Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ ba, 15/07/2014 05:43
Những giá trị tư liệu Hán Nôm quý về Văn sách thi Đình Thăng Long – Hà Nội tiếp tục được tuyển dịch và giới thiệu trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến
Kể từ khoa thi đầu tiên năm 1075 đến khoa thi cuối cùng năm 1919, danh sách các nhà khoa bảng được xác định là trên 3000 người. Văn sách thi Đình là những thành tựu của kỳ thi cao nhất trong khoa cử thời phong kiến. Tác giả của các bài Văn sách Đình đối thực sự là những người tài ba đã trải qua rất nhiều kỳ thi mới đến được kỳ thi Đình do đó bài văn của họ thực sự là những áng văn bất hủ. Trên cơ sở nguồn tư liệu quý giới thiệu văn bài của 24 nhà khoa bảng là người Hà Nội trong tập 1, tập 2 “Văn sách thi Đình Thăng Long – Hà Nội”được xuất bản năm 2010, việc tiếp tục tuyển dịch, biên soạn, giới thiệu những áng văn mẫu mực, những thành quả tinh hoa trí tuệ của người xưa là một việc làm rất cần thiết để bổ sung thêm nguồn tư liệu quý về văn hoá, giáo dục của Thăng Long trong bộ biên niên lịch sử Thăng Long nghìn năm. “Văn sách thi Đình Thăng Long – Hà Nội” Tập 3 do PGS.TS. Nguyễn Văn Thịnh chủ biên sẽ giới thiệu 13 nhà khoa bảng không phải là người Hà Nội nhưng tham dự kỳ thi Đình tại Thăng Long – Hà Nội. Đề cương chi tiết đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu thông qua chiều ngày 11/7/2014.

 

Thi Đình - kỳ thi đặc biệt, kỳ thi cao nhất của khoa thi Tiến sĩ do Hoàng đế trực tiếp chỉ đạo từ ra đề, chấm bài và xét đỗ. Trong những kỳ thi đó, vấn đề Hoàng đế hỏi là những vấn đề quốc gia đại sự. Việc trả lời của những người ứng thí không còn là bài thi thông thường về kiểm tra kiến thức mà quan trọng hơn là độ uyên sâu của kiến thức được vận dụng để đưa ra và gợi mở các kế sách để Hoàng đế thâu lượm, từ đó để chọn ra những người có tài đức thể hiện trong bài thi mà chọn người ban cho chức quyền. Trong giai đoạn I - Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, PGS.TS. Nguyễn Văn Thịnh là chủ biên bộ sách “Văn sách thi Đình Thăng Long – Hà Nội” gồm 2 tập.  Bộ sách đã được đông đảo độc giả, giới chuyên môn đón nhận và đánh giá cao về nguồn tư liệu được tuyển chọn, chất lượng dịch, chú giải và những đóng góp của nó cho việc nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa, giáo dục của Thăng Long – vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi hội tụ hồn thiêng sông núi. Việc tiếp tục sưu tầm, tuyển dịch giới thiệu các bài văn sách thi Đình của các sĩ tử dự các kỳ thi Đình tại Thăng Long – Hà Nội được Hội đồng nghiệm thu khẳng định là việc làm cần thiết.
 
Theo chủ biên và nhóm đề tài cho biết, Tập 3 “Văn sách thi Đình Thăng Long – Hà Nội” sẽ là một tập tương đối độc lập với tập 1 và tập 2. Vì trong Tập 3 tập trung vào giới thiệu Văn sách thi Đình của những cuộc thi Đình được tổ chức tại Kinh đô Thăng Long - Hà Nội, tác giả văn bài là những người tham dự kỳ thi Đình tại Thăng Long - Hà Nội, không phải quê Hà Nội, đó là các cuộc thi vào thời Lê sơ qua Mạc - Lê - Trung hưng, trong đó thời Lê sơ là thời được coi là đỉnh thịnh của khoa cử và là thời phồn vinh của văn chương khoa cử. Ở Tập 3 này, cấu trúc vẫn được bố cục giống tập 1, 2, nhưng vẫn có phần tổng quan vấn đề nghiên cứu, phần khảo cứu này sẽ giới thuyết kỹ về tiêu chí khi lựa chọn 13 tác giả, hướng nghiên cứu để người đọc dễ hình dung và tiếp cận khi tìm hiểu về Thăng Long – Hà Nội.
 
PGS.TS. Nguyễn Văn Thịnh là chủ biên bộ sách “Văn sách thi Đình Thăng Long – Hà Nội”. Ảnh: Đ.Tùng.
 
