Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ tư, 30/07/2014 10:05
Niềm vui vinh danh cạnh nỗi lo bảo tồn

Sáng nay (30-7), Lễ đón nhận bằng Di sản tư liệu Châu bản triều Nguyễn thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á- Thái Bình dương của UNESCO được tổ chức long trọng tại Hà Nội. Tình đến thời điểm này, Châu bản triều Nguyễn là di sản tư liệu thứ 4 của Việt Nam được UNESCO công nhận sau Mộc bản triều Nguyễn (năm 2009), 82 Bia đá Tiến sĩ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (2010) và Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (năm 2012). Việc vinh danh Châu bản triều Nguyễn góp phần làm phong phú thêm kho di sản tư liệu ký ức của Việt Nam và của thế giới.

 



Mộc bản triều Nguyễn

Sau vinh danh, câu chuyện muôn thuở tưởng chừng như không mới, nhưng lại là một vấn đề đặt ra cấp thiết hơn, đó là là làm sao phải bảo vệ tốt và bảo tồn theo đúng nghĩa để những di sản quý hiếm nói trên mãi lưu lại cho hậu thế. 

Cả 4 di sản tư liệu ký ức thế giới của Việt Nam được UNESCO vinh danh đều đáp ứng những đòi hỏi nghiêm ngặt của tổ chức này về tính  độc đáo, độc bản cũng như chứa đựng nhiều giá trị nội dung trong đó. Riêng với Châu bản triều Nguyễn, các chuyên gia đã  đánh giá cao giá trị nội dung, tính xác thực, độc đáo, duy nhất và tầm ảnh hưởng của Châu bản đối với khu vực và quốc tế. Đây là khối tài liệu hành chính duy nhất còn lưu giữ được của một vương triều phong kiến Việt Nam, lưu giữ bút tích của các vua triều Nguyễn phê duyệt các hoạt động của đất nước. Châu bản triều Nguyễn chứa đựng nhiều thông tin phong phú, phản ánh mọi lĩnh vực trong xã hội dưới triều Nguyễn như chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, ngoại giao, văn hóa, giáo dục… Đặc biệt, theo nội dung các Châu bản, các cơ quan của triều đình nhà Nguyễn đã tiến hành xác lập, thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; cử nhiều đoàn khảo sát liên tục ra 2 quần đảo này để khảo sát, cắm mốc, đo vẽ bản đồ. Vinh danh Châu bản triều Nguyễn – những chứng cứ khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam ở vào thời điểm này lại càng có nhiều ý nghĩa.  Song niềm tự hào Châu bản triều Nguyễn được vinh danh di sản tư liệu ký ức thế giới nhiều bao nhiêu, thì nỗi lo lắng về việc gìn giữ tính nguyên bản của di sản cũng lớn lao bấy nhiêu. Theo GS. Phan Huy Lê, số tư liệu Châu bản có trước đây rất đồ sộ, nhưng trải qua chiến tranh nhất là vào khoảng thời gian những năm 1945-1946, cùng với đó là sự mất mát trong bảo quản nên hiện giờ khối Châu bản triều Nguyễn chỉ còn lại 25% - tức 1/4. Số tư liệu này đã được Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước, trong đó trực tiếp là Trung tâm lưu trữ Quốc gia I đã đóng lại thành hơn 700 tập. Hôm rồi, nếu từng xem một phóng sự  trên VTV về công nghệ bảo quản phục hồi Châu bản triều Nguyễn do các chuyên gia của Trung tâm vẫn tiến hành, hẳn nhiều người sẽ thấy việc gìn giữ sự vẹn nguyên của di sản này không hề đơn giản, nếu như không muốn nói là vô cùng kỳ công và khó nhọc. Trong điều kiện khí hậu nóng ẩm mưa nhiều, cộng với trang thiết bị bảo quản còn có những hạn chế nhất định, không khỏi khiến người ta lo lắng và đặt câu hỏi: liệu sẽ kéo dài tuổi thọ của Châu bản trong bao lâu?

