Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ tư, 16/07/2014 04:37
75 ngày biển nóng

75 ngày Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam là 75 ngày con dân nước Việt sống trong cảm giác nhức nhối như bị cái gai ghim vào giữa tim. Nỗi đau mang tên “Hoàng Sa”  vốn không thể nguôi ngoai lại có thêm can cớ để trỗi dậy, để day dứt.

 

75 ngày đó cũng đã chứng kiến biết bao nhiêu những tình cảm thiêng liêng hướng về quê hương, đất nước, quyết tâm bảo vệ từng tấc đất, tấc biển của ông cha để lại của hàng triệu triệu người Việt, dù ở trong hay ngoài nước, dù già hay trẻ. Đó cũng là 75 ngày các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của chúng ta dường như không có lấy một phút ngơi nghỉ trong cuộc đấu tranh hòa bình buộc Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam.

Petrotimes xin được điểm lại một số mốc sự kiện chính để độc giả có cái nhìn toàn cảnh về sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam lần này.

- Ngày 2/5/2014, Trung Quốc ngang nhiên kéo giàn khoan Hải Dương 981 tới vị trí cách đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam 17 hải lý về phía nam, cách đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi, Việt Nam) khoảng 120 hải lý về phía đông. Đây là vị trí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.

Để bảo vệ giàn khoan tỉ đô này, Trung Quốc huy động tới 80 tàu thuyền các loại, trong đó có 7 tàu quân sự như tàu hộ vệ tên lửa 534; tàu tuần tiễu tên lửa tấn công nhanh 753; 33 tàu hải cảnh; cùng nhiều tàu vận tải, tàu cá. Ngoài ra, hàng ngày còn có hàng chục tốp máy bay hoạt động trên khu vực. Có những thời điểm, số lượng tàu hộ tống của Trung Quốc lên tới hơn 100 chiếc, trong đó các tàu chiến thường xuyên lởn vởn xung quanh giàn khoan.


Tàu Trung Quốc hung hăng bắn vòi rồng vào tàu chấp pháp của Việt Nam trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam

Để bảo vệ quyền chủ quyền, quyền tài phán của mình trong vùng đặc quyền kinh tế theo đúng quy định của luật pháp quốc tế, Việt Nam đã cử 29 tàu Cảnh sát biển, Kiểm ngư tới các khu vực gần giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc, khi nhận thấy giàn khoan này định "thiết lập vị trí cố định". Lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam tích cực tuyên truyền, kêu gọi Trung Quốc chấm dứt ngay hành vi vi phạm pháp luật quốc tế, rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam.

- Ngày 4/5,Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có thư gửi Chủ tịch và Tổng giám đốc của Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc cực lực phản đối hành động của phía Trung Quốc và kiên quyết yêu cầu Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc dừng ngay lập tức các hoạt động bất hợp pháp và rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam.

- Ngày 7/5, sau nhiều ngày kiên trì vận động, tuyên truyền trên thực địa và trao đổi qua đường ngoại giao không đạt được kết quả, Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức hợp báo quốc tế nhằm lên tiếng phản đối mạnh mẽ về hành động ngang ngược của phía Trung Quốc.Cũng trong ngày này, phía Trung Quốc đã tăng số lượng tàu lên 80 tàu, trong đó có nhiều tàu quân sự cùng với sự yểm trợ của nhiều máy bay trực thăng chủ động khiêu khích, tấn công làm 8 tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư của ta bị hư hại, 6 kiểm ngư viên bị thương.


Việt Nam họp báo quốc tế lần đầu về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam ngày 7/5/2014

- Ngày 11/5, trong khi ở trong nước, người dân nhiều địa phương trên cả nước tuần hành, mít tinh hòa bình phản đối, lên án Trung Quốc, thì tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 24 ở Myanmar, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lần đầu tiên công khai tố cáo những hành động vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc.

- Ngày 15/5, Người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Lê Hải Bình tuyên bố Việt Nam đã đưa công hàm phản đối Trung Quốc ra Liên Hiệp Quốc.

- Ngày 20/5, phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên Hiệp Quốc tại Genève đã gửi thông cáo đến Văn phòng Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới và các tổ chức quốc tế khác cũng như các cơ quan báo chí có trụ sở tại Genève, về sự kiện "Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam tại Biển Đông".

- Ngày 26/5, tàu Trung Quốc đã bao vây và đâm chìm một tàu cá của ngư dân Đà Nẵng ở khu vực Nam Tây Nam cách giàn khoan 17 hải lý, là ngư trường truyền thống, thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

- Ngày 27/5, Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương 981 sang vị trí mới có tọa độ 15o33,38 N, 111o34,62’E, cách đảo Tri Tôn về hướng Đông Đông Nam 25 hải lý, cách vi trí cũ 23 hải lý theo hướng Đông Đông Bắc, cách đảo Lý Sơn khoảng 150 hải lý, nhưng vẫn nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

- Ngày 28/5, Phái đoàn Đại diện Thường trực nước ta tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã gửi thư cho Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đề nghị lưu hành Công hàm của Bộ Ngoại giao nước ta gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc, phản đối Trung Quốc không chịu chấm dứt các hoạt động vi phạm chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.