Văn sách Đình đối là bài văn nghị luận theo “thể sách”. Đề bài sách vấn do Hoàng đế trực tiếp ra hoặc do các văn thần cấp cao ra đề rồi được Hoàng đế duyệt lại, sách vấn thường hỏi về những vấn đề trị quốc, an dân (trị đạo), người thi phải viện dẫn kinh điển và thực tế đời sống (thời vụ sách) để trả lời – đối sách. Vì vậy Văn sách Đình đối trở thành văn kiện văn chương đặc biệt của văn chương khoa cử - sản phẩm cao của văn hiến Việt Nam thời kỳ khoa cử.
 
Xin dẫn cụ thể 13 nhà đại khoa được tuyển chọn giới thiệu các bài Văn sách thi Đình trong Tập 3, đây đều là Trạng nguyên và Bảng nhãn:
 
1. Lương Thế Vinh
 
2. Nguyễn Đức Trinh
 
3. Vũ Kiệt
 
4. Lê Quảng Chí
 
5. Phạm Đôn Lễ
 
6. Nguyễn Quang Bật
 
7. Trần Sùng Dĩnh
 
8. Vũ Duệ
 
9. Vũ Dương
 
10. Nghiêm Viện
 
11. Nguyễn Văn Giai
 
12. Đỗ Cung
 
13. Lê Quý Đôn
 
Mỗi tác giả sẽ được giới thiệu về tiểu sử, hành trạng, phần giới thiệu bản Văn sách thi Đình được phiên âm chữ Hán, dịch nghĩa, chú thích và đưa nguyên văn chữ Hán (in ấn ảnh).
 
Quang cảnh buổi họp. Ảnh: Đ. Tùng.
 
Theo chủ biên, việc nghiên cứu Văn sách Đình đối dựa trên nguồn tư liệu gốc còn lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm và một số tư liệu hiện còn được lưu tại các gia đình, các di tích (gia phả, Thần phả, bi ký). Hầu hết các bài văn sách dự kiến được tuyển chọn có tại thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm nên đây là nguồn tư liệu khả tín giúp nhóm biên soạn có căn cứ trên tư liệu gốc để tuyển chọn 13 vị đại khoa là người ở các địa phương không phải quê Hà Nội đã tham dự các kỳ thi Đình tại Thăng Long.
 
Hội đồng nghiệm thu nhận định, PGS.TS. Nguyễn Văn Thịnh là người có tri thức Hán Nôm sâu, có khả năng nghiên cứu và biên dịch các văn bản, tác phẩm Hán Nôm với kinh nghiệm tổ chức biên soạn các đề tài liên quan đến khoa cử. Hơn nữa, chủ biên đề tài có được sự hỗ trợ của nhóm biên soạn là những chuyên gia giàu kinh nghiệm, có trình độ chuyên môn Hán Nôm vững, đã từng làm nhiều công trình về văn chương khoa cử. Nhóm tác giả đã công bố công trình nghiên cứu, tuyển dịch văn bài của 24 nhà đại khoa trong bộ sách “Văn sách thi Đình Thăng Long – Hà Nội” tập 1 và 2 được Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành đúng dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội năm 2010. Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao kinh nghiệm và khả năng thực hiện đề tài của nhóm biên soạn.
 
Hy vọng rằng với những thành công được ghi nhận trong Tập 1, 2, Tập 3 “Văn sách thi Đình Thăng Long – Hà Nội” được thực hiện bởimột đội ngũ tác giả là những chuyên gia Hán Nôm hàng đầu nghiên cứu về khoa cử dưới sự chủ trì của PGS.TS. Nguyễn Văn Thịnh, bản thảo được hoàn thành, được xuất bản sẽ đảm bảo đúng tiến độ, đáp ứng sự tin tưởng, kỳ vọng của Hội đồng Tư vấn khoa học, Hội đồng nghiệm thu, Ban Quản lý dự án Tủ sách – Nhà xuất bản Hà Nội và là tài liệu giá trị phục vụ hữu ích cho đông đảo độc giả muốn tìm hiểu về Thăng Long – Hà Nội. Đề tài sẽ góp phần bổ sung nguồn tư liệu quý cho bộ biên niên lịch sử về Thăng Long - Hà Nội và góp phần nâng cao hiểu biết của mọi người về lịch sử giáo dục – khoa cử Thăng Long – Hà Nội.
 
 
Quang Trần
 
Nhà xuất bản Hà Nội

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)