Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ tư, 16/07/2014 03:52
Từ điển địa danh hành chính Hà Nội

Địa danh hành chính là một mặt biểu hiện của thông tin quản lý hành chính nhà nước, phản ánh thể chế, sự phân cấp quản lý, cách thức điều hành và duy trì mọi hoạt động của bộ máy hành chính mỗi quốc gia. Vì vậy, nghiên cứu, sưu tầm, giới thiệu một cách hệ thống các đơn vị gọi tên này là một việc làm cần thiết. Hà Nội là thủ đô, là trung tâm văn hoá, chính trị, kinh tế, giáo dục của cả nước do đó rất cần một công trình tra cứu về địa danh nói chung, địa danh hành chính theo các thời kỳ. Trong cơ cấu đề tài của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II, đề tài “Từ điển địa danh hành chính Hà Nội” do PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Thanh chủ biên đã được Hội đồng nghiệm thu thông qua sáng ngày 12/7/2014. Đề cương đã đáp ứng những yêu cầu cần thiết của một đề tài nghiên cứu khoa học, phạm vi khảo cứu của đề tài là địa danh hành chính Thăng Long - Hà Nội truyền thống, đề tài được biên soạn và xuất bản sẽ là tư liệu tra cứu phổ cập, có giá trị nghiên cứu tư liệu liên ngành địa lý, lịch sử, ngôn ngữ và văn hoá.

 

Nghiên cứu về địa danh hoặc vấn đề liên quan đến địa danh Hà Nội đã có nhiều công trình nghiên cứu, biên soạn, xuất bản được ghi nhận như “Lược sử tên phố Hà Nội” của nhóm tác giả Lê Thước, “Hà Nội: phố làng biên niên sử” của Nguyễn Bắc và Nguyễn Vinh Phúc, “Đường phố Hà Nội” của Nguyễn Vinh Phúc và Trần Huy Bá, “Từ điển Hà Nội: Địa danh, Làng xã ngoại thành Hà Nội” của nhà nghiên cứu Bùi Thiết, “Thành luỹ, phố phường và con người Hà Nội” của cụ Nguyễn Khắc Đạm… Và trong dịp Đại lễ kỷ niệm nghìn năm Thăng Long, một số công trình mới gắn với mảng địa danh được xuất bản như “Từ điển đường phố Hà Nội” của nhóm tác giả Nguyễn Hoài, “Phố và đường phố Hà Nội” của nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc, “Từ điển Hà Nội” của TS. Nguyễn Viết Chức, “Địa danh Hà Nội thời Nguyễn: khảo cứu từ nguồn tư liệu Hán Nôm” của TS. Nguyễn Thuý Nga, “Địa bạ cổ Hà Nội” của GS. Phan Huy Lê… Đây là nguồn tư liệu có giá trị, hữu ích phục vụ nghiên cứu, là cơ sở để các nhà nghiên cứu tham khảo trong các công trình nghiên cứu của mình.
 
Trên cơ sở tiếp thu kết quả của những công trình đi trước đã được ghi nhận, đề tài “Từ điển địa danh hành chính Hà Nội” do PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Thanh chủ biên thuộc Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II với mục đích qua kết quả nghiên cứu của chủ biên và cộng sự sẽ tổng hợp khoa học về hệ thống địa danh hành chính khu vực Thăng Long – Hà Nội truyền thống từ thế kỷ XIX đến nay.
 
PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Thanh chủ biên trình bày nội dung đề cương chi tiết trước Hội đồng. Ảnh: V. Chiến.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu về địa danh hành chính được công nhận, với trình độ chuyên môn, tâm huyết của một nhà khoa học có trách nhiệm, Hội đồng Tư vấn khoa học, Ban Quản lý Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến đã tin tưởng và chọn PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Thanh thực hiện đề tài “Từ điển địa danh hành chính Hà Nội”. Sản phẩm cuốn sách là một bức tranh tổng hợp, khoa học, chi tiết về hệ thống địa danh hành chính khu vực Thăng Long – Hà Nội truyền thống từ thế kỷ XIX đến nay. Với phần khảo cứu khoa học về quá trình hình thành, phát triển hệ thống địa danh hành chính Hà Nội hai thế kỷ, cuốn sách cung cấp thông tin cơ bản về từng địa danh hành chính tương ứng với các đơn vị hành chính trong các giai đoạn lịch sử, kết hợp với việc minh hoạ thông qua hệ thống bản đồ chi tiết (từ vị trí của các thôn, phường, tổng thế kỷ XIX đến nay).