Rồi lại nhìn sang Di sản tư liệu ký ức thế giới- Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) mà lo. Sau vinh danh, các nhà khoa học cùng địa phương đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học bàn hướng bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị của di sản. Hầu hết các chuyên gia đều có chung quan điểm là đối với Mộc bản nói chung, nhất là Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, ngoài việc bảo tồn đúng kỹ thuật để bảo vệ an toàn về vật chất của mộc bản, thì việc cần  thiết hiện nay là phải số hóa toàn bộ khối Mộc bản để bảo tồn và sử dụng thuận tiện; tiếp đó là quảng bá và giới thiệu trên internet. Cùng với đó là biên dịch sang tiếng Việt và một số tiếng khác để những người quan tâm có thể tiếp cận nội dung mộc bản. Bởi Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đa phần là chữ Nôm chứa đựng những tác phẩm văn học có giá trị; chứa đựng những kinh nghiệm dân gian về y dược. Nhưng khi nào mới tiến hành số hóa được toàn bộ, đó vẫn là một câu hỏi để ngỏ… Điều mà các nhà nghiên cứu quan tâm là phải có chiến lược bảo tồn dài hơi chứ không phải chỉ là những giải pháp trước mắt. Trong khi chờ đợi, hiện tại kho Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm vẫn được bảo quản theo phương pháp cổ truyền, để trong hệ thống tạng. Tạng này được bôi vào chân để kiến, mối mọt không leo lên được. Để chống độ ẩm, các tạng luôn ở trong nhà có nhiệt độ dưới 30 độ. Việc bảo quản, giữ gìn cổ tự ở đây không chỉ có các hoà thượng mà có cả bà con nhân dân, Phật tử. Theo Đại Đức trụ trì Thích Thanh Vịnh, cổ tự Vĩnh Nghiêm giữ được như hôm nay, từ bên trong đến bên ngoài đều nhờ Phật tử. Chính quyền địa phương cũng ủng hộ, luôn tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn cho chùa. Tuy nhiên, hiện chưa có mô hình bảo quản, lưu giữ riêng, hệ thống tủ tạng để chung với kiến trúc thờ Phật trên Tam bảo. Khi khách thập phương, Phật tử về tế lễ, tham quan, vãn cảnh vẫn có thể động chạm đến tạng, ảnh hưởng đến sự an toàn của Mộc bản. Chính vì vậy mà mong muốn lớn nhất của  Đại Đức Thích Thanh Vịnh và một số nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa là phải sớm có một khu bảo tồn riêng cho kho Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, kèm với đó là những điều kiện tối thiểu về an ninh. 

Bảo tồn để di sản phát huy hết được tác dụng của nó trong cuộc sống đương đại- đó cũng là cách khai thác hữu hiệu những giá trị mà tiền nhân để lại cho hậu thế. Chỉ tiếc rằng hiện nay việc bảo tồn và khai thác giá trị của di sản chưa đi song hành với nhau. Đơn cử như với khối Châu bản triều Nguyễn, dù đã có nhiều cố gắng trong việc đưa Châu bản ra phục vụ xã hội, nhưng đến nay việc nghiên cứu và khai thác Châu bản triều Nguyễn còn nhiều hạn chế và sự hiểu biết về kho tư liệu này vẫn mơ hồ. Nguồn tài liệu này rất kén độc giả, vì đó không phải là tài liệu viết bằng chữ quốc ngữ, bản dịch trong Mục lục chỉ là bản tóm tắt, muốn nghiên cứu nội dung phải tìm đến bản gốc (chữ Hán). Đây chính là rào cản cho rất nhiều người muốn tìm hiểu, nghiên cứu về Châu bản. Hơn nữa, nguồn tài liệu Châu bản hiện còn là độc bản, đang lưu trữ tại Hà Nội, nên không phải ai cũng có điều kiện  tiếp cận Châu bản triều Nguyễn.

Sau vinh danh di sản, ngổn ngang nhiều công việc phải làm. Chọn việc nào trước, việc nào sau tất nhiên giờ đây không thuộc quyền quyết định của cộng đồng mà sẽ là trách nhiệm của cơ quan quản lý. Nhưng có lẽ từ chủ trương đến thực tế sẽ lại là những khoảng trống về bảo vệ và bảo tồn. Nói như Đại đức Thích Thanh Vịnh, góp phần bảo vệ cổ tự, báu vật của tiền nhân để lại có một phần công sức rất lớn của cộng đồng, của Phật tử. Có lẽ chính vì thế mà những người trông coi quản lý di tích vẫn đang phải tự tìm cách bảo vệ di sản. Trường hợp chùa Bổ Đà (Bắc Giang) có thể coi là ví dụ. Ngôi chùa cổ này cũng còn đang lưu giữ hơn 2.000 pho Mộc bản kinh Phật. Vậy mà khối tài sản vô giá này hiện chỉ được bảo quản rất sơ sài, chủ yếu được xếp trên những kệ gỗ mà không có tủ chống ẩm. Nơi lưu giữ tuềnh toàng đã đành, song Mộc bản kinh Phật chùa Bổ Đà cũng đang đứng trước nguy cơ bị mất cắp. Do đó nhà chùa luôn đề cao cảnh giác, ai muốn vào thăm kho Mộc bản phải có giấy giới thiệu hoặc có người bảo lãnh.

Thôi thì đành phải làm thế. Nhưng nghe mà thấy xót xa thay!

 
Triết Giang
 
(Theo daidoanket.vn)

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)