Văn hóa học đường: Những trăn trở từ thực tế
Bạo lực học đường gia tăng mạnh, báo động sự xuống cấp của Văn hóa học đường (Ảnh minh họa)
Sự xuống dốc không phanh của văn hóa học đường
Trong cuốn sách Văn hóa Học đường xuất bản năm 2011, Tiến sĩ Phạm Ngọc Trung đã nhận định, chưa bao giờ truyền thống tôn sư trọng đạo lại bị xói mòn, bị xúc phạm thô bạo đến như vậy. Không ai thống kê nổi trong một năm có bao nhiêu vụ học sinh, sinh viên đánh chửi, gây thương tích cho thầy cô giáo, thậm chí có cả trường hợp học trò giết chết thầy cô giáo của mình. Nguyên nhân thì có nhiều, do ý thức hệ của cả xã hội đã thay đổi, do cơ chế thị trường đã đem tới cuộc sống vật chất no đủ nhưng cũng gạt trôi rất nhiều tài sản quý giá về tinh thần, về đạo nghĩa… và có thể còn do rất nhiều nguyên nhân khác nữa. Nhưng tựu chung lại, ngày nay nhiều bậc phụ huynh đã tự làm hỏng con em mình với lối suy nghĩ có tiền ắt mua được mọi thứ, lương tâm, đạo nghĩa, tình thầy trò… tất cả đều có thể quy đổi bằng tiền. Vì vậy cũng khó trách các em học sinh nhanh chóng bị tiêm nhiễm cách suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực của người lớn.

Cuốn sách Văn Hóa Học Đường đã đưa ra cái nhìn tương đối toàn diện, đầy đủ về Văn hóa học đường trong thời đại mới
Bên cạnh đó, tác giả Trần Ngọc Trung cũng cho rằng, ngày nay văn hóa học đường xuống cấp một phần cũng do đạo làm thầy chưa nghiêm. Vẫn là động lực của đồng tiền khiến nhiều người mờ mắt, con chữ đã được coi như món hàng, thậm chí là món hàng tồi, nhưng với vị thế của người thầy, nhiều người vẫn ép cha mẹ học sinh dù muốn hay không vẫn phải mua bằng hình thức cho con em mình đi học thêm bất kể ngày giờ. Vì vậy, cha mẹ hay các em học sinh dần dần quy chiếu tất cả các giáo viên vào cùng một nhóm đó là người bán chữ không hơn không kém. Khi đạo nghĩa thầy trò chỉ còn là hai chữ bán và mua thì cũng khó có thể đòi hỏi sự tôn trọng cũng như đòi hỏi tình yêu thương trân quý và từ đó, nhiều em học sinh cũng có thể dễ dàng có những lời nói, hành động xúc phạm tới thầy cô của mình. Xét cho cùng, sự xuống cấp của văn hóa học đường ngày nay là hệ quả của cả quá trình phát triển nhanh, mạnh xã hội dưới cơ chế thị trường. Và dường như trong chừng mực nào đó, ngành giáo dục đã không kịp thích ứng để điều chỉnh cho cả hệ thống, cho cả chiến lược của mình. Tất nhiên, không ai có thể đổ lỗi tất cả cho ngành giáo dục nhưng cũng thật khó để tìm một bộ, ngành nào khác chịu trách nhiệm thay cho ngành giáo dục.

Văn hóa học đường xuống cấp là do sự tác động của nhiều yếu tố (Ảnh minh họa)
Giải pháp cấp bách để nâng cao văn hóa học đường
Tìm giải pháp cho vấn nạn xuống cấp của văn học đường là một bài toán đặc biệt nan giải. Tác giả - Tiến sĩ Trần Ngọc Trung cho rằng cần xây dựng những thiết chế xã hội đặc biệt để có thể từng bước nắn lại những dòng chảy lệch lạc, tiêu cực ảnh hưởng tới phông văn hóa chung của văn hóa học đường. Tuy nhiên, thiết chế không phải những điều quá chung chung mà cần sự cụ thể, chi tiết và đơn giản nhất.
Văn hóa học đường cần được xây dựng từ những điều cụ thể, đơn giản nhất (Ảnh minh họa)
Người Nhật Bản đã rất thành công với một bản cẩm nang hành động toàn dân, trong đó người ta quy định những điều rất nhỏ nhặt nhưng thiết thực và đem lại lợi ích cho nhiều người. Ví dụ nếu ai trông thấy một bóng đèn đang sáng khi trong phòng không có người thì lập tức phải tắt đi, nếu nhìn thấy một vòi nước đang chảy nhưng không có ai dùng thì cũng phải bước tới để vặn lại. Những điều quy ước giản dị nhưng dễ làm, dễ thực hiện ấy tưởng như không cần phải đưa vào cẩm nang hành động toàn dân thì lại được người Nhật rất chú trọng. Nó khác xa với những khẩu hiệu sáo rỗng, nhàm chán ở nhiều ngôi trường tại nước ta. Bài học từ người Nhật cho chúng ta hiểu rằng, văn hóa học đường không cần tạo lập từ những ngôn từ bóng bẩy, xa xôi mà phải bắt đầu từ những việc gần gũi, thiết thực hàng ngày.
Thu Hoan
Nhà xuất bản Hà Nội