Đề tài tập trung nghiên cứu, giới thiệu các vấn đề địa danh hành chính của Thăng Long – Hà Nội cổ truyền từ thế kỷ XIX đến nay, không gian nghiên cứu là địa bàn huyện Thọ Xương, Vĩnh Thuận dưới thời Nguyễn tương ứng với 5 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Tây Hồ. Theo chủ biên cho biết, các vấn đề về địa danh hành chính của Thăng Long – Hà Nội cổ truyền trước thế kỷ XIX đều không có nhiều biến động. Tuy nhiên, với nguồn tư liệu tác giả thu thập được trên thực tế không đảm bảo để nghiên cứu chi tiết và cụ thể những giai đoạn trước đó, nhưng giai đoạn từ thế kỷ XIX trở đi, dưới thời Nguyễn, mặc dù Thăng Long không còn là kinh đô nhưng nhà Nguyễn vẫn cho duy trì các yếu tố truyền thống của Thăng Long. Mặc khác, nhà Nguyễn tiến hành lập địa bạ trên toàn quốc, trong đó có Thăng Long do vậy nguồn tư liệu nghiên cứu ở giai đoạn này cho phép nghiên cứu địa danh hành chính của Thăng Long – Hà Nội cụ thể, chi tiết hơn. Đặc biệt vấn đề vị trí của khu vực hành chính – nơi gắn với địa danh hành chính được xác lập cụ thể, chi tiết hơn. Giai đoạn từ thế kỷ XIX trở đi, Thăng Long – Hà Nội nói riêng có những bước chuyển biến mạnh mẽ dưới tác động của các yếu tố thời đại và lịch sử vì thế địa danh hành chính cũng biến động dữ dội.
 
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: V. Chiến

Theo đó, cấu trúc của cuốn sách được biên soạn sẽ có 3 phần chính:

Phần I. Phần nghiên cứu. Gồm 4 chương tiếp cận từ các vấn đề nghiên cứu chung, nghiên cứu theo thời kỳ Địa danh hành chính Thăng Long – Hà Nội thời Nguyễn, Địa danh đường phố Hà Nội giai đoạn 1887-1954, Địa danh khu vực nội thành Hà Nội giai đoạn 1954 đến nay. Trong phần này sẽ giới thuyết rõ tiêu chí chọn lựa vấn đề nghiên cứu, cách tiếp cận, hướng đi trong nghiên cứu và trình bày những khảo cứu về đề tài khi làm rõ khái niệm địa danh hành chính. Với những giá trị khoa học được trình bày, người đọc sẽ hình dung được nội dung khảo cứu tổng thể về địa danh hành chính Thăng Long – Hà Nội trong các thời kỳ lịch sử. Qua đó, khẳng định đề tài này không phải là từ điển địa danh, đối tượng đề tài hướng tới là những người muốn tìm hiểu, nghiên cứu chuyên môn về Hà Nội học không phải phục vụ tra cứu địa danh.

Phần II. Tra cứu. Phần này giới thiệu 3 nội dung tra cứu địa danh: Tra cứu từ địa danh đường phố hiện nay ngược lại tới giai đoạn thời Nguyễn (tra ngược), Tra cứu tên các phố bằng tiếng Pháp giai đoạn Pháp thuộc, Tra cứu từ các đơn vị hành chính thời Nguyễn đến nay (tra xuôi).

Phần III. Hệ thống bản đồ (dự kiến giới thiệu khoảng 35 bản đồ). Phần này sẽ đem lại cái nhìn trực quan, cụ thể trên cơ sở hệ thống bản đồ được lựa chọn giới thiệu tương ứng với từng nội dung thể hiện làm cơ sở minh hoạ.

Đề tài thực hiện từ cách tiếp cận nghiên cứu liên ngành: phương pháp phân tích ngôn ngữ học, phương pháp địa lý, GIS, hệ thông tin địa lý, phương pháp nghiên cứu lịch sử, phương pháp phân tích thống kê, định lượng, phương pháp so sánh, đối chiếu với cơ sở tài liệu từ những kết quả nghiên cứu của nhóm biên soạn, triệt để khai thác tư liệu gốc và kế thừa kết quả nghiên cứu của các công tình đã công bố từ đó hệ thống và tổng hợp, đương đại và lịch đại, khu vực học và liên ngành để biên soạn một cuốn sách chuyên khảo về địa danh hành chính Hà Nội truyền thống.

Đề cương chi tiết đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu thông qua, trên cơ sở những góp ý thiết thực, hữu ích của Hội đồng, nhóm tác giả tiếp thu và hoàn thiện đề cương để tiến hành biên soạn, sớm hoàn thành bản thảo có chất lượng theo yêu cầu của Tủ sách và sự kỳ vọng của Hội đồng Tư vấn chuyên môn, Hội đồng thẩm định, Ban Quản lý Dự án Tủ sách và sự đón đợi của độc giả về một cuốn sách khảo cứu địa danh hành chính Hà Nội có giá trị nghiên cứu tư liệu về Thăng Long – Hà Nội.


Phương Linh

Nhà xuất bản Hà Nội

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)