiêu, cùng với đơn vị bạn và nhân dân quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ miền Bắc, ủng hộ cách mạng giải phóng miền Nam tiến tới hòa bình thống nhất nước nhà”.
 
Tượng Bác Hồ trên đảo Cô Tô, nơi duy nhất Người đồng ý cho dựng tượng khi còn sống. Ảnh:quangninh.gov.vn

Vì quan tâm nhiều về biển đảo quê hương nên đã nhiều lần Chủ tịch Hồ Chí Minh tới các đảo như đảo Tuần Châu, đảo Hòn Rồng, đảo Cồn Cỏ, đảo Cô Tô, đảo Vạn Hoa, đảo Bạch Long Vĩ… để thăm và chúc Tết chiến sĩ, bà con ngư dân miền biển. Hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh như một ngư dân thực thụ cùng kéo lưới với bà con vùng biển Sầm Sơn, Thanh Hóa làm chúng ta vô cùng xúc động. Đặc biệt, Người cũng đã tới thăm đảo Cô Tô (Quảng Ninh) và đồng ý cho dựng tượng mình ở đây.
 
Đây là nơi duy nhất Người đồng ý cho dựng tượng khi Người còn sống. Tượng đài Bác đứng uy nghiêm, lưng tựa vào núi, tay phải giơ cao vẫy chào, mặt nhìn hướng ra Biển Đông. Việc Chủ tịch Hồ Chí Minh cho phép dựng tượng Người trên đảo cũng đã thể hiện tầm nhìn chiến lược về chủ quyền biển đảo Tổ quốc và ý chí sắt đá của nhân dân Việt Nam về điều thiêng liêng không thể đánh đổi.

 
Nguyễn Văn Toàn
 
(Theo baotintuc.vn)

 

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)