Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Tin tức    Tin tổng hợp
Thứ bảy, 02/08/2014 11:14
50 năm ngày đánh thắng trận đầu của Hải quân Nhân dân Việt Nam: Cuộc “đối thoại” giữa trời và biển (02/08/2014)

Sau khi dựng lên Sự kiện Vịnh Bắc Bộ bằng sự đổ vấy cho Việt Nam tấn công trước để gây hấn, đế quốc Mỹ bắt đầu tổ chức không lực ra quấy đảo biển và các vùng phụ cận trong khu vực Vịnh Bắc Bộ của chúng ta. Theo chỉ đạo từ Trung ương Đảng, Bộ Quốc phòng, quân ta đã tổ chức những trận đánh chống lại sự gây hấn, xâm phạm vùng trời, vùng biển của Tổ quốc. Trong sự phản kích này, chiến công đầu tiên của lực lượng Hải quân là bắn rơi một máy bay A4, bắt sống phi công ngày 5-8-1964. Đây được coi là chiến công vang dội như cuộc "đối thoại” giữa trời và biển.

 


Các chiến sĩ của tầu 225 sau khi huấn luyện. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

 

 

Một đời áo lính

Thôn 2, xã Đan Tảo (Tân Minh, Sóc Sơn, Hà Nội) là miền đất "địa linh, nhân kiệt” được đại tá Lê Văn Chừng chọn làm nơi neo náu và thanh nhàn cho cuộc đời mình sau những năm chiến tranh dài đằng đẵng. Từ nhà ông, phóng tầm mắt qua cánh đồng mướt mát, xanh rì lúa thì con gái người ta sẽ thấy Núi Đôi, đã đi vào thi ca và huyền thoại về những chàng lính Xuân Dục và cô gái Đoài Đông. Khung cảnh ấy cùng với cuộc sống thanh nhàn, lặng lẽ không xô bồ của ông làm cho câu chuyện "một thời hoa lửa” của chúng tôi cảm thấy xốn xang hơn.

Tuy vừa trải qua một chuyến đi dài nhưng ông Chừng, nay đã bước vào tuổi xưa nay hiếm đã không hề mệt mỏi khi được chúng tôi "gợi” lại chuyện xưa. Ông bảo, may mắn đời ông đã được thời khắc lịch sử chọn, được đối đầu với những trận đánh hào hùng, có thể coi là trận đem lại thắng lợi đầu tiên của Hải quân Việt Nam. Vậy nên, cứ nhắc đến chuyện này, ông lại thấy vui và thấy khỏe ra.

Trong đời những người lính, có lẽ ông Chừng là một lính "toàn tòng” nhất. Quê ông tận Bạch Hạc (Việt Trì, Phú Thọ) nhưng ông đã "vào lính” từ thời học ở trường Thiếu sinh quân của Quân khu 4. Sau khi học xong chương trình của nhà trường đặc biệt này, ông vào lính, năm 18 tuổi, làm tân binh của Trung đoàn 44, Quân khu 4. Đến năm 1950, do những khả năng trời phú về tố chất lính nên ông được lựa chọn để đưa sang Sư đoàn 308, một trong những sư đoàn mà Pháp sợ nhất lúc bấy giờ. 

Khi ta mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, sư đoàn ông được tăng cường lên Tây Bắc. Sau 1 tháng trời hành quân, ông đã có mặt ở Sơn La và bắt đầu bước vào những trận đánh lịch sử như Nà Sản, Cò Nòi, Hát Lót. Trong hành trình đánh địch theo kiểu cuốn chiếu này, ông đã có mặt ở Điện Biên và tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, trong vai trò lính xung kích với những trận đánh như Độc Lập, Bản Kéo, Him Lam…

Sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, đơn vị ông được chọn về tiếp quản Thủ đô. Một thời gian sau, nghiệp lính của ông "bị bẻ” khi ông được tuyển chọn cùng với 99 người nữa sang nước bạn để đào tạo hải quân. Đây là lực lượng đầu tiên của Hải quân Nhân dân Việt Nam. Mỗi người được lựa chọn đào tạo một chuyên ngành, riêng ông là một trong số ít người được đào tạo thuyền trưởng. Sau 1 năm học tập, 100 người các ông được chia làm 4 tầu để về Việt Nam. 4 tầu này, lúc bấy giờ được coi là 4 "quả đấm thép” trên biển của lực lượng Hải quân. 

