Hệ thống văn bản pháp quy về quản lý và xây dựng thành phố Hà Nội từ 1873 đến 1954: Tư liệu quý cho công tác quy hoạch và xây dựng Hà Nội hiện nay
Trong cơ cấu Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, mảng sách Tư liệu tổng hợp có một vị trí quan trọng với nhiều đề tài được xuất bản và được giới khoa học, nghiên cứu đánh giá, khẳng định về giá trị tư liệu cũng như thư mục đề yếu phục vụ cho nghiên cứu khoa học nói chung và nghiên cứu, tìm hiểu về Thăng Long – Hà Nội nói riêng. Với nhiều loại hình tài liệu được tuyển chọn, dịch và công bố, đối với nguồn tư liệu viết bằng chữ phương Tây có hai bộ thư mục, một là giới thiệu về các nguồn tư liệu của hai công ty Đông Ấn của Anh và của Hà Lan, hai là giới thiệu về nguồn tư liệu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I. TS. Đào Thị Diến là một chuyên gia tâm huyết, giàu kinh nghiệm đã có nhiều công trình được xuất bản thành sách, đã được giới nghiên cứu đánh giá cao và đã công bố những tài liệu và tư liệu lưu trữ về Hà Nội.Bộ sách thư mục đề yếu “Hà Nội qua tài liệu và tư liệu lưu trữ 1873-1954” gồm 2 tập do TS. Đào Thị Diến chủ biên thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn I được Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 2010 đúng dịp Đại lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội. Đây là bộ tư liệu có giá trị phục vụ hiêu quả và đắc lực cho người nghiên cứu tham khảo khi tìm tài liệu nghiên cứu về Thăng Long – Hà Nội giữa vô vàn tư liệu hiện có. Do vậy, trong cơ cấu đề tài mảng sách Tư liệu tổng hợp của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II, Hội đồng Tư vấn khoa học và Ban Quản lý dự án đã lựa chọn TS. Đào Thị Diến là chủ biên cuốn sách “Hệ thống văn bản pháp quy về quản lý và xây dựng thành phố Hà Nội từ 1873 đến 1954”.

TS. Đào Thị Diến chủ biên đề tài. Ảnh: V. Chiến
Đề cương chi tiết đề tài “Hệ thống văn bản pháp quy về quản lý và xây dựng thành phố Hà Nội từ 1873 đến 1954” đã được Hội đồng nghiệm thu và thống nhất thông qua. Đối với cấu trúc dự kiến của cuốn sách, Hội đồng nghiệm thu đánh giá và nhất trí nhưng đề nghị chủ biên phải dành riêng một phần nội dung về Tổng quan vấn đề nghiên cứu được đầu tư kỹ, đây là phần không thể thiếu trong cuốn sách và qua đây để người đọc dễ hình dung và tiếp cận cuốn sách thuận tiện, dễ dàng.
Theo đề cương được Hội đồng thẩm định, cuốn sách gồm các văn bản có giá trị về xây dựng và quản lý thành phố Hà Nội thể hiện qua 8 vấn đề (địa giới - tổ chức bộ máy hành chính, quy hoạch – xây dựng, giao thông – công chính và văn hoá – giáo dục) của hệ thống chính quyền thành phố Hà Nội. Với phương pháp khảo sát tài liệu và áp dụng phương pháp nghiên cứu của bộ môn Sử học, kết hợp với phương pháp công bố để so sánh, đối chiếu giữa các văn bản đã được lựa chọn, chủ biên cùng nhóm cộng sự sẽ dịch toàn văn các văn bản quy phạm pháp luật có giá trị theo 8 lĩnh vực của thành phố Hà Nội từ 1873 đến 1954 từ tiếng Pháp sang tiếng Việt.
Dung lượng dự kiến khoảng trên 800 trang khổ 16x24cm với bố cục rõ ràng. Ngoài Lời Nhà xuất bản, Lời giới thiệu sách của giáo sư sử học, một phần nội dung không thể thiếu của cuốn sách là phần Tổng quan nghiên cứu, trong phần này, tác giả sẽ trình bày vấn đề nghiên cứu, cách tiếp cận, tiêu chí lựa chọn văn bản, phân tích quá trình hình thành, giá trị tư liệu được dịch và nơi lưu trữ tư liệu gốc để người tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu dễ tiếp cận và xác định được nguồn tư liệu khả tín cho mình.
Phần nội dung chính của cuốn sách là phần dịch văn bản. Trong cuốn sách sẽ dịch toàn văn 100 văn bản gốc, mỗi văn bản được dịch sẽ có chú thích nguồn và những chỉ dẫn khoa học cần thiết. Những văn bản này được sắp xếp theo từng vấn đề và được hệ thống hoá theo thời gian nên người nghiên cứu sẽ dễ dàng tra cứu. Ngoài ra, cuốn sách sẽ bổ sung mục từ điển chú giải ở cuối sách để phục vụ cho người nghiên cứu dễ tra cứu và tìm hiểu văn bản.
Hội đồng nghiệm thu đánh giá đây là một đề tài hay, khả thi, có ý nghĩa cả về khoa học và thực tiễn. Ảnh: V.Chiến.
Theo đánh giá của Hội đồng nghiệm thu, “Hệ thống văn bản pháp quy về quản lý và xây dựng thành phố Hà Nội từ 1873 đến 1954” là một đề tài hay, khả thi, có ý nghĩa cả về khoa học và thực tiễn. Hy vọng rằng với một đội ngũ tác giả là những nhà lưu trữ giàu kinh nghiệm nghiên cứu, giỏi ngoại ngữ dưới sự chủ trì của TS. Đào Thị Diến trên cơ sở giá trị của bộ tư liệu đề yếu “Hà Nội qua tài liệu và tư liệu lưu trữ 1873-1954” của chính nhóm tác giả này, bản thảo cuốn sách được hoàn thành, được xuất bản sẽ đáp ứng sự tin tưởng, kỳ vọng của Hội đồng Tư vấn khoa học, Hội đồng nghiệm thu, Ban Quản lý dự án Tủ sách – Nhà xuất bản Hà Nội và phục vụ đắc lực cho đông đảo độc giả muốn tìm hiểu về Thăng Long – Hà Nội. Đề tài sẽ góp phần bổ sung nguồn tư liệu quý cho bộ biên niên lịch sử về Thăng Long - Hà Nội và góp phần nâng cao hiểu biết của mọi người về lịch sử xây dựng và quản lý Hà Nội giai đoạn thuộc địa, đồng thời là tài liệu hữu ích phục vụ cho việc hoạch định chính sách trong quy hoạch, quản lý và phát triển thành phố Hà Nội hiện tại và tương lai.
Phạm Hà Linh
Nhà xuất bản Hà Nội