- Ngày 3/7, Đại sứ Lê Hoài Trung, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ tiếp tục gửi thư lên Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon, đề nghị lưu hành như là những tài liệu chính thức của Đại Hội đồng LHQ (khóa 68) hai văn bản nêu lập trường của Việt Nam về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; đồng thời khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, bác bỏ các yêu sách không có cơ sở pháp lý và lịch sử của Trung Quốc về chủ quyền đối với quần đảo này.

Việt Nam đã tích cực tuyên truyền, giải thích rõ lập trường của mình cũng như cập nhật tình hình trên biển cho bạn bè quốc tế, để dư luận các nước hiểu rõ sự hung hăng, ngang ngược của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Trong 5 cuộc họp báo quốc tế về tình hình Biển Đông, kể từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam, Bộ Ngoại giao Việt Nam luôn nhấn mạnh quan điểm: Khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou-981) nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou-981) và các tàu bảo vệ của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng quyền, chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 (DOC) và các thỏa thuận có liên quan khác giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou-981) và các tàu bảo vệ ra khỏi vùng biển của Việt Nam.

Trong các cuộc họp báo, đại diện các Cục Kiểm ngư và Cảnh sát biển Việt Nam cũng đã đưa ra những hình ảnh, video… chứng minh cho hành động hung hăng và ngang ngược của các tàu bảo vệ Trung Quốc trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Cộng đồng quốc tế đã có những phản ứng quyết liệt trước cách hành xử hung hăng, ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông. Một loạt các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Philippines, Indonesia, Ấn Độ và các học giả uy tín trên toàn thế giới đã lên án các hành động đơn phương, khiêu khích, bất chấp luật pháp quốc tế, gây mất ổn định và làm gia tăng căng thẳng trong khu vực của Bắc Kinh.

Mới đây nhất, Thượng viện Mỹ ngày 10/7 còn thông qua Nghị quyết S.RES.412 về tình hình an ninh châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có nội dung yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan phi pháp Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam.

Trước đó, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định Việt Nam sẽ nghiên cứu mọi phương án để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của mình, kể cả phương án pháp lý, đó là kiện Trung Quốc lên tòa án quốc tế.

Ở trong nước, dư luận Trung Quốc cũng xuất hiện ngày càng nhiều tiếng nói phê phán yêu sách chủ quyền dựa trên “đường lưỡi bò” phi lý của nhà cầm quyền Bắc Kinh.

Trên báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng ngày 26/6/2014, Giáo sư Lý Vĩnh Long, Trường Đại học Hạ Môn (Trung Quốc) thằng thừng kêu gọi: "Việc từ bỏ hoàn toàn đường lưỡi bò sẽ khắc phục hoàn toàn tình trạng mập mờ cản trở thực tiễn, làm cho các cuộc đàm phán khách quan và tin cậy hơn và xây dựng lại hình ảnh Trung Quốc đáng tin cậy hơn với láng giềng và quốc tế".

Ông tiên đoán rằng, dù Chính phủ Trung Quốc cứ mải lao theo đường lưỡi bò, nhưng cuối cùng thì cái hoang đường không thể tồn tại lâu hơn, để bắt đất nước Trung Quốc làm “tù binh cho các hoang đường huyễn hoặc” ấy mãi!

Ngay cả một học giả có quan điểm khá tương đồng với chính phủ Trung Quốc như ông Uất Chí Vinh, nguyên Tổng đội phó Hải giám Đông Hải, hiện là nghiên cứu viên Trung tâm nghiên cứu phát triển hải dương Trung Quốc, cũng phải thừa nhận một thực tế là chủ trương của chính phủ Trung Quốc về cái gọi là “đường 9 đoạn” không có cơ sở chắc chắn, không được giới học thuật đồng tình, ủng hộ và là nguyên nhân gây nên tranh chấp trên biển với các nước láng giềng.

- Ngày 15/7, trong một bản tin muộn, Tân Hoa xã trích dẫn thông cáo báo chí của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) về việc quyết định dịch chuyển giàn khoan Hải Dương 981 về khu vực Lăng Thủy, đảo Hải Nam, Trung Quốc, với lý do “đã hoàn thành nhiệm vụ”. Thông báo này đã được Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi xác nhận vào ngày hôm nay (16/7).


Linh Phương (tổng hợp)

(Theo petrotimes.vn)

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)