Thế giới tuần qua: Vội vã rời "biển lửa"
1. Tình hình tại Libya đang vô cùng phức tạp. Chiến sự tiếp tục leo thang và phiến quân Hồi giáo tuyên bố kiểm soát toàn bộ thành phố Benghazi. Kênh truyền hình "Al Arabiya" của Saudi Arabia ngày 31-7 đưa tin nhóm phiến quân Hồi giáo Ansar al-Sharia có liên hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda đã tuyên bố thành lập "Tiểu vương quốc Hồi giáo" tại Benghazi.
 |
Người dân Ai Cập sơ tán khỏi Libya qua cửa khẩu Salloum. Nguồn: IRIN
|
Trước diễn biến căng thẳng ở Libya khiến hầu hết các quốc gia thông báo kế hoạch sơ tán công dân và nhân viên ngoại giao, bởi an toàn đã không được bảo đảm. Có nhiều đoàn xe và nhân viên ngoại giao đã bị tấn công.
Về tình hình người Việt Nam tại Libya, Đại sứ Việt Nam tại Libya cho biết các kế hoạch đảm bảo an ninh, an toàn và sơ tán cộng đồng người Việt tại đây đã được chuẩn bị sẵn sàng, đề phòng tình huống xấu nhất xảy ra. Cuộc sống của lao động Việt Nam tại Libya cũng gặp khó khăn do bị cắt điện và mất nước thường xuyên. Một số nơi, người lao động bị công ty cắt giảm khẩu phần ăn, phải sử dụng củi để đun nấu do không mua được nhiên liệu và bị các nhóm vũ trang xông vào nơi ở cướp tiền, điện thoại...Đại sứ quán thường xuyên giữ liên lạc với đại diện người lao động Việt Nam tại các địa phương để nắm bắt tình hình và khuyến cáo các biện pháp phòng ngừa, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các công ty trong việc giải quyết các thủ tục cần thiết để sơ tán lao động Việt Nam đến nơi an toàn hoặc đưa về nước.
Ngoài ra, Đại sứ quán Việt Nam tại Libya cũng yêu cầu các chủ sử dụng lao động thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn và cam kết thực hiện đúng hợp đồng đã ký kết. Trong số đó, các chủ sử dụng là người nước ngoài được yêu cầu đưa lao động Việt Nam về nước trong trường hợp họ quyết định rút khỏi Libya. Các công ty trong nước được yêu cầu duy trì liên hệ với các chủ sử dụng lao động để nắm bắt kế hoạch của họ và được khuyến cáo không tiếp tục đưa lao động sang làm việc tại Libya vào thời điểm này. Dự kiến, khoảng 800 lao động Việt Nam đang làm việc cho một công ty Hàn Quốc sẽ được sơ tán về nước bằng đường không qua ngả Cairo vào ngày 2/8 tới.
2. Phương Tây và Mỹ đã tiến hành các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất đối với Moscow kể từ thời Chiến tranh Lạnh nhằm vào Nga liên quan cuộc khủng hoảng Ukraine.
 |
Ngân hàng Moskva (Bank of Moscow) ở Thủ đô Moskva. Ảnh: Itar-Tass
|
Đáp lại, Bộ Ngoại giao Nga ngày 30-7 đưa ra lời cảnh báo rằng, đây là động thái "gậy ông đập lưng ông". Bộ Ngoại giao Nga cho rằng Mỹ đang "tự bắn vào chân mình" khi trừng phạt Nga. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố các biện pháp trừng phạt mạnh tay của phương Tây chỉ khiến Nga càng độc lập hơn về kinh tế. Còn Phó Thủ tướng LB Nga Dmitry Rogozin cho biết các linh kiện để chế tạo vũ khí trang thiết bị quân sự được nhập khẩu từ Ukraine sẽ được thay thế bằng các sản phẩm do các tập đoàn công nghiệp quốc phòng trong nước sản xuất.
Bất chấp các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga, các thị trường tài chính nước này trong ngày 30-7 vẫn ổn định, các chỉ số chứng khoán chính tăng khoảng 2% và đồng rúp giữ nguyên giá so với đồng USD và đồng euro.