Cứ tưởng nghiệp lính mà là lính hải quân của mình sẽ dừng ở đó. Không ngờ, sau khi đoán định được những căng thẳng mà đế quốc Mỹ sẽ tạo ra trên biển, để đi trước chúng một bước, ta đã quyết định đào tạo lực lượng hải quân tầu săn ngầm (lúc đó gọi tắt là săn ngầm). Ông Chừng lại được chọn, đưa sang nước bạn học. Sau khi lao tâm khổ tứ học tập, năm 1960, cùng với anh em "săn ngầm” ông đã trở về Tổ quốc với 4 con tầu chiến đấu trên 200 tấn có các phiên hiệu: 225, 227, 229 và 231. 

Đại tá Lê Văn Chừng với đời thường

Trận đối đầu lịch sử

Ông Chừng cho biết, sau khi gây hấn và dựng lên cái gọi là "Sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, ngoài tầu chiến, đế quốc Mỹ còn cho các loại máy bay tập kích, gây chiến với chúng ta khắp một dải bờ biển từ Đèo Ngang (Quảng Bình) ra tới Móng Cái (Quảng Ninh). Để đón đánh những trận tập kích của chúng, 4 tầu "săn ngầm” thuộc lực lượng săn tầu của Hải quân Nhân dân Việt Nam được chia trực tại Vịnh Hạ Long. Trực chiến ở đây theo ông Chừng vừa có cái "thuận” vừa có cái "nghịch” đối với lực lượng của ta. Vì náu tầu ở đây ta sẽ có những dãy núi để bảo vệ, nhưng cái dở là sẽ tạo điều kiện cho máy bay giặc hạ thấp độ cao, "nhờ núi” để tránh sự phát hiện của ra - đa.

Ngày 5-8-1964 là ngày đáng nhớ nhất của đời ông, của lực lượng hải quân và quân "săn ngầm”. Theo ông Chừng, ngày hôm ấy, đến lượt tầu của ông được phân trực ban. Nửa ngày, mọi thứ bình yên đã đến, nhưng bắt đầu từ 14h chiều, máy bay địch hạ độ cao, bay cách mặt biển khoảng 150m, khuất tầm quan sát của ra – đa chúng ta. Bay và luồn lách như vậy, khi ta bắt đầu phát hiện ra thì chúng đã tới tấp lao vào nhả đạn.

Vì bị tập kích bất thường, lúc này anh em không kịp cởi dây neo tầu mà đã phải dùng dao để chặt. Tầu săn ngầm 200 tấn, với công suất 7.000 mã lực dưới sự chỉ huy của ông đã nhanh chóng tăng tốc, lạng lách để tránh các tầm pháo kích và phóng rốc – két của máy bay địch. Ông Chừng bảo, lúc đó có khoảng 8 chiếc bủa vây tầu 225 do ông chỉ huy. Vừa chỉ đạo anh em lái tầu tránh máy bay giặc, ông Chừng vừa ổn định tinh thần cho anh em và xác định máy bay nào chuẩn bị bổ nhào để nã đạn. Sau một thời gian căng thẳng, "vờn nhau”, bất chợt 1 chiếc máy bay đã "tách đàn” lao xuống tiếp cận tầu 225.

Không chút mất bình tĩnh, ông Chừng chỉ đạo anh em lái tầu và tìm hướng để trực tiếp đối đầu với máy bay địch. Vừa chỉ huy lái tránh đạn, ông vừa chỉ đạo anh em bắt mục tiêu. Và khi các yếu tố kĩ thuật tác chiến được đưa ra, khẩu hiệu nhả đạn vang lên, 5 loạt đạn của tầu 225 đã quất như trời giáng vào máy bay giặc. Trúng loạt đạn không thể ngờ này, máy bay địch loạng choạng, cố ngóc đầu lên, kéo theo một vệt khói và rơi cách đó một khoảng khá xa. 7 chiếc máy bay còn lại, để cứu đồng đội, đã đồng loạt vây hãm tầu ông và sau đó bỏ đi do hoảng sợ.

Biển bình yên, lúc này kiểm tra lại tầu, ông mới biết tầu mình cũng đã bị trúng 20 viên đạn loại 20mm từ máy bay của giặc. Riêng chỗ ông Chừng đứng chỉ huy tầu cũng đã trúng một phát đạn, nhưng do tấm chắn dầy và tầm đạn xa nên ông Chừng đã thoát chết trong gang tấc. Tối ấy, những người lính như ông vui lắm. Ngoài việc gặp lại viên trung úy phi công có tên Alvarez, cấp bậc tương đương ông Chừng thì toàn tầu còn được gặp bác Phạm Văn Đồng xuống thăm hỏi, chúc mừng, động viên. Sau trận đánh này, ông và tầu 225 đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng 3, riêng pháo thủ Bùi Mạnh Hùng được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng 2.

Hiện ông Chừng đã có 3 con, một trai và hai gái. Các con ông ai cũng học hành và thành đạt trong cuộc sống.

 
Đơn thương
 
(Theo daidoanket.vn)

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)