“Thư chiến trường” của người lính ở hai chiến tuyến
Bìa cuốn "Thư chiến trường”
Hai người lính, "phía bên kia” là Trung tá quân đội Mỹ Donald C. Lundquist; một bên là của bộ đội Việt Nam - sau này chính là thiếu tá, nhà văn, nhà phê bình Ngô Thảo. Họ có quá nhiều điều khác biệt, nhưng lại chung nhau một điểm: thường viết thư về cho vợ sau những khoảnh khắc chiến tranh. Mà nói như Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, những bức thư ấy "đều gửi tới người đọc một ước nguyện chung: được trở về với vợ và con gái yêu quý của mình trong hòa bình”.
Cuốn sách dày gần 400 trang, in song ngữ Việt - Anh. Nửa bên này là thư của Ngô Thảo viết gửi vợ Vũ Thị Bích Lộc ở địa chỉ số 6 phố Tràng Tiền - Hà Nội. Nửa kia, dày hơn, Donald C. Lundquist cũng gửi cho vợ. Đây cũng là dịp để độc giả có thể đối sánh tâm lý của 2 người lính ở hai chiến tuyến, giờ sau cuộc chiến, họ lại gặp nhau, "hòa giải” với nhau trong một tập sách mà những sắc màu chiến tranh đã được ghi lại một cách trung thực.
Thư vốn là thứ tài sản cá nhân, rất riêng tư, nhưng đúng như nhà văn Ngô Thảo nói, "riêng tư thì riêng tư thật, nhưng tôi nghĩ, đó đâu chỉ là chuyện của riêng mình. Biết bao đồng đội đã ra trận với những tâm sự như thế, bao nhiêu người đã không thể trở về”. Theo nhà văn Ngô Thảo, ông và Trung tá quân đội Mỹ Donald C. Lundquist cái khác lớn nhất là ở tính cách và văn hóa. Người Mỹ nhớ vợ, nhớ con họ bộc lộ mạnh mẽ bằng những ngôn từ táo bạo, còn tôi, thương lắm yêu lắm cũng chỉ dám nói "anh yêu em” là cùng! Tôi khi ấy chỉ là một anh lính binh nhì tầm thường, còn ông ấy đã là trung tá nên đời sống nhà binh của chúng tôi cũng khác nhau nhiều.
Qua cuốn sách này, cũng để thấy tâm lý của cả một thế hệ, được đi ra mặt trận có ý thức. "Nó hoàn toàn gần gũi với mọi người, không phải xa lạ, không lên gân, dầu lời lẽ trong này là gân cốt đấy. Để thấy rằng có một thế hệ đã ra đi, chiến đấu với tâm thế rất trong sáng như thế, rất vững vàng như thế. Cho nên điều quan trọng ở đây là cách làm sách, khi gom hai người lính ở hai chiến trận trong một cuốn sách thì đấy chính là tinh thần hòa giải”, nhà văn Ngô Thảo chia sẻ.
Cách đây ít lâu khi vào trang cá nhân của nhà văn Ngô Thảo, thấy ông gần như reo lên khi được cầm cuốn "Thư chiến trường trên tay”. Ông coi đó là món quà bất ngờ mà các con ông dành tặng cha khi bước vào tuổi 75. 3 người con của ông là Bích Hiền, Bích Hạnh, Vĩnh Hoàng đã không hề nói gì với ông trước khi làm cuốn sách này. Ngay cả buổi tiệc gặp gỡ ra mắt cuốn sách với bạn hữu tại Bảo tàng TPHCM hồi giữa tháng 6 vừa qua cũng được "bí mật đến phút cuối”, chỉ đến nơi ông mới biết.
Còn theo Ngô Thị Bích Hạnh, con gái nhà văn Ngô Thảo, cuốn sách được hình thành khi chị gặp con gái sĩ quan Mỹ Donald C. Lundquist là Jacqueline Lundquist vào năm 2013. Khi Jacqueline nói về những bức thư của cha, Hạnh mới sực nhớ tới những lần đọc trộm thư của mẹ trong tủ sách gia đình. Đó là những bức thư nhà văn Ngô Thảo gửi về từ chiến trường.
Jacqueline mất cha khi vừa lên 5 tuổi nhưng phải đến 29 năm sau, mới có đủ can đảm để lật giở lại chiếc hộp ký ức mà mẹ mình đã cất giữ cẩn thận. Khi người cha sang chiến trường Việt Nam, Jacqueline mới 3 tuổi. Sau này, khi đọc lại những bức thư, cô thực sự xúc động khi biết cha đã gửi về biết bao tình yêu, tình thương cho vợ con. Từ sự xúc động đó, cô đã đến Việt Nam, tìm lại những nơi cha cô từng cầm súng - Chu Lai và Đà Nẵng.
Sau cuộc gặp đó, cuốn sách đong đầy yêu thương của những người con muốn làm tặng cho cha được hình thành, mang tựa đề Thư chiến trường”. "Nhận tập sách và ký tặng bạn hữu mà nghẹn ngào vì món quà các con tặng ba mẹ”- nhà văn Ngô Thảo xúc động.
Thư Hoàng
(Theo daidoanket.vn)