3. Israel tuyên bố tiếp tục phá hủy các đường hầm ở biên giới với Gaza; sẽ không rút binh sĩ khỏi Dải Gaza cho tới khi hoàn tất việc phá hủy mạng lưới đường hầm xuyên biên giới sang Israel của phong trào Hamas. Phát biểu tại phiên họp đặc biệt của nội các tại Tel Aviv, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết sẽ không chấp nhận bất kỳ lệnh ngừng bắn nào không cho phép quân đội nước này tiếp tục phá hủy các đường hầm được Hamas sử dụng để tấn công Israel. Israel đã xác nhận đang huy động thêm 16.000 quân dự bị tới Dải Gaza, đưa con số lực lượng dự bị của IDF hoạt động tại dải đất này lên 86.000 lính.
 |
Một cuộc không kích vào Gaza.
|
Trước nững diễn biến có thể căng thẳng hơn, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) ngày 31-7 đã họp khẩn về tình hình nhân đạo đang xuống cấp nghiêm trọng tại Dải Gaza. Sau gần 4 tuần xung đột đã có gần 1.500 người Palestine thiệt mạng và 6.000 người bị thương. Tổng thư ký Liên hợp quốc và lãnh đạo nhiều quốc gia đã lên án cuộc không kích của Israel vào một trường tiểu học ở Gaza làm 16 người thiệt mạng, đồng thời nhấn mạnh phải đưa các thủ phạm của vụ việc này ra công lý. Thậm chí đã có một số nước quyết định hủy thỏa thuận miễn thị thực với Israel để phản đối chiến dịch tấn công ở Gaza.
Mặc dù đã có lệnh ngừng bắn 72 giờ, từ ngày 1-8, song chỉ khoảng 2 giờ sau, xe tăng Israel đã nổ súng tại khu vực miền nam Rafah khiến ít nhất 40 người chết và hơn 100 người bị thương. Tuy nhiên, Israel cáo buộc Hamas phá vỡ thỏa thuận khi bắn tên lửa vào sâu trong lãnh thổ nước này.
4. Liên quan tới vụ việc chiếc máy bay số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị rơi tại Torez, Ukraine, trong chuyến thăm hai ngày Hà Lan của Thủ tướng Malaysia Najib Razak, hai nước đã cùng kêu gọi ngừng chiến tại hiện trường vụ rơi máy bay MH17. Thủ tướng Razak cho biết ưu tiên của Malaysia và Hà Lan là đảm bảo rằng các nhà điều tra quốc tế được tiếp cận đầy đủ và không bị giới hạn vào khu vực hiện trường để thu thập chứng cứ.
 |
Các tay súng ly khai tại hiện trường vụ rơi máy bay MH17
|
Ngày 31-7, các chuyên gia Hà Lan và Australia cùng một nhóm quan sát viên quốc tế đã đến hiện trường vụ rơi máy bay MH17 sau nhiều ngày giao tranh dữ dội khiến họ không thể tiếp cận khu vực này. Liên quan tới vụ việc này, ngày 30-7, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã yêu cầu chấm dứt giao tranh và cho phép các nhà điều tra tiếp cận địa điểm máy bay MH17 của Hãng hàng không Malaysia rơi ở miền Đông Ukraine.
* Trong một diễn biến mới nhất liên quan tới vụ MH17, hãng RIA Novosti, ngày 27-7, dẫn một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết Mỹ đã thừa nhận tính xác thực của các dữ liệu vệ tinh mà Bộ Quốc phòng Nga cung cấp trong cuộc họp báo hôm 21-7, cho biết các thiết bị phòng không của lực lượng vũ trang Ukraine gần thành phố Donetsk ước tính gồm 4 tiểu đoàn Buk-M1.
Đại diện thường trực Nga tại LHQ Vitaly Churkin ngày 31-7 cho biết Nga đã chuyển cho LHQ và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) các dữ liệu quan sát khách quan tại hiện trường chiếc máy bay mang số hiệu MH17 bị rơi.
 |
Quân đội Ukraine triển khai ở miền Đông để trấn áp lực lượng biểu tình. Ảnh: Reuters
|
* Về tình hình chiến sự gần biên giới với Nga, phía Nga cáo buộc Ukraine bắn hàng chục quả đại bác sang lãnh thổ của mình. Để làm rõ các hoạt động của tất cả các bên, Trưởng phái bộ Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) Paul Picard ngày 30-7 cho biết các quan sát viên OSCE đã bắt đầu hoạt động tại khu vực biên giới Nga - Ukraine.
Trước đó, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov ngày 27-7 cho biết các thanh tra viên quốc tế đã khẳng định không phát hiện bất kỳ vi phạm nào của Nga, kể cả các hoạt động quân sự không công khai, tại khu vực biên giới với Ukraine.
5. Ngày 30-7, Với tỷ lệ bỏ phiếu 225/201, Hạ viện Mỹ do phe Cộng hòa chiếm đa số đã dọn đường để tiến hành một vụ kiện pháp lý đối với Tổng thống Barack Obama do vượt quyền hạn khi tiến hành luật cải cách y tế.
 |
Tổng thống Mỹ Barack Obama
|
Hồi tuần trước, Ủy ban Quy tắc Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật ủy quyền cho Chủ tịch Hạ viện John Boehner khởi kiện Tổng thống Obama sử dụng quyền hành pháp vượt quá mức quy định.
