Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ tư, 16/07/2014 04:21
“Kinh tế đối ngoại Thăng Long – Hà Nội”: Cuốn sách chuyên khảo về kinh tế đối ngoại Thăng Long – Hà Nội qua các thời kỳ

Trong những tư liệu quý được sử liệu Việt Nam và thế giới ghi chép, tư liệu về Thăng Long – Hà Nội được phản ánh trong nhiều bộ sách lịch sử đã được công bố cho thấy Thăng Long – Hà Nội đã tiếp cận với nền kinh tế thế giới khá sớm. Tuy nhiên, từ trước đến nay việc soạn thảo một bộ sách chuyên khảo có hệ thống về kinh tế đối ngoại của Thăng Long – Hà Nội qua các thời kỳ, nhất là thời kỳ sau cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay gần như chưa có. Do vậy, trong cơ cấu đề tài mảng sách Kinh tế của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II đã dành một vị trí quan trọng cho đề tài “Kinh tế đối ngoại Thăng Long – Hà Nội”. Đây là đề tài dưới sự chủ trì thực hiện của hai nhà khoa học được đánh giá là chuyên gia hàng đầu trong nghiên cứu về kinh tế của Hà Nội, đó là GS.TS. Tô Xuân Dân và PGS.TS. Nguyễn Quang Lân. Đề cương chi tiết đề tài được Hội đồng nghiệm thu thông qua sáng ngày 14/7/2014.


Với kinh nghiệm tích lũy và tâm huyết, trách nhiệm của người làm khoa học, hai chủ biên mong muốn có được một công trình tổng kết lại hoạt động kinh tế đối ngoại của Thủ đô thời gian qua, phác thảo tầm nhìn mới, yêu cầu và nhiệm vụ mới đặt ra nhằm đưa lĩnh vực kinh tế đối ngoại trên địa bàn Thủ đô có những chuyển biến mới mẻ phương thức phát triển và có những bước đi mới trong đổi mới tư duy đối ngoại và phương thức phát triển kinh tế đối ngoại, xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế đối ngoại, khơi dậy nguồn lực phát triển mới thông qua ứng dụng khoa học – công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực từ đó tạo động lực thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế đối ngoại trên địa bàn Thủ đô.


GS.TS. Tô Xuân Dân và TS. Nguyễn Quang Lân (đồng chủ biên) đề tài “Kinh tế đối ngoại Thăng Long - Hà Nội”. Ảnh: Đ.Tùng.

Theo đánh giá của Hội đồng nghiệm thu đề tài “Kinh tế đối ngoại Thăng Long - Hà Nội” được xuất bản sẽ là cuốn sách có giá trị khoa học và thực tiễn, rất cần thiết cho mảng sách kinh tế của Tủ sách, đáp ứng nhu cầu, mong muốn của độc giả và người nghiên cứu quan tâm tìm hiểu về lĩnh vực này, là tài liệu tham khảo hữu ích, thiết thực cho các nhà hoạch định chính sách kinh tế của Thủ đô. Trên cơ sở yêu cầu và tiêu chí của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, Hội đồng nghiệm thu và chủ đầu tư đều mong muốn có một cuốn sách mang tính chất tổng kết, xuyên suốt các giá trị của kinh tế đối ngoại Thăng Long - Hà Nội do vậy, Hội đồng đề nghị chủ biên đầu tư thêm cho nội dung kinh tế đối ngoại của Thăng Long - Hà Nội trong lịch sử. Theo Hội đồng, tư liệu về nội dung này khá nhiều nhưng lại rải rác, cần có sự tổng hợp, chắt lọc, kế thừa từ các công trình nghiên cứu trước, đây là việc làm đòi hỏi phải dành nhiều thời gian và tâm huyết thực hiện.

Do đó, theo ý kiến Hội đồng với tên sách là “Kinh tế đối ngoại Thăng Long - Hà Nội” nội dung cuốn sách sẽ triển khai những vấn đề sau: Những cơ sở chủ yếu của việc phát triển lĩnh vực kinh tế đối ngoại trên địa bàn Hà Nội; Quá trình phát triển các hoạt động kinh tế đối ngoại trên địa bàn Hà Nội; Quan hệ kinh tế đối ngoại của Hà Nội với các thị trường chủ yếu; Tầm nhìn mới, bước đi mới của các hoạt động kinh tế đối ngoại trên địa bàn Thủ đô. Ngoài ra, một số nội dung, kết cấu của đề cương trên cơ sở những góp ý của Hội đồng, chủ biên cần lưu ý sắp xếp, chỉnh sửa cho logic và hợp lý hơn. Đồng thời Hội đồng cho rằng, nội dung cuốn sách cần bổ sung thêm một số vấn đề: kinh tế đối ngoại Thăng Long - Hà Nội trong lịch sử, giai đoạn trước đổi mới, một số thị trường có vai trò quan trọng như Hàn Quốc, Ấn Độ... Hơn nữa, nội dung về tầm nhìn kinh tế đối ngoại cần có sự đầu tư xứng đáng, vừa thể hiện được tính thực tiễn, vừa có giá trị định hướng xu thế. Và đây là nội dung góp phần khẳng định được giá trị nghiên cứu và tư liệu của cuốn sách. Để cuốn sách có nội dung phong phú, cung cấp tư liệu tham khảo có giá trị Hội đồng cho rằng các tác giả lưu ý có thể bổ sung phần Phụ lục giới thiệu các bài nghiên cứu chuyên sâu về các lĩnh vực kinh tế đối ngoại của Thăng Long - Hà Nội.    


Các thành viên trong Hội đồng nghiệm thu trao đổi, thảo luận và đóng góp ý kiếm cho đề cương. Ảnh: Đ.Tùng.

Hội nhập kinh tế quốc tế có thể mang lại nhiều lợi ích kinh tế. Việc nhập khẩu các sản phẩm trung gian và thu hút đầu tư mà trong nước không thể cung cấp với giá tương ứng, việc chuyển giao công nghệ và các ý tưởng từ những nước phát triển hơn, và việc tiếp cận thị trường vốn và hàng hóa quốc tế có thể giúp chúng ta giải quyết một số hạn chế cố hữu để tăng trưởng và phát triển nhanh hơn. Nhưng đó là những lợi ích tiềm năng chỉ có thể phát huy đầy đủ tác dụng khi trong nước chúng ta có nội lực vững mạnh với những chính sách và thể chế bổ trợ. Kinh nghiệm của những nước đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay là phải kết hợp tốt giữa việc mở cửa tự do hóa với việc duy trì mức tiết kiệm - đầu tư cao, ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển nguồn nhân lực và quản lý nhà nước tốt.

“Kinh tế đối ngoại Thăng Long – Hà Nội” được biên soạn, xuất bản sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách kinh tế đối ngoại, các ngành hữu quan của Hà Nội, giới chuyên môn và độc giả khi tiếp cận và mở rộng thêm hiểu biết về việc phát triển lĩnh vực kinh tế đối ngoại ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.

Đề cương chi tiết đề tài “Kinh tế đối ngoại Thăng Long – Hà Nội” được Hội đồng nghiệm thu thông qua, sau khi nhóm biên soạn hoàn thiện đề cương chi tiết, cuốn sách sẽ sớm được biên soạn và xuất bản đáp ứng yêu cầu của Tủ sách và sự kỳ vọng của Hội đồng Tư vấn khoa học, Ban Tư vấn chuyên môn, Hội đồng nghiệm thu, Ban Quản lý Dự án Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II và đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước muốn tìm hiểu về Thăng Long - Hà Nội, đặc biệt là về kinh tế đối ngoại Hà Nội thời kỳ hội nhập và phát triển.


Trần Đông Nhi

Nhà xuất bản Hà Nội

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)