Phe Dân chủ của ông Obama đã đáp trả rằng động thái này của phe Cộng hòa chỉ là đòn chính trị, gây tốn kém tiền của, bởi kể cả khi dự luật được Hạ viện thông qua thì việc khởi kiện cũng sẽ kéo dài hàng năm mà chưa chắc đã đi đến đâu.
6. Rạng sáng 29-7, tại khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương của Trung Quốc, lại xảy ra một vụ tấn công khủng bố làm hàng chục người thương vong. Cảnh sát địa phương cho biết vụ tấn công đã gây thương vong cho hàng chục người người Duy Ngô Nhĩ và người Hán. 31 ô tô cũng đã bị phá hỏng, trong đó có 6 chiếc bị đốt cháy. Cảnh sát đã tiêu diệt một số thủ phạm ngay tại hiện trường. Theo kết quả điều tra ban đầu, đây là vụ tấn công khủng bố được lên kế hoạch trước. Vụ việc đang được tiếp tục điều tra làm rõ.
 |
Cảnh sát vũ trang Trung Quốc đứng gác ở Urumqi, thủ phủ Khu Tự trị Tân Cương - Ảnh: Reuters
|
* Liên quan tới Trung Quốc, Tân Hoa xã ngày 29-7 đưa tin, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) đã quyết định điều tra ông Chu Vĩnh Khang, nguyên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị kiêm Bí thư Ủy ban Chính trị-Pháp luật Trung ương, nguyên Bộ trưởng Công an, vì bị nghi "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng".
Sau khi thông tin Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản (ĐCS) Trung Quốc quyết định lập án điều tra đối với Chu Vĩnh Khang, tờ “Quân Giải phóng” cảu Trung Quốc cho biết, phần đông sĩ quan, binh sĩ nhất trí cho rằng đó là quyết định đúng đắn của trung ương. Các sĩ quan, binh sĩ trong lực lượng vũ trang Trung Quốc bày tỏ ủng hộ quyết định trên.
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC), nơi ông Chu Vĩnh Khang từng có thời gian hoạt động và làm lãnh đạo giai đoạn 1988-1998, cũng đã triệu tập hội nghị nhằm truyền đạt và bày tỏ nhất trí ủng hộ quyết định trên.
 |
Quân đội Trung Quốc trong một cuộc diễn tập đổ bộ. Ảnh: EpochTimes
|
* Liên quan tới quân đội Trung Quốc, tờ "Tân Kinh báo" ngày 27-7, dẫn tin cảnh báo hàng hải mà Cục Hải sự Trung Quốc thông báo cho biết, quân đội nước này đồng thời tiến hành diễn tập quân sự ở 4 vùng biển lớn là Bột Hải, Hoàng Hải, Đông Hải và Vịnh Bắc Bộ. Ngoài ra, các cuộc diễn tập lớn ở một số Đại Quân khu cũng diễn ra, khiến nhiều chuyến bay phải hoãn, hoặc hủy.
Theo nhận định của các chuyên gia, việc Trung Quốc diễn tập với nhiều quân, binh chủng trên một phạm vi rộng lớn, cả trên bộ, trên không và trên biển tăng theo từng năm cho thấy quân đội Trung Quốc đang ráo riết chuẩn bị cho những kế hoạch lớn hơn trong tương lai với một đội quân mạnh hơn, chuyên nghiệp hơn.
7. Liên quan tới tình hình Biển Đông, trong tuần qua, nhiều quan chức, học giả tiếp tục chỉ trích các chính sách sai lầm của Trung Quốc trong cách hành xử và giải quyết vấn đề Biển Đông.
 |
Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton |
Về vấn đề này, trong phát biểu mới đây tại tỉnh Quảng Châu (Trung Quốc), cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã chỉ trích Trung Quốc về cách cư xử với các nước láng giềng liên quan tới vấn đề Biển Đông. Ông Clinton bày tỏ sự không đồng tình trước việc Bắc Kinh chủ trương giải quyết song phương với những quốc gia bất đồng, dù đó là những nước nhỏ hơn Trung Quốc rất nhiều, như Việt Nam hay Philippines. Ông nhấn mạnh rằng Mỹ không quan tâm đến giải pháp mà Bắc Kinh chọn lựa để giải quyết tranh chấp (chủ quyền tại Biển Đông), tuy nhiên quyết định của Bắc Kinh không nên "lấn át" các quốc gia nhỏ như Việt Nam hay Philippines, đơn giản chỉ bởi vì Trung Quốc là nước lớn.
Trước đó, trả lời phỏng vấn trên đài truyền hình CNN của Mỹ, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã tuyên bố ủng hộ chủ trương giải quyết các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và Biển Hoa Đông trong khuôn khổ đa phương. Ông Clinton cho rằng chỉ có bằng biện pháp này các nước nhỏ hơn sẽ không bị uy hiếp.
NGUYỄN HÒA (Tổng hợp)
(Theo qdnd